Quy định pháp luật về nhà ở xã hội nên áp dụng từ ngày 01/07/2024?
Để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội trong thời gian tới, Bộ Xây dựng, các địa phương và doanh nghiệp đã kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét sớm áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội từ ngày 01/07/2024.
Theo đề xuất của Bộ Xây dựng, một trong những giải pháp trọng tâm để tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội là tập trung xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 nhằm tháo gỡ các vướng mắc về cơ chế, chính sách, pháp luật, triển khai hiệu quả, thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội.
Trong thời gian tới, Bộ Xây dựng sẽ tiếp tục phối hợp với các Bộ, ngành liên quan để góp ý xây dựng các Nghị định hướng dẫn Luật Kinh doanh bất động sản, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi)… để đồng bộ với Luật Nhà ở (sửa đổi) về các cơ chế chính sách nhà ở xã hội.
Hiện nay, Bộ Xây dựng, Bộ Tài nguyên và Môi trường và Bộ Tài chính đang khẩn trương, tập trung nghiên cứu dự thảo các Nghị định hướng dẫn các Luật Nhà ở số 27/2023/QH15 và Luật Kinh doanh Bất động sản số 29/2023/QH15, Luật Đất đai (sửa đổi), Luật các Tổ chức tín dụng (sửa đổi) để trình Chính phủ xem xét ban hành ngay trong tháng 5/2024.
Từ đó, Chính phủ sẽ có cơ sở để xem xét, trình Quốc hội cho phép các Luật nêu trên có hiệu lực sớm hơn, dự kiến là từ ngày 01/07/2024 (hiện các Luật hiệu lực từ ngày 01/01/2025).
Cùng chung quan điểm với Bộ Xây dựng, ông Trương Anh Tuấn - Chủ tịch HĐQT Công ty Cổ phần Tư vấn - Thương mại - Dịch vụ Địa ốc Hoàng Quân đánh giá Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản và Luật Đất đai đã tháo gỡ được nhiều vướng mắc trong phát triển nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, Chủ tịch HĐQT Công ty Hoàng Quân vẫn kiến nghị Chính phủ trình Quốc hội xem xét cho phép áp dụng chương về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở từ ngày 01/07/2024. Điều này sẽ tạo điều kiện tháo gỡ rất nhiều vướng mắc và thúc đẩy mạnh hơn việc thực hiện Đề án “Đầu tư xây dựng ít nhất 1 triệu căn hộ nhà ở xã hội cho đối tượng thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp giai đoạn 2021 - 2030".
Trong khi đó, ông Trần Ngọc Anh - Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Viglacera - CTCP cho rằng, các doanh nghiệp đang gặp một số khó khăn trong việc kinh doanh những căn hộ nhà ở xã hội do các quy định còn hạn chế về đối tượng cũng như điều kiện thuê mua.
Vì vậy, Tổng Công ty Viglacera - CTCP kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội xem xét sớm cho áp dụng Luật Nhà ở sửa đổi và ban hành Nghị định về nhà ở xã hội theo hướng tháo gỡ, mở rộng đối tượng được mua, được thuê với điều kiện đơn giản, dễ thực hiện để người thu nhập thấp sớm tiếp cận được với các sản phẩm nhà ở xã hội này.
Về phía UBND Thành phố Hà Nội, Phó Chủ tịch UBND Thành phố Dương Đức Tuấn cũng kiến nghị sớm áp dụng các quy định pháp luật liên quan đến phát triển nhà ở xã hội từ ngày 01/07/2024 để nhanh chóng tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc trong vấn đề này.
Trả lời kiến nghị của Bộ Xây dựng, các địa phương và doanh nghiệp về vấn đề này, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cho biết, các Bộ đang tích cực rà soát, sửa đổi nhiều văn bản quy phạm pháp luật có liên quan, ban hành các văn bản hướng dẫn với nhiều nội dung mới, tháo gỡ nhiều khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn…; phấn đấu hoàn thành và báo cáo Quốc hội để xin có hiệu lực sớm hơn từ ngày 01/07/2024 (hiệu lực hiện nay là từ ngày 01/01/2025).
Thủ tướng yêu cầu các Bộ: Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường cùng Ngân hàng Nhà nước tập trung xây dựng, sớm ban hành các Nghị định, văn bản quy phạm pháp luật hướng dẫn liên quan đến việc triển khai các dự án nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở (sửa đổi), Luật Kinh doanh bất động sản (sửa đổi), Luật Đất đai (sửa đổi) và Luật Các tổ chức tín dụng (sửa đổi).
Các quy định cần tập trung tháo gỡ các khó khăn vướng mắc trên tinh thần cắt giảm tối đa thủ tục hành chính, tăng cường phân cấp, phân quyền để giảm tối đa thời gian, chi phí thực hiện dự án nhà ở xã hội.