Để hàng giả, hàng “bẩn” không còn đất sống
Hà Nội nói riêng, các đô thị lớn nói chung được mệnh danh là “Thiên đường ẩm thực”; đặc biệt ẩm thực đường phố. Khách du lịch rất mê.
Tuy nhiên, khi các phương tiện thông tin đại chúng liên tục đăng tin các vụ bắt, truy tố các đối tượng sản xuất, kinh doanh thực phẩm bẩn, đã làm dấy lên lo ngại về vấn đề an toàn vệ sinh thực phẩm không chỉ nguy hại đến sức khỏe người dân mà còn ảnh hưởng đến thị trường du lịch và thương hiệu quốc gia. Càng đáng lo bên cạnh thực phẩm, một số mặt hàng giả như sữa, thuốc, thực phẩm chức năng còn được sản xuất ngay trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp.
Báo cáo tổng hợp ý kiến, kiến nghị của cử tri và Nhân dân gửi đến Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV, Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Đỗ Văn Chiến cho biết cử tri và Nhân dân băn khoăn, lo lắng, bức xúc, bất bình và lên án mạnh mẽ đối với một số vấn đề nổi lên trong thời gian gần đây như: Tình trạng sản xuất, buôn bán hàng giả: “sữa giả”, “thuốc giả”, “thực phẩm kém chất lượng”; tình trạng lừa đảo, quảng cáo sai sự thật trên không gian mạng.
![]() |
Công an tỉnh Phú Thọ đột kích bắt quả tang kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam sản xuất hàng tấn mỳ chính, bột canh, dầu ăn giả. (Ảnh TTXVN) |
Nhìn lại chưa đầy 2 tháng qua, trên địa bàn cả nước đã phát hiện hàng loạt vụ làm hàng giả, thực phẩm bẩn làm rúng động dư luận. Đầu tiên, Cơ quan Cảnh sát điều tra Bộ Công an đã tiến hành khởi tố vụ án làm sữa giả của Công ty Hacofood, Công ty Rance Pharma ngay tại Khu công nghiệp Phú Nghĩa. Tiếp đó là Công an tỉnh Thanh Hóa phá đường dây sản xuất thuốc giả; không lâu sau, các lực lượng chức năng của Nghệ An phá đường dây làm giá đỗ ngâm hóa chất lên tới cả trăm ngàn tấn; tiếp đó những ngày cuối tháng 4, Công an tỉnh Phú Thọ bất ngờ đột kích, khám xét khẩn cấp xưởng sản xuất và kho hàng của Công ty TNHH Famimoto Việt Nam, tạm giữ gần trăm tấn dầu ăn, hạt nêm, mì chính giả.
Cũng thời điểm này, các cơ quan chức năng của thành phố Hà Nội tiến hành điều tra, bắt giữ một số vụ thực phẩm không rõ nguồn gốc, thực phẩm bẩn chuẩn bị tung ra thị trường. Đọc, nghe những vụ án như vậy, người dân trong nước cũng cảm thấy quá lo sợ cho sức khỏe bản thân. Huống gì là du khách và người Việt Nam sinh sống, làm việc ở nước ngoài?
Kỷ nguyên công nghệ thông tin, trí tuệ nhân tạo với sự lên ngôi của buôn bán trực tuyến (online), các cửa hàng kinh doanh càng ngày càng thưa dần, thay vào đó là sự lên ngôi của nhà hàng, quán ăn. Chưa khi nào dạo quanh những con phố, ngõ nhỏ, hẻm sâu của Thủ đô lại nhiều hàng, quán ăn uống đến vậy. Bình dân có, cao cấp có. Chính sự phong phú đó mà rất nhiều người dân đặt câu hỏi về độ an toàn.
Hà Nội bắt đầu vào mùa nắng nóng cũng là thời điểm theo thông lệ bắt đầu kỳ họp Quốc hội. Người dân và cử tri mong muốn, tại những kỳ họp Quốc hội trong phần báo cáo ý kiến, kiến nghị của cử tri của Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam không còn nhắc đến những từ “lo lắng”, “quan ngại” về hàng giả, thực phẩm bẩn, thực phẩm thiếu an toàn.
Muốn được như vậy, các lực lượng chức năng như Công an, quản lý thị trường, an toàn vệ sinh thực phẩm phải tạo thành gọng kìm tổng tiến công quét sạch những mầm mống làm hàng giả, kinh doanh thực phẩm bẩn. Đồng thời, luật pháp phải đưa các tội này lên những khung cao hơn mới đủ sức răn đe.