0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ sáu, 01/03/2024 16:39 (GMT+7)

Kiến nghị gỡ bỏ "nút thắt" yêu cầu ký quỹ trước giao dịch

Theo dõi KT&TD trên

Theo các chuyên gia, loại bỏ yêu cầu ký quỹ trước giao dịch sẽ làm tăng sức hấp dẫn đối với các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài, và giúp cho việc nâng hạng thị trường Việt Nam gần với hiện thực hơn.

UBCKNN cho biết, đã kiến nghị lên Bộ Tài chính các nội dung tháo gỡ vấn đề ký quỹ trước giao dịch, tỷ lệ sở hữu nhà đầu tư nước ngoài,... Dự thảo cụ thể sẽ công khai ra thị trường ngay tuần đầu tháng 3.

Nâng hạng thị trường phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài

Trải qua thăng trầm, song thị trường chứng khoán (TTCK) Việt Nam được đánh giá tăng trưởng tích cực so với các nước trong khu vực và trên thế giới. Trong năm 2024, TTCK được dự báo sẽ tích cực hơn do có nhiều yếu tố hỗ trợ. Tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ phát triển thị trường chứng khoán năm 2024 vừa được tổ chức, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhấn mạnh một trong những phương hướng phát triển thị trường chứng khoán là quyết tâm nâng hạng thị trường, tập trung phát triển theo xu hướng kinh tế số, kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn, kinh tế chia sẻ, kinh tế tri thức, phát triển nhanh và bền vững.

Năm 2024 là năm đầu tiên để thực hiện Chiến lược Phát triển thị trường chứng khoán đến năm 2030, trong đó nâng hạng TTCK là chủ trương đã được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ Chỉ đạo và bộ Tài chính cùng các bộ có liên quan đang tập trung triển khai.

Với nỗ lực chung của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước (UBCKNN) cùng các bộ, ngành có liên quan, Việt Nam đã có nhiều cải thiện và đạt được nhiều tiêu chí quan trọng theo đánh giá của các tổ chức xếp hạng quốc tế và định chế tài chính quốc tế lớn. Tuy nhiên, để nâng hạng thị trường chứng khoán từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi, trước mắt sẽ cần tập trung cải thiện hai nhóm vấn đề trọng yếu là yêu cầu ký quỹ trước giao dịch (pre-funding) và giới hạn sở hữu nước ngoài.

Chía sẻ tại diễn đàn “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả” vừa diễn ra, bà Vũ Thị Chân Phương, Chủ tịch UBCKNN, bên cạnh hai yếu tố kỹ thuật trên, việc nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nổi còn phụ thuộc vào trải nghiệm thực tế của nhà đầu tư nước ngoài khi tham gia vào TTCK.

Nói cách khác, mục tiêu này chỉ có thể thực hiện được khi nhận được sự chung sức của các đơn vị tư vấn và cộng đồng doanh nghiệp niêm yết tại Việt Nam. Bản thân các doanh nghiệp trên thị trường chứng khoán cần có cam kết và kế hoạch hành động để nâng cao công tác quản trị công ty gắn với ESG phù hợp với thông lệ quốc tế và xu hướng trong khu vực, cũng như công bố thông tin minh bạch, chất lượng, và có báo cáo bằng tiềng Anh.

Kiến nghị gỡ bỏ nút thắt yêu cầu ký quỹ trước giao dịch
Diễn đàn “Vì một mùa đại hội cổ đông đổi mới và hiệu quả”.

Liên quan đến nâng cao chất lượng thông tin công bố, năm 2024 còn là năm Bộ Tài chính có kế hoạch sửa đổi Nghị định số 155/2020/NĐ-CP quy định chi tiết về thi hành một số điều của luật chứng khoán và các thông tư liên quan.

Bên cạnh đó, việc từng doanh nghiệp tự nâng cao năng lực quản trị công ty, định hướng rõ chiến lược ESG không chỉ giúp tăng niềm tin của doanh nghiệp trong mắt nhà đầu tư, mà còn góp phần trợ giúp nâng hạng thị trường từ thị trường cận biên lên thị trường mới nỗi một cách đồng bộ. Điều này cũng đồng thời góp phần nâng cao điểm số/xếp hạng của Việt Nam trong chương trình đánh giá về quản trị công ty trong khu vực ASEAN (gọi tắt là ACGS).

Kiến nghị gỡ bỏ "nút thắt" yêu cầu ký quỹ trước giao dịch

Tại diễn đàn, bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng, Vụ Phát triển thị trường thuộc UBCKNN, cho biết UBCKNN đã kiến nghị lên Bộ Tài chính vấn đề về công bố thông tin bằng tiếng Anh. Sơ lược lộ trình trong đó, các doanh nghiệp lớn phải công bố thông tin song ngữ Việt - Anh từ 1/1/2025, các doanh nghiệp quy mô vừa từ 1/1/2026 và đến 1/1/2028 là toàn bộ doanh nghiệp đại chúng còn lại. Những mốc thời gian này phù hợp với lộ trình nâng hạng lên thị trường mới nổi.

Cùng với đó, về vấn đề pre-funding, bà Bình cho biết UBCKNN cũng đã kiến nghị Bộ Tài chính gỡ bỏ rào cản này. Tuy nhiên, điều này sẽ có rủi ro, đòi hỏi UBCKNN phải rà soát kỹ lưỡng. Dự kiến sẽ phải sửa đổi cả 2 văn bản Nghị định 155 và Thông tư 120 về giao dịch chứng khoán.

Cũng theo bà Bình, một vấn đề khác mà nhà đầu tư nước ngoài quan tâm là khả năng mua được nhiều cổ phiếu hay không, khi hiện họ vẫn đang bị hạn chế tỷ lệ sở hữu. Thực tế, Việt Nam không phải là thị trường duy nhất giới hạn sở hữu nhà đầu tư nước ngoài ở một số lĩnh vực có tính đặc thù liên quan đến quốc phòng hay phát triển kinh tế.

Kiến nghị gỡ bỏ nút thắt yêu cầu ký quỹ trước giao dịch
Bà Tạ Thanh Bình, Vụ trưởng, Vụ Phát triển thị trường thuộc UBCKNN.

Một vấn đề hiện hữu là doanh nghiệp thường đăng ký rất nhiều ngành nghề kinh doanh, song nhiều trong đó không hề triển khai hoặc triển khai không đáng kể. Vô hình trung, nếu một ngành nghề trong đó nằm trong số bị hạn chế sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài theo quy định cũng làm ảnh hưởng khả năng mua của nhóm nhà đầu tư này.

Vì vậy, theo bà Bình, doanh nghiệp cần rà soát, điều chỉnh, bỏ bớt các ngành nghề kinh doanh không triển khai, từ đó tăng tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài. Khi nào doanh nghiệp có nhu cầu triển khai ngành nghề đó thì đăng ký lại sau, điều này không có gì phức tạp.

Thứ hai, nhiều trường hợp hội đồng quản trị doanh nghiệp tự đưa tỷ lệ sở hữu của nhà đầu tư nước ngoài xuống mức thấp nhất. Điều này ảnh hưởng đến quyền lợi của cổ đông cũng như nhà đầu tư. Vấn đề này cũng cần doanh nghiệp rà soát, điều chỉnh lại.

Bà Bình cho biết, các kiến nghị nói trên UBCKNN đã trình lên Bộ Tài chính. Các văn bản dự thảo sẽ sớm công khai ra thị trường ngay trong tuần đầu tháng 3.

Trước đó, tại Hội nghị phát triển TTCK năm 2024 do Thủ tướng Chính phủ chủ trì, ông Johan Nyvene, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Chứng khoán TP.HCM (HSC) cho rằng, việc thị trường vốn được nâng hạng còn gắn với câu chuyện Việt Nam đang định hướng thành lập một trung tâm tài chính quốc tế và đây là một phần lớn trong chiến lược phát triển quốc gia của Việt Nam.

Ông Johan Nyvene chia sẻ, TTCK Việt Nam đã hình thành và phát triển từng giai đoạn, cả về chất lẫn lượng. Ở thời điểm hiện tại, mặc dù TTCK Việt Nam đang là thị trường Cận biên (Frontier Market), nhưng vẫn được đánh giá rất tích cực từ các nhà đầu tư tổ chức nước ngoài quan tâm và đánh giá như TTCK mới nổi. Điều này đã được thể hiện qua việc một số quỹ đầu tư nước ngoài thường chỉ chuyên đầu tư vào các thị trường mới nổi cũng đã bắt đầu tìm hiểu và đầu tư vào TTCK Việt Nam.

Theo ông Johan, TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào Nhóm 3 - Thị trường Cận biên (Frontier Markets). Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi (Emerging Markets).

Theo ông Johan, TTCK Việt Nam hiện vẫn đang được 2 tổ chức xếp hạng thị trường là MSCI (Morgan Stanley Capital International) và FTSE Russell (Financial Times Stock Exchange) xếp vào Nhóm 3 - Thị trường Cận biên (Frontier Markets). Riêng FTSE Russell đưa Việt Nam vào danh sách nhóm chờ nâng hạng lên Nhóm 2 - Thị trường Mới nổi (Emerging Markets).

Tại kỳ đánh giá vào tháng 9/2023, FTSE Russell vẫn tiếp tục giữ Việt Nam trong danh sách theo dõi nâng hạng lên thị trường mới nổi thứ cấp. Mặc dù có nhận xét là tiến độ cải thiện những tiêu chí để nâng hạng còn chậm, FTSE Russell cũng đã ghi nhận việc khẳng định cam kết rất tích cực của các lãnh đạo cấp cao trong công tác nâng hạng thị trường. Một ví dụ cụ thể là qua một số cơ hội xúc tiến kêu gọi đầu tư và tiếp xúc với các nhà đầu tư nước ngoài, các nhà đầu tư đã phản hồi là họ nhận thấy các cơ quan quản lý thị trường của Việt Nam như Bộ Tài chính và UBCK đã thể hiện nỗ lực của cơ quan chức năng trong việc tìm kiếm các giải pháp dài hạn và giải pháp trước mắt có thể triển khai để giúp đưa thị trường lên một chuẩn mực cao hơn, nhất là với định hướng giúp TTCK Việt Nam được nâng hạng.

Ở thời điểm hiện tại, HSC đánh giá TTCK Việt Nam đã đạt được phần lớn các tiêu chí của MSCI và FTSE đề ra cho việc nâng hạng thị trường. Tuy nhiên, gần đây nhất vào quý IV/2023, qua các cuộc tiếp xúc trực tiếp giữa các thành viên thị trường và UBCK với MSCI và FTSE, hai tổ chức xếp hạng này đã nêu ra một số tiêu chí cụ thể nhằm định hướng cho cơ quan chức năng và các thành viên thị trường nỗ lực đưa ra các giải pháp nhanh hơn.

Hồng Quang

Bạn đang đọc bài viết Kiến nghị gỡ bỏ "nút thắt" yêu cầu ký quỹ trước giao dịch. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thu chi minh bạch với tính năng Quỹ nhóm trên App HDBank
Tập hợp những tiện ích tối ưu như góp và rút quỹ, lịch sử thu chi, thông báo khi có biến động số dư, mời và xóa thành viên tham gia tiện lợi, tính năng Quỹ nhóm của App HDBank là lựa chọn của nhiều khách hàng khi mở quỹ nhóm.
HoREA: Đề xuất chỉ áp thuế 6% với doanh nghiệp làm nhà ở xã hội cho thuê
Hiệp hội Bất động sản Thành phố Hồ Chí Minh (HoREA) vừa có văn bản góp ý sửa đổi, bổ sung một số điều của Dự thảo Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp. Đáng chú ý, trong đó, HoREA đề xuất doanh nghiệp đầu tư xây dựng nhà ở xã hội chỉ để cho thuê được áp dụng thuế suất 6% thuế thu nhập doanh nghiệp.
Tăng trưởng tín dụng: 'Nóng' vì phập phù
Số liệu của Ngân hàng Nhà nước cho biết, tính đến 28/6, tín dụng tăng 6%, đến cuối tháng 7 chỉ còn 5,66% nhưng đến 14/8 lại đạt 6,11%. Sự trồi sụt bất thường này cho thấy tăng trưởng tín dụng có rất nhiều vấn đề.

Tin mới

Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Ngành thủy sản “gặp khó” sau bão Yagi
Cơn bão số 3 (bão Yagi) đã gây ra thiệt hại nghiêm trọng cho ngành thủy sản Việt Nam, đặc biệt tại các tỉnh miền Bắc. “Trắng biển” là từ ngữ được ngư dân các vùng biển Vân Đồn, Cẩm Phả, Quảng Yên, Hạ Long… miêu tả về những mất mát của người nuôi trồng thuỷ sản sau khi bão đi qua.