Hơn 80.000 shop rời sàn thương mại điện tử
Theo thống kê từ các nền tảng thương mại điện tử, lượng nhà bán hàng hoạt động trên sàn trong nửa đầu năm 2025 đã giảm hơn 55.000 shop so với 6 tháng cuối năm 2024, và giảm tổng cộng hơn 80.000 gian hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Đây là mức sụt giảm mạnh nhất trong ba năm qua. Các ngành hàng chịu ảnh hưởng lớn nhất gồm: thời trang, phụ kiện, đồ gia dụng, mỹ phẩm bình dân, những phân khúc thường có mức cạnh tranh cao và biên lợi nhuận thấp.
Làn sóng rút lui khỏi thị trường ở quy mô chưa từng có
Theo Báo cáo thị trường bán lẻ trực tuyến 6 tháng đầu năm 2025 và dự báo quý 3/2025 do nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn công bố, thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang ghi nhận những diễn biến trái chiều.
Tổng doanh số toàn ngành tiếp tục duy trì đà tăng trưởng ấn tượng trong nửa đầu năm, cho thấy nhu cầu tiêu dùng trực tuyến vẫn đang mở rộng. Tuy nhiên, số lượng shop có phát sinh đơn hàng đang sụt giảm mạnh, kéo theo làn sóng rút lui khỏi thị trường ở quy mô chưa từng có.
Báo cáo của Metric.vn thống kê doanh thu thương mại điện tử đạt 202.300 tỷ đồng, tăng tới 41,52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đáng chú ý, tháng 5 và tháng 6 ghi nhận mức tăng trưởng đột biến, lần lượt 44,54% và 46,49% so với cùng kỳ năm 2024. Trước đó, tháng 4 cũng duy trì mức tăng ổn định 32,03%, cho thấy xu hướng tiêu dùng online vẫn trên đà mở rộng.

Về doanh thu theo sàn, TikTok Shop nổi bật với mức tăng trưởng lên tới 69%, qua đó nâng thị phần từ 29% lên 39%. Dù vậy, Shopee vẫn là sàn dẫn đầu với 58% thị phần. Tuy nhiên, mức tăng trưởng doanh thu của Shopee chỉ đạt 16%, một con số khá khiêm tốn so với 63% của cùng kỳ năm ngoái.
Trong khi đó, Lazada và Tiki đang hụt hơi rõ rệt. Doanh thu của Lazada giảm tới 48%, còn Tiki thậm chí lao dốc 63%, khiến thị phần của cả hai bị thu hẹp đáng kể.
Theo các chuyên gia của Metric.vn, điều này cho thấy sự phân hóa mạnh mẽ giữa các sàn và cuộc chơi thương mại điện tử ngày càng khắc nghiệt, chỉ dành cho những nền tảng đủ sức đổi mới nhanh và nắm bắt xu hướng tiêu dùng mới.
Sụt giảm đơn hàng
Dù doanh thu toàn ngành thương mại điện tử tiếp tục tăng trưởng mạnh, số lượng shop phát sinh đơn hàng trong 6 tháng đầu năm 2025 lại sụt giảm nghiêm trọng.
Theo nền tảng dữ liệu thông minh Metric.vn, thị trường đang bước vào giai đoạn "thanh lọc" rõ rệt, chỉ những người bán có năng lực vận hành chuyên nghiệp, nguồn vốn mạnh và chiến lược dài hạn mới có thể trụ vững.
Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2025, số lượng shop phát sinh đơn hàng giảm hơn 80.000 so với cùng kỳ năm trước và giảm hơn 55.000 so với 6 tháng cuối năm 2024.
Một điểm nhấn đáng chú ý trong nửa đầu năm nay là sự trỗi dậy của nhóm hàng nhập khẩu giá rẻ, đặc biệt trên sàn Shopee. Với mức giá trung bình khoảng 45.625 đồng/sản phẩm, nhóm hàng này đang áp đảo trong phân khúc phổ thông nhờ lợi thế về giá thành cạnh tranh và mẫu mã phong phú.
Song song với sự lên ngôi của hàng nhập khẩu giá rẻ, thị trường cũng chứng kiến xu hướng rõ rệt: người tiêu dùng ngày càng ưu tiên các sản phẩm nằm trong khung giá vừa túi tiền. Cụ thể, nhóm sản phẩm có giá từ 100.000 - 200.000 đồng hiện chiếm tới 26,3% thị phần doanh số, tăng đáng kể so với mức 24,2% cùng kỳ năm ngoái.
Phân khúc giá từ 200.000 - 350.000 đồng cũng ghi nhận sự tăng trưởng nhẹ, từ 15,7% lên 16,5%.
Ngược lại, phân khúc hàng hóa trên 1 triệu đồng đang mất dần sức hút, khi thị phần giảm từ 16,3% xuống còn 15,1%. Dù nhóm hàng cao cấp vẫn giữ được doanh số ổn định nhờ nhóm khách hàng trung thành, tốc độ tăng trưởng đang chậm lại rõ rệt.
Theo một số chuyên gia, tình trạng này cũng phản ánh sự điều chỉnh của thị trường thương mại điện tử sau giai đoạn tăng trưởng nóng, buộc các hộ kinh doanh, cá nhân phải tái cấu trúc hoặc từ bỏ cuộc chơi nếu không thích nghi kịp.
Không ít nhà bán đã chọn rời sàn thương mại điện tử truyền thống để chuyển sang các nền tảng thương mại xã hội như TikTok Shop - nơi có chi phí vận hành thấp hơn, tương tác trực tiếp với khách hàng qua livestream.
Một số khác đang chuyển sang xây dựng website riêng, bán hàng trên Facebook, Zalo, hoặc đầu tư vào mô hình cửa hàng vật lý kết hợp bán hàng online (OMO).
H.P (t/h)