Bộ Tài chính đề xuất đánh thuế tài sản số: Động thái chấm dứt "vùng xám" pháp lý
Bộ Tài chính đang đề xuất đánh thuế thu nhập cá nhân với tài sản số, bao gồm tài sản ảo và tài sản mã hóa, trong dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân (sửa đổi).
Đây là bước đi tiếp theo sau khi Luật Công nghiệp công nghệ số được Quốc hội thông qua, lần đầu chính thức công nhận tài sản số là một loại tài sản hợp pháp theo quy định pháp luật dân sự.
Tài sản số, đặc biệt là tài sản mã hóa như Bitcoin hay Ethereum từng tồn tại nhiều năm trong “vùng xám” pháp lý. Hoạt động sở hữu, giao dịch tài sản này diễn ra phổ biến nhưng chưa được công nhận đầy đủ, gây khó khăn cho cả nhà đầu tư lẫn cơ quan quản lý.
Bước ngoặt đến từ Luật Công nghiệp công nghệ số, được ban hành vào tháng 6/2025 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2026. Luật này chính thức xác lập tính pháp lý cho tài sản số, coi đây là một loại tài sản được bảo vệ theo pháp luật dân sự hiện hành, tương tự tài sản hữu hình.

Đại diện Bộ Khoa học và Công nghệ cho biết, luật chia tài sản số thành hai nhóm: Tài sản ảo và tài sản mã hóa, trong đó tài sản mã hóa được hiểu là loại tài sản sử dụng công nghệ mã hóa trong phát hành, lưu trữ và giao dịch trên nền tảng blockchain. Như vậy, các đồng tiền mã hóa phổ biến như Bitcoin, Ethereum… đều nằm trong định nghĩa này và sẽ được bảo vệ pháp lý rõ ràng.
Trên cơ sở pháp lý đó, Bộ Tài chính đề xuất áp thuế thu nhập cá nhân với hoạt động chuyển nhượng tài sản số. Mức thuế suất dự kiến là 0,1% tính trên giá trị giao dịch mỗi lần chuyển nhượng, tương tự mức đang áp dụng với giao dịch chứng khoán.
Tuy nhiên, để áp dụng mức thuế này, điều kiện kèm theo là giao dịch phải được thực hiện trên sàn có quản lý minh bạch, công khai về giá và có tần suất giao dịch thường xuyên. Điều này đồng nghĩa với việc những giao dịch không qua sàn được công nhận, hoặc không có khả năng truy xuất thông tin minh bạch, có thể không thuộc diện chịu thuế trước mắt.
Theo báo cáo của Triple-A năm 2024, khoảng 20% dân số Việt Nam, tương đương hơn 17 triệu người đang sở hữu tài sản mã hóa. Việt Nam cũng nằm trong top 3 quốc gia có chỉ số chấp nhận tiền mã hóa cao nhất thế giới, với mức độ phổ cập gấp 3-4 lần trung bình toàn cầu, theo dữ liệu của Chainalysis.
Chỉ tính riêng năm 2022, dòng tiền tài sản mã hóa đổ vào Việt Nam ước đạt 120 tỷ USD, đưa Việt Nam vào nhóm các quốc gia có hoạt động giao dịch tiền số sôi động nhất thế giới. Tuy nhiên, khoảng 80% khối lượng giao dịch vẫn diễn ra trên các sàn quốc tế như Binance, khiến việc kiểm soát, thống kê và đánh thuế gặp khó khăn. Đây cũng là lý do khiến Bộ Tài chính nêu rõ điều kiện “giao dịch phải qua sàn minh bạch” trong đề xuất thuế lần này.
Đại diện Bộ Tài chính cho biết, với sự phát triển của kinh tế số và các hình thức kinh doanh mới, đã xuất hiện những loại thu nhập đặc thù, cần được đưa vào hệ thống thuế. Thu nhập từ chuyển nhượng tài sản số là một ví dụ tiêu biểu, tương tự các loại thu nhập không thường xuyên hiện nay.
Theo tính toán sơ bộ của Hiệp hội Blockchain Việt Nam (VBA), nếu áp dụng thuế 0,1% với mỗi giao dịch tài sản số, ngân sách có thể thu về hơn 800 triệu USD mỗi năm. Tuy nhiên, Chủ tịch VBA cũng lưu ý chính sách thuế cần được nghiên cứu kỹ, đảm bảo công bằng, hợp lý để vừa tăng nguồn thu, vừa tạo môi trường đầu tư minh bạch và thu hút.
Sự công nhận tài sản số và thiết lập khung thuế là bước tiến quan trọng nhằm minh bạch hóa thị trường và bảo vệ người dùng. Song song với đó, việc xây dựng hệ thống sàn giao dịch đạt chuẩn, giám sát dòng tiền xuyên biên giới và chuẩn hóa chính sách thuế là những việc cần thực hiện để thị trường tài sản số Việt Nam phát triển bền vững trong khuôn khổ pháp lý rõ ràng.
Ngoài ra, các cơ quan chức năng cũng cần tăng cường phối hợp trong công tác kiểm tra, giám sát hoạt động giao dịch tài sản số, đồng thời nâng cao nhận thức của người dân và doanh nghiệp về nghĩa vụ thuế, tránh tình trạng trốn thuế, rửa tiền hay lợi dụng tài sản số để thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
P.T