0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 25/07/2025 19:17 (GMT+7)

Các ngân hàng "chạy đua" bán bảo hiểm

Theo dõi KT&TD trên

Từ khi hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng bị siết chặt và dần suy giảm, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng chiến lược, trực tiếp tham gia thị trường bằng cách thành lập và nắm quyền kiểm soát các công ty bảo hiểm của riêng mình.

Cuộc đua bảo hiểm của các ngân hàng

Vừa qua, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank – mã chứng khoán: TCB) đã công bố thành lập Công ty Cổ phần Bảo hiểm Nhân thọ Kỹ thương (TCLife), đánh dấu bước đi chiến lược trong việc mở rộng hệ sinh thái tài chính.

TCLife được thành lập với vốn điều lệ ban đầu là 1.300 tỷ đồng. Doanh nghiệp này sẽ hoạt động trong các lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ, bảo hiểm sức khỏe, tái bảo hiểm và nhượng tái bảo hiểm theo quy định pháp luật.

Theo nghị quyết đã được Hội đồng quản trị Techcombank thông qua, ngân hàng này sẽ đầu tư 1.040 tỷ đồng để nắm giữ 80% vốn điều lệ của TCLife. Phần vốn còn lại đến từ Vingroup và một số cổ đông khác.

Techcombank kỳ vọng từ năm thứ ba hoạt động, TCLife sẽ có thể hoàn vốn và mang lại lợi nhuận ròng khoảng 605 tỷ đồng. Đến năm thứ năm, con số này được dự báo đạt gần 1.200 tỷ đồng, tương đương tỷ suất lợi nhuận khoảng 23,4%.

Các ngân hàng chạy đua bán bảo hiểm- Ảnh 1.
Techcombank đang mạnh tay để tham gia vào thị trường bảo hiểm. Ảnh minh hoạ.

Với sự ra đời của TCLife, Techcombank trở thành ngân hàng Việt Nam tiếp theo sở hữu riêng một công ty bảo hiểm nhân thọ. TCLife cũng là doanh nghiệp bảo hiểm nhân thọ thứ 20 hoạt động trên thị trường.

Trước đó, Techcombank đã thông qua kế hoạch thâu tóm cổ phần tại Công ty Bảo hiểm Phi nhân thọ Techcom (TCGIns) để đưa công ty này trở thành công ty con, với vốn điều lệ 500 tỷ đồng.

Động thái này diễn ra trong bối cảnh hoạt động phân phối bảo hiểm qua kênh ngân hàng (bancassurance) đang bị siết chặt, khiến nhiều ngân hàng chuyển hướng sang nắm quyền kiểm soát trực tiếp các doanh nghiệp bảo hiểm.

Không riêng Techcombank, VPBank cũng đã được cổ đông thông qua kế hoạch thành lập công ty bảo hiểm nhân thọ với vốn điều lệ dự kiến 2.000 tỷ đồng, hoạt động trong lĩnh vực bảo hiểm nhân thọ cơ bản, bảo hiểm sức khỏe và bảo hiểm liên kết chung. Ngoài ra, VPBank hiện cũng sở hữu 98% vốn điều lệ của Công ty Bảo hiểm OPES – chuyên về bảo hiểm phi nhân thọ.

Xu hướng mở rộng sang lĩnh vực bảo hiểm còn ghi nhận sự tham gia của nhiều "ông lớn" ngân hàng khác. Agribank nắm hơn 52% cổ phần tại ABIC; MB sở hữu gần 68,4% tại MIC; BIDV là cổ đông lớn tại BIC và liên doanh với MetLife; VietinBank có công ty con là Tổng Công ty Bảo hiểm VietinBank (VBI); SHB nắm cổ phần tại BSH dù đã có đối tác nước ngoài.

Việc các ngân hàng đẩy mạnh đầu tư vào bảo hiểm phản ánh chiến lược mở rộng nguồn thu ngoài tín dụng, đồng thời củng cố hệ sinh thái tài chính toàn diện. Đây được xem là hướng đi tiềm năng để gia tăng giá trị khai thác từ tệp khách hàng hiện hữu, nâng cao năng lực cạnh tranh trong dài hạn.

Bộ Tư pháp vừa công bố tài liệu thẩm định dự thảo Nghị định thay thế Nghị định 88/2019/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tiền tệ và ngân hàng.

Đáng chú ý, dự thảo nghị định này quy định mức phạt tiền từ 400 - 500 triệu đồng đối với vi phạm quy định về gắn việc bán sản phẩm bảo hiểm không bắt buộc trong cung ứng sản phẩm, dịch vụ ngân hàng dưới mọi hình thức theo quy định tại luật Các tổ chức tín dụng.

Thị trường "màu mỡ" của ngân hàng

PGS.TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Tài chính Trường Đại học Kinh tế TP.HCM, cho rằng sau gần 30 năm phát triển, thị trường bảo hiểm nhân thọ Việt Nam đang bước vào giai đoạn tái cấu trúc về mặt chủ thể tham gia.

Trước đây, lĩnh vực này gần như là "sân nhà" của các doanh nghiệp bảo hiểm đa quốc gia – những tổ chức có kinh nghiệm, nền tảng tài chính và hệ thống vận hành toàn cầu. Tuy nhiên, trong vài năm gần đây, các định chế tài chính nội địa, đặc biệt là khối ngân hàng thương mại, bắt đầu tham gia sâu hơn vào thị trường này, đánh dấu bước chuyển dịch đáng chú ý trong cục diện ngành.

Theo ông Huân, nguyên nhân chính khiến các ngân hàng ngày càng quan tâm đến mảng bảo hiểm nhân thọ là bởi tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong dài hạn. Đây là lĩnh vực còn nhiều dư địa phát triển, cả về nhu cầu thị trường lẫn khả năng khai thác từ tệp khách hàng hiện hữu.

Trong bối cảnh biên lợi nhuận tín dụng ngày càng thu hẹp và yêu cầu đa dạng hóa nguồn thu trở nên cấp thiết, bảo hiểm nhân thọ đang nổi lên như một mảnh ghép tiềm năng trong hệ sinh thái tài chính tích hợp mà các ngân hàng hướng đến.

Các ngân hàng chạy đua bán bảo hiểm- Ảnh 2.
Bảo hiểm nhân thọ đang nổi lên như một mảnh ghép tiềm năng trong hệ sinh thái tài chính tích hợp mà các ngân hàng hướng đến.

Báo cáo của Techcombank cũng chỉ rõ rằng bảo hiểm nhân thọ không chỉ giúp ngân hàng gia tăng nguồn thu từ phí bảo hiểm, mà còn mở ra cơ hội cung cấp các sản phẩm tài chính trọn gói, tăng khả năng giữ chân và khai thác khách hàng lâu dài. Đây là một lợi thế cạnh tranh mới trong bối cảnh thị trường ngân hàng ngày càng bão hòa và cạnh tranh gay gắt.

Không chỉ có lợi cho ngân hàng, theo phân tích của các chuyên gia, sự tham gia ngày càng sâu của các ngân hàng vào thị trường bảo hiểm còn mang lại tác động tích cực cho ngành bảo hiểm nói chung.

Cụ thể, các ngân hàng có thể hỗ trợ mở rộng mạng lưới phân phối, đẩy nhanh tốc độ số hóa và nâng cao tính cạnh tranh thông qua việc áp dụng công nghệ, dữ liệu khách hàng và kinh nghiệm vận hành hệ thống quy mô lớn.

Tuy nhiên, ông Huân cũng đồng thời chỉ ra nhiều thách thức lớn mà các ngân hàng sẽ phải đối mặt. Trước hết, đặc thù của ngành bảo hiểm nhân thọ là chu kỳ đầu tư dài, yêu cầu cao về nguồn lực tài chính và kinh nghiệm quản lý rủi ro.

Ngay cả các tập đoàn bảo hiểm quốc tế, khi bước chân vào thị trường Việt Nam, cũng thường mất trung bình từ 8 đến 10 năm mới có thể đạt được lợi nhuận. Quá trình "khai mở" thị trường tiêu tốn rất nhiều thời gian và công sức để xây dựng niềm tin từ người dân – vốn chưa có thói quen chi tiêu cho các sản phẩm bảo hiểm dài hạn.

Quan trọng hơn, yếu tố then chốt để ngành bảo hiểm phát triển bền vững nằm ở chất lượng đội ngũ tư vấn – những người trực tiếp kết nối giữa sản phẩm bảo hiểm và khách hàng. Tuy nhiên, chất lượng tư vấn hiện nay vẫn chưa được cải thiện đáng kể. Không ít trường hợp bán hàng theo kiểu "đánh nhanh rút gọn", tư vấn không đầy đủ, dẫn đến khiếu nại và mất niềm tin của khách hàng.

Thực trạng này diễn ra ngay cả khi các ngân hàng và tập đoàn tài chính lớn đã tham gia thị trường, cho thấy đây là "nút thắt" cần được tháo gỡ sớm nếu muốn xây dựng nền tảng phát triển ổn định và lâu dài.

Bạn đang đọc bài viết Các ngân hàng "chạy đua" bán bảo hiểm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Phúc Long - sức hút từ chất lượng và hành trình bứt phá cùng Masan
Phúc Long, thương hiệu trà và cà phê thuần Việt đã và đang khẳng định vị thế vững chắc trong lòng khách hàng bởi những giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển độc đáo. Không chỉ nổi bật với hương vị đặc trưng, Phúc Long còn ghi điểm nhờ không gian trải nghiệm ấn tượng và tầm nhìn chiến lược dài hạn
Thủ tướng chỉ đạo xử lý vướng mắc của doanh nghiệp
Thủ tướng Phạm Minh Chính chỉ đạo xử lý thông tin báo nêu về các vướng mắc của doanh nghiệp do quy định pháp luật trong hoạt động sản xuất, kinh doanh; chế biến sâu cà phê và xuất khẩu cá ngừ sang Đức gặp khó do thiếu nguyên liệu đầu vào.
DNNVV và áp lực 'chơi lớn' giữa thời kỳ cạnh tranh toàn cầu
Trong làn sóng toàn cầu hóa mạnh mẽ hiện nay, các doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) đang phải đối mặt với một thực tế khắc nghiệt: họ không chỉ cạnh tranh với những đối thủ cùng tầm trong nước mà còn phải "đấu" với những gã khổng lồ đa quốc gia có nguồn lực tài chính và công nghệ vượt trội.
Thời điểm vàng cho ngành bảo hiểm nhân thọ Việt Nam
Tăng trưởng kinh tế kéo theo sự bùng nổ của tầng lớp trung lưu, không chỉ thúc đẩy tiêu dùng mà còn tạo ra nhu cầu mạnh mẽ về các sản phẩm tài chính, đầu tư, đặc biệt là bảo hiểm nhân thọ và sức khỏe.

Tin mới

Nghịch lý trong trải nghiệm cà phê chuỗi
Trong những tháng đầu năm 2025, thị trường chuỗi cà phê tại Việt Nam đã diễn ra vô cùng sôi động với hàng loạt các hoạt động truyền thông rầm rộ, đặc biệt là trong các dịp Lễ Tết lớn.
Phúc Long - sức hút từ chất lượng và hành trình bứt phá cùng Masan
Phúc Long, thương hiệu trà và cà phê thuần Việt đã và đang khẳng định vị thế vững chắc trong lòng khách hàng bởi những giá trị cốt lõi và chiến lược phát triển độc đáo. Không chỉ nổi bật với hương vị đặc trưng, Phúc Long còn ghi điểm nhờ không gian trải nghiệm ấn tượng và tầm nhìn chiến lược dài hạn
Giá vàng hôm nay (26/7): Vàng trong nước bất động
Giá vàng hôm nay (26/7): Giá vàng miếng SJC đi ngang ở mức 119,7 triệu đồng/lượng mua vào và 121,7 triệu đồng/lượng bán ra. Trong khi đó, vàng nhẫn giảm nửa triệu đồng mỗi lượng và vàng thế giới giảm về quanh ngưỡng 3.338 USD/ounce.
Hơn 80.000 shop rời sàn thương mại điện tử
Theo thống kê từ các nền tảng thương mại điện tử, lượng nhà bán hàng hoạt động trên sàn trong nửa đầu năm 2025 đã giảm hơn 55.000 shop so với 6 tháng cuối năm 2024, và giảm tổng cộng hơn 80.000 gian hàng so với cùng kỳ năm ngoái.
Các ngân hàng "chạy đua" bán bảo hiểm
Từ khi hoạt động bán bảo hiểm qua kênh ngân hàng bị siết chặt và dần suy giảm, nhiều ngân hàng đã chuyển hướng chiến lược, trực tiếp tham gia thị trường bằng cách thành lập và nắm quyền kiểm soát các công ty bảo hiểm của riêng mình.
Sâm Ngọc Linh: Bí ẩn y học từ ngàn đời của người Xơ Đăng
Từ bao đời nay, trong ký ức và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Xơ Đăng, cây sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, là biểu tượng của sự sống, là báu vật của thần rừng. Đây là loài sâm đặc biệt quý hiếm, được coi là “quốc bảo” của ngành dược liệu Việt Nam.