0922 281 189 [email protected]
Thứ ba, 09/01/2024 15:34 (GMT+7)

Nâng cao nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất

Theo dõi KT&TD trên

Xác định rõ đất đai là một trong những nguồn lực quan trọng trong phát triển kinh tế-xã hội, TP.HCM tập trung nâng cao hiệu quả công tác quản lý nhà nước trong khai thác, sử dụng đất đai, đồng thời tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất nhằm tăng nguồn thu ngân sách đầu tư cho phát triển hạ tầng xã hội.

Thông tin từ Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM cho biết, Sở TN&MT đang tổ chức thực hiện đồng bộ 4 nhóm giải pháp, bao gồm tăng cường việc quản lý và sử dụng đất đai theo đề án đã được phê duyệt; xây dựng kế hoạch đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có; thực hiện cơ chế tạo quỹ đất theo cơ chế, chính sách đặc thù cho thành phố được quy định tại Nghị quyết 98 của Quốc hội…

Từ năm 2021, Sở đã tham mưu UBND TP.HCM ban hành đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai có hiệu quả trên địa bàn thành phố. Đề án này tập trung nghiên cứu 06 nhóm vấn đề: quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai; tài chính đất đai; quản lý tài sản công; hành chính về đất đai và cơ chế hoạt động của Trung tâm Phát triển quỹ đất. Đối với giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc xác định giá đất cụ thể, sở đã thực hiện phân nhóm, phân loại và rút ra được 13 vướng mắc chính, xây dựng một đề án làm cơ sở để giải quyết.

Tiếp đến là giải pháp về tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất đối với quỹ đất sạch sẵn có. Đấu giá quyền sử dụng đất là một trong những phương thức quan trọng để tạo nguồn thu ngân sách nhà nước từ Trung ương đến địa phương, tạo nguồn vốn để phát triển cơ sở hạ tầng, tăng trưởng kinh tế; đồng thời, tạo nền tảng cho sự phát triển của thị trường bất động sản, bảo đảm sự minh bạch, công bằng xã hội, hài hòa lợi ích của Nhà nước và người sử dụng đất. Những năm gần đây, nguồn thu từ đấu giá quyền sử dụng đất luôn chiếm tỷ trọng lớn trong nguồn thu ngân sách tại mỗi địa phương (bình quân từ 15% đến 17% tổng thu ngân sách hằng năm).

Hiện Thành ủy và UBND TP.HCM đã phê duyệt nội dung kế hoạch đấu giá đất cho khu vực Thủ Thiêm. Ngoài khu vực này sẽ được thành phố hoàn chỉnh lại và thực hiện tiếp sau. Đây cũng là một trong những nguồn thu trực tiếp từ quỹ đất của thành phố. Trong những năm qua, nguồn thu từ đất luôn chiếm tỷ lệ quan trọng trong nguồn thu ngân sách của TP.HCM. Đây cũng là một trong những nguồn thu trực tiếp của thành phố.

Bên cạnh đó, TP.HCM sẽ vận dụng Nghị quyết 98/2023/NQ15 của Quốc hội cho phép TP.HCM thí điểm cơ chế tạo quỹ đất thông qua việc cho phép thu hồi đất vùng phụ cận của các dự án giao thông. Việc này nhằm chọn các nhà đầu tư làm dự án phát triển đô thị, thương mại, dịch vụ thông qua việc cho phép thu hồi đất vùng phụ cận các nhà ga của tuyến đường sắt đô thị và nút giao thông dọc tuyến đường vành đai 3 TP.HCM. Hiện, Sở Tài nguyên và Môi trường đã dự thảo xong quy chế phối hợp thực hiện.

Trước đó, vào giữa tháng 7/2023, Sở Tài nguyên và Môi trường TP.HCM đã có văn bản gửi UBND TP.HCM về kế hoạch tổ chức đấu giá hàng chục lô đất (trong đó có 04 lô đất bị bỏ cọc) và 3.790 căn hộ tại khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức). Sở đã đề xuất thành phố phê duyệt phương án đấu giá và tổ chức bán đấu giá trong tháng 6/2024. Đối với 04 lô đất bị bỏ cọc, vào ngày 10/12/2021, Trung tâm đấu giá tài sản TP.HCM đã hoàn tất việc đấu giá 04 lô đất 3-5, 3-8, 3-9 và 3-12 với tổng diện tích hơn 30.000m2, thuộc khu chức năng số 3, khu đô thị mới Thủ Thiêm (TP. Thủ Đức, TP.HCM).

Tổng giá khởi điểm của 4 lô đất là 5.300 tỷ đồng, giá đấu thành công đã thu về cho ngân sách thành phố 37.346 tỷ đồng. Như vậy, giá bình quân cho mỗi m2 đất tại 4 lô đất trên là 1,24 tỷ đồng. Riêng lô đất 3-12, giá đấu thành công lên tới 2,43 tỷ đồng/m2, cao hơn khoảng 2 lần so với giá đất tại trung tâm TP.HCM. Tuy nhiên, sau đó các doanh nghiệp trúng đấu giá lần lượt không nộp tiền sử dụng đất đúng thời hạn và xin bỏ cọc. Vì vậy, năm 2024 TP.HCM sẽ đưa ra đấu giá lại 04 lô đất này.

Năm 2024, dự toán thu ngân sách là 482.851 tỷ đồng, tăng 2,8% so dự toán năm 2023. Trong năm nay, thành phố sẽ đẩy mạnh thực hiện các cơ chế, chính sách của Trung ương hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi và phát triển, trong đó có giải pháp phát triển các loại thị trường an toàn, lành mạnh, hiệu quả, bền vững và hội nhập, nhất là thị trường bất động sản, nhà ở xã hội; rà soát, tháo gỡ vướng mắc đối với các dự án bất động sản, hỗ trợ khôi phục dòng tiền cho doanh nghiệp…

Nâng cao nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất

TP. HCM triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm nâng cao công tác quản lý nhà nước về đất đai.

Thực hiện Đề án “Quản lý đất đai và phương hướng sử dụng đất đai hiệu quả trên địa bàn TPHCM” UBND TP xây dựng Kế hoạch thực hiện năm 2023 - 2025, tập trung vào 6 nhóm giải pháp. Cụ thể, Về thực hiện quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất TPHCM: Tiếp tục thực hiện các công tác quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất chưa hoàn thành, hoàn thiện sau khi có ý kiến thẩm định của các cơ quan có thẩm quyền. Tiếp tục tham mưu đề xuất đưa vào Luật Đất đai sửa đổi nội dung thực hiện trên cơ sở quy hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt, tiến hành lập dự án tạo quỹ đất sạch, tập trung vào các khu vực có tiềm năng, vùng phụ cận các dự án hạ tầng kỹ thuật để thực hiện vì hiện nay quy định pháp luật đất đai hiện hành chưa quy định…

Về đánh giá hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai nghiên cứu, đề xuất giải pháp nhằm cải thiện hiệu quả quản lý và sử dụng đất đai.Về tài chính đất đai, xây dựng cách tính hệ số trong phương pháp định giá đất dựa trên hệ số điều chỉnh; xây dựng cơ chế xác định giá đất phục vụ giải quyết tranh chấp đất đai. Về quản lý tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý tiếp tục tăng cường công tác quản lý nhà nước về tài sản công là nhà, đất do Nhà nước quản lý, thực hiện sắp xếp sử dụng đạt hiệu quả…

Đối với giải pháp hành chính về đất đai, hoàn thiện ứng dụng công nghệ thông tin trong việc xây dựng bảng giá đất và tính giá đất, cơ sở dữ liệu đất đai; xây dựng và vận hành hệ thống dữ liệu thông tin đất đai tiến tới chia sẻ dữ liệu và thông tin đất đai.Về cơ chế hoạt động của Trung tâm phát triển quỹ đất: Hoàn thiện tham mưu “Quy chế và cơ chế phối hợp trong thực hiện tạo quy đất trên địa bàn TP.HCM” sau khi có ý kiến góp ý của các cơ quan, đơn vị…

Đức Toàn

Bạn đang đọc bài viết Nâng cao nguồn thu ngân sách từ đấu giá quyền sử dụng đất. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Tin mới

Tiếp sức cho doanh nghiệp
Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 31/10, tín dụng đã tăng 16,65% so với cùng kỳ 2023. Nhiều ngân hàng thương mại đã đạt mức tăng trưởng tín dụng từ 10%-17% trong 9 tháng đầu năm, tăng cao hơn tín dụng chung toàn ngành.
Dự án đường sắt tốc độ cao: Cơ hội cho doanh nghiệp Việt “vươn mình”
Dự án đường sắt tốc độ cao Bắc–Nam với tổng vốn đầu tư khoảng trên 67 tỷ USD sẽ xóa “điểm nghẽn” về vận tải bằng đường sắt vốn đã quá lạc hậu như hiện nay và cũng tạo cơ hội cho các DN Việt Nam từ cơ khí chế tạo, công nghệ đến tài chính tham gia để tự “vươn mình” lớn lên trong kỷ nguyên mới.
Xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực chứng khoán và TTCK đối với CTCP In Hospitality (Công ty)
Ngày 18/11/2024, Thanh tra Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) ban hành Quyết định số 377/QĐ-XPHC về việc xử phạt vi phạm hành chính đối với Công ty cổ phần In Hospitality (Địa chỉ trụ sở chính: 194 Hoàng Văn Thụ, Phường 9, Quận Phú Nhuận, Thành phố Hồ Chí Minh), cụ thể như sau:
Cơn sốt trà đặc sản khuấy đảo giới trẻ
Thị trường thực phẩm và đồ uống (F&B) Việt Nam đang chứng kiến sự trỗi dậy mạnh mẽ của một xu hướng mới: trà đặc sản. Không còn là những ly trà sữa béo ngậy, giới trẻ đang dần chuyển sang ưa chuộng những ly trà nguyên bản, đậm vị, được chế biến từ những dòng trà cao cấp của Việt Nam.