Vai trò tự chủ, tự chịu trách nhiệm của doanh nghiệp có vốn Nhà nước
Ngày 19/06/2025, Quốc hội thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (“Luật 68/2025”) và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2025.
Ngày 19/06/2025, Quốc hội thông qua Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp (“Luật 68/2025”) và sẽ chính thức có hiệu lực thi hành từ ngày 01/08/2025. Quan điểm xuyên suốt của Luật số 68 là trao quyền tự chủ nhiều hơn cho doanh nghiệp có vốn nhà nước để khuyến việc các hoạt động đầu tư của doanh nghiệp. Những vấn đề đáng chú ý của Luật số 68 so với Luật quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp 2014 (“Luật 69/2014”) như sau:
1. Luật nhấn mạnh nguyên tắc Nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động của doanh nghiệp
Các quy định của Luật 68/2025 thể hiện rõ ràng nguyên tắc: các cơ quan đại diện chủ sở hữu, cơ quan quản lý nhà nước không can thiệp trực tiếp vào hoạt động sản xuất, kinh doanh, đầu tư của doanh nghiệp; và việc quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp phải thông qua người đại diện chủ sở hữu trực tiếp hoặc người đại diện phần vốn nhà nước. Nói cách khác, Nhà nước chỉ quản lý phần vốn đầu tư vào doanh nghiệp, không quản lý doanh nghiệp có vốn nhà nước như quy định trước đây. Điều này tạo ra cơ chế cho phép doanh nghiệp có vốn nhà nước được tự xem xét, tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về các hoạt động kinh doanh của mình.
Ngoài ra, Luật 68/2025 cũng “thu hẹp” phạm vi quản lý phần vốn của Nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp mà Nhà nước không nắm giữ 100% vốn. Theo đó, tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ từ 50% đến dưới 100% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn chỉ cần báo cáo xin ý kiến cơ quan đại diện chủ sở hữu đối với những vấn đề trọng yếu; tại các doanh nghiệp do Nhà nước nắm giữ dưới 50% vốn điều lệ, người đại diện phần vốn chỉ cần tuân thủ quy định của pháp luật về doanh nghiệp, Điều lệ công ty và quy chế hoạt động của người đại diện do đơn vị/doanh nghiệp đầu tư vốn ban hành.
2. Quyền đầu tư và chuyển nhượng vốn đầu tư, dự án đầu tư của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
2.1. Quyền thực hiện hoạt động đầu tư của doanh nghiệp
Luật 69/2014 cho phép doanh nghiệp 100% vốn nhà nước được thực hiện các hoạt động đầu tư nhưng bị giới hạn trong khuôn khổ lĩnh vực và thẩm quyền quyết định đầu tư. Luật 68/2025 quy định theo hướng “cởi mở” và khẳng định hoạt động đầu tư của doanh nghiệp có vốn nhà nước được thực hiện đầu tư, mua chứng khoán theo quy định của pháp luật có liên quan.
2.2. Quyền chuyển nhượng dự án đầu tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp
Luật 68/2015 ghi nhận quyền của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước trong việc chuyển nhượng dự án đầu tư, vốn đầu tư. Về cơ bản, quy định này góp phần đảm bảo nguyên tắc công bằng, thị trường, khuyến khích sự tham gia của các thành phần kinh tế khác.
Theo đó, doanh nghiệp được chuyển nhượng dự án đầu tư, vốn đầu tư cho tổ chức, cá nhân khác theo nguyên tắc sau:
- Tuân thủ quy định của pháp luật;
- Phản ánh đầy đủ giá trị thực tế của dự án đầu tư, vốn đầu tư của doanh nghiệp, bao gồm cả giá trị quyền sử dụng đất theo quy định của pháp luật về đất đai và pháp luật khác có liên quan;
- Bảo đảm nguyên tắc thị trường, công khai, minh bạch;
- Không bị hạn chế bởi điều kiện chào bán chứng khoán ra công chúng theo quy định của pháp luật về chứng khoán.
3. Doanh nghiệp 100% vốn nhà nước có thể huy động vốn khi tổng số nợ phải trả vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu.
3.1. Đối với hoạt động huy động vốn, Luật 68/2025 cho phép doanh nghiệp được quyết định huy động vốn theo nguyên tắc tự vay, tự trả và chỉ cần báo cáo cơ quan đại diện chủ sở hữu sau khi phê duyệt phương án huy động vốn để giám sát theo quy định nếu tổng số nợ phải trả (bao gồm các khoản bảo lãnh) vượt quá 03 lần vốn chủ sở hữu của doanh nghiệp được ghi trên báo cáo tài chính quý hoặc báo cáo tài chính năm của doanh nghiệp. Quy định này là bước tiến lớn so với Luật 69/2014 giúp doanh nghiệp nhà nước chủ động hơn trong hoạt động quản lý và sử dụng vốn của mình.
3.2. Đối với hoạt động cho vay, bảo lãnh, Luật 68/2025 đưa ra nguyên tắc:
- Chỉ cho vay/ bảo lãnh cho công ty do doanh nghiệp nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
- Tổng giá trị các khoản bảo lãnh hoặc tổng giá trị các khoản cho vay đối với từng công ty không vượt quá giá trị vốn góp thực tế của doanh nghiệp tại thời điểm bảo lãnh/cho vay.
4. Điều chỉnh nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp 100% vốn nhà nước
Mặc dù trao quyền tự chủ cho doanh nghiệp, tuy nhiên, để bảo đảm an toàn vốn Nhà nước, Luật 68/2025 xác định nguyên tắc phân phối lợi nhuận sau thuế của doanh nghiệp theo thứ tự thực hiện như sau:
+ chia lãi cho các thành viên góp vốn theo hợp đồng hợp tác kinh doanh;
+ bù đắp lỗ của các năm trước đã hết thời hạn;
+ xử lý các Chi phí được xử lý từ nguồn lợi nhuận sau thuế theo quy định của các luật;
+ xử lý chi phí khảo sát, thăm dò khoáng sản cho mục đích đầu tư nhưng không đủ điều kiện triển khai dự án theo quy định; chi phí đầu tư thất bại tại các dự án đầu tư, khoản đầu tư có tính đặc thù, rủi ro cao theo quy định;
+ chi phí thực hiện nhiệm vụ chính trị do cơ quan có thẩm quyền giao;
+ trích lập các quỹ, trong đó:
- Trích không quá 50% vào Quỹ Đầu tư phát triển để sử dụng vào mục đích đầu tư mở rộng sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp, bổ sung vốn điều lệ.
- Trích không quá 03 tháng lương thực hiện để lập Quỹ khen thưởng, phúc lợi trên cơ sở kết quả đánh giá, xếp loại doanh nghiệp.
- Trích lập các quỹ theo quy định của các luật có liên quan;
+ Nộp phần lợi nhuận còn lại vào ngân sách nhà nước, trừ trường hợp sử dụng để bổ sung vốn điều lệ, đầu tư dự án theo quy định của Chính phủ.
5. Nhà nước chú trọng đầu tư vốn để thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số
Luật số 68/2025 tiếp tục quy định nguyên tắc Nhà nước đầu tư vốn (nắm giữ 100% vốn điều lệ) để thành lập các doanh nghiệp hoạt động trong những lĩnh vực then chốt, thiết yếu của nền kinh tế mà bắt buộc phải có sự tham gia của Nhà nước như: cung ứng sản phẩm, dịch vụ công ích thiết yếu cho xã hội; trực tiếp phục vụ quốc phòng, an ninh; độc quyền tự nhiên;...
Bên cạnh những lĩnh vực truyền thống trên, Luật quy định chú trọng việc đầu tư vốn nhà nước để thành lập hoặc góp vốn thành lập doanh nghiệp trong lĩnh vực phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Quy định này hoàn toàn phù hợp với đường lối, chính sách phát triển của Đảng và Nhà nước ta trong thời kỳ mới.
Luật Quản lý và Đầu tư vốn Nhà nước tại Doanh nghiệp mới sẽ có hiệu lực từ ngày 01/08/2025.
Trước 31/12/2026, doanh nghiệp do Nhà nước nắm trên 50% vốn điều lệ phải rà soát, ban hành điều lệ mới phù hợp quy định của Luật này. Trong thời gian chưa ban hành Điều lệ mới, doanh nghiệp được tiếp tục áp dụng quy định cũ nếu không trái hoặc thuận lợi hơn so với quy định tại Luật này.