0922 281 189 [email protected]
Thứ bảy, 08/07/2023 08:34 (GMT+7)

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở xã hội cho người lao động “không nhằm mục đích lợi nhuận”

Theo dõi KT&TD trên

Ngày 7/7, Đoàn công tác của Ủy ban Pháp luật của Quốc hội khảo sát thực tiễn thi hành Luật Nhà ở tại Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam. Các đại biểu đóng góp nhiều ý kiến về dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi): Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn xây nhà ở xã hội cho người lao động “không nhằm mục đích lợi nhuận”
Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam phát biểu tại buổi làm việc (Ảnh: Quế Chi).

Dự thảo Luật đã trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 5 (tháng 6-7), trong đó đề xuất Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam được tham gia đầu tư xây dựng nhà ở xã hội cho đoàn viên công đoàn làm việc tại khu công nghiệp mua, thuê, thuê mua. Tổng Liên đoàn chủ trì, phối hợp với doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà lưu trú công nhân và công trình phục vụ nhu cầu ở của công nhân.

Ông Ngọ Duy Hiểu - Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cho rằng, nội dung này phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của Tổng Liên đoàn là chăm lo và bảo vệ quyền lợi ích chính đáng của người lao động. "Đây là hoạt động có tính chất kinh tế nhưng không nhằm mục đích lợi nhuận, không nhằm cạnh tranh với doanh nghiệp bất động sản", ông Hiểu nhấn mạnh.

Tuy nhiên, theo quy định Luật Nhà ở 2014, chủ thể phát triển nhà ở xã hội gồm Nhà nước; doanh nghiệp, hợp tác xã; hộ gia đình, cá nhân, không có Tổng Liên đoàn. Thực tế, các dự án nhà ở xã hội do doanh nghiệp và Nhà nước thực hiện chưa đáp ứng nhu cầu công nhân, người lao động.

Trong khi đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam có nguồn lực tài chính, mong muốn tham gia song lại vướng Luật Đầu tư công, Luật Nhà ở. Pháp luật chưa quy định dẫn đến thiếu cơ sở pháp lý để triển khai và không phát huy được hiệu quả của chủ thể và nguồn vốn này.

Theo Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, vốn đầu tư nhà ở xã hội lấy từ nguồn tài chính công đoàn là phù hợp với Luật Công đoàn. Luật này quy định nội dung chi tài chính có phục vụ "hoạt động chăm lo khác cho người lao động".

Về nhóm được thụ hưởng, dự thảo quy định "công nhân, người lao động đang làm việc tại doanh nghiệp trong khu công nghiệp". Tuy nhiên, ông Hiểu cho rằng quy định như vậy tạo sự phân biệt người lao động làm việc ngoài khu công nghiệp. Ông kiến nghị quy định như cũ, tức là "người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp trong và ngoài khu công nghiệp" đều được hưởng.

Điều 75 dự thảo đề xuất công nhân, người lao động thuộc diện "không phải nộp thuế thu nhập đối với khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương" mới được tiếp cận nhà ở xã hội. Song ông Hiểu cho rằng quy định này chưa khả thi bởi lao động có thu nhập trên mức chịu thuế (11 triệu) chưa được xem là có mức sống dư dả.

Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam muốn xây nhà ở xã hội cho người lao động “không nhằm mục đích lợi nhuận”
Dự kiến dự án Luật Nhà ở (sửa đổi) sẽ được Quốc hội thông qua tại Kỳ họp 6, cuối năm 2023.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng đồng tình chăm lo nhà ở cho công nhân là chức năng quan trọng của công đoàn, phục vụ quyền, lợi ích chính đáng của người lao động. Tuy nhiên, Luật Kinh doanh bất động sản quy định chủ thể phải có chức năng kinh doanh mới có thể bán, cho thuê và thuê mua nhà ở. Theo Luật Đất đai, Tổng Liên đoàn cũng không phải tổ chức kinh tế nên không thuộc nhóm được giao đất để đầu tư dự án nhà ở. Vì vậy, nếu Tổng Liên đoàn muốn tham gia vào lĩnh vực này, cần điều chỉnh một số luật hiện hành.

Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật đề nghị cơ quan soạn thảo phối hợp với Bộ, ngành xây dựng dự án Luật phân định rõ nhà ở xã hội, nhà lưu trú công nhân, kèm theo điều kiện, tiêu chuẩn đối với từng loại hình.

Thường trực Ủy ban Pháp luật Đồng Ngọc Ba cho rằng dự thảo Luật Nhà ở cần xây dựng theo hướng nhà xã hội, nhà cho công nhân chỉ để thuê và thuê mua, nhất là với dự án do Nhà nước đầu tư. Việc hạn chế sở hữu nhà ở xã hội sẽ tránh được tình trạng nhóm không phù hợp những vẫn được hưởng chính sách.

Ông cũng cho rằng nếu dự thảo cho phép Tổng Liên đoàn Lao động được tham gia phát triển nhà ở xã hội thì cần nghiên cứu theo hướng phát triển nhà ở thuê và thuê mua là chủ yếu để đảm bảo tính bền vững. Phải có tiêu chí phân biệt nhà ở xã hội dành cho gia đình và mô hình nhà ký túc xá công nhân chỉ cho công nhân làm việc được ở.

"Cách đầu tư, quản lý không gian sống, các thiết chế đi kèm nên phân định rõ. Dự thảo có thể nghiên cứu theo hướng cho Tổng Liên đoàn được xây ký túc xá cho công nhân để thuê và thuê mua", ông Đồng Ngọc Ba góp ý.

Khánh An

Bạn đang đọc bài viết Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam xây nhà ở xã hội cho người lao động “không nhằm mục đích lợi nhuận”. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Giấc mơ an cư: Vì sao giới trẻ ngày càng khó mua nhà?
Giấc mơ sở hữu một căn nhà từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự thành công và ổn định trong cuộc sống. Tuy nhiên, với thế hệ trẻ hiện nay, giấc mơ này dường như ngày càng xa vời. Vậy đâu là những lý do khiến việc mua nhà trở nên khó khăn đến vậy đối với giới trẻ hiện nay?
Giải phóng mặt bằng dự án Khu công nghiệp VISP Thái Bình đạt khoảng 90%
Dự án Khu công nghiệp VISP Thái Bình thực hiện giải phóng mặt bằng (GPMB) với diện tích lớn thứ hai thuộc huyện Thái Thuỵ. Dự án hứa hẹn sẽ góp phần tích cực vào quá trình chuyển dịch mạnh mẽ cơ cấu kinh tế của tỉnh, thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh Thái Bình nhanh và bền vững.
Cảnh báo “sốt đất ảo” theo thông tin sáp nhập tỉnh, thành
Thời gian qua, các địa phương đồng loạt cảnh báo người dân cẩn trọng trước những thông tin không chính thống về sáp nhập tỉnh thành, đồng thời phải phản ánh những tin đồn sai sự thật, đầu cơ thổi giá, lũng đoạn thị trường đến các cơ quan chức năng trên địa bàn.

Tin mới