Sâm Ngọc Linh: Bí ẩn y học từ ngàn đời của người Xơ Đăng
Từ bao đời nay, trong ký ức và đời sống của đồng bào các dân tộc thiểu số Xơ Đăng, cây sâm Ngọc Linh là dược liệu quý, là biểu tượng của sự sống, là báu vật của thần rừng. Đây là loài sâm đặc biệt quý hiếm, được coi là “quốc bảo” của ngành dược liệu Việt Nam.
Chỉ trên đỉnh núi Ngọc Linh thuộc địa phận 2 tỉnh Quảng Nam (nay là thành phố Đà Nẵng) và Kon Tum (nay là tỉnh Quảng Ngãi) mới đủ điều kiện về thổ nhưỡng, chất đất có nhiều vi khoáng đặc biệt cho sâm phát triển.
Sâm Ngọc Linh là loại nhân sâm thứ 20 được tìm thấy trên thế giới. Theo kết quả nghiên cứu từ năm 1978 của Bộ Y tế Việt Nam, phần thân rễ của cây sâm Ngọc Linh Việt Nam chứa 26 hợp chất saponin có cấu trúc hóa học đã biết và 24 saponin có cấu trúc mới không có trong các loại sâm khác.
Các nghiên cứu đều khẳng định sâm Ngọc Linh là loài thảo dược giá trị cao ở Việt Nam, đã được chứng minh có tác dụng tăng cường hiệu quả hệ miễn dịch, trí nhớ, kháng viêm, chống căng thẳng, chống ung thư và ngăn ngừa lão hóa. Thân rễ và củ sâm được sử dụng làm thuốc chữa bệnh, còn lá và thân thì được dùng làm trà sâm.

Vùng trồng Sâm Ngọc Linh hầu hết nằm trong các đai rừng phòng hộ với mật độ che phủ đạt trên 80%. Sâm tự nhiên và sâm trồng đều chỉ sinh trưởng và phát triển dưới các tán rừng nguyên sinh, nơi có thảm mục dày.
Sâm Ngọc Linh hiện là một trong những sản phẩm quốc gia, được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trong “Chương trình phát triển sâm Việt Nam đến năm 2030, định hướng đến năm 2045”. Giá trị kinh tế của sâm Ngọc Linh ngày càng tăng.
Không chỉ củ sâm Ngọc Linh tươi, hiện có rất nhiều sản phẩm chế biến từ sâm cũng đã đạt chuẩn OCOP ở các cấp độ khác nhau (3 sao, 4 sao và tiềm năng 5 sao). Điều này cho thấy sự đa dạng và nỗ lực trong việc nâng cao giá trị của Sâm Ngọc Linh.
Tại thành phố Đà Nẵng, diện tích quy hoạch vùng bảo tồn và phát triển sâm Ngọc Linh là 15.567 hecta, trong đó tại xã Trà Linh được mệnh danh là thủ phủ sâm Ngọc Linh, nơi đây có những vườn sâm của người Xê Đăng và các vườn sâm gốc của nhà nước. Chính quyền địa phương cũng đặc biệt quan tâm và triển khai nhiều dự án hỗ trợ người dân để phát triển loài sâm quý này và xem đó là “cây xóa đói nghèo” bền vững cho đồng bào dân tộc thiểu số trên địa bàn.

Cùng với chính quyền địa phương, những người dân nơi đây đã thay đổi nhận thức rõ rệt về việc giữ rừng, tận dụng diện tích đất dưới tán rừng để trồng sâm, bảo tồn giống sâm gốc nhằm bảo đảm nguồn cung ứng giống chất lượng cho thị trường.