Tiền gửi vào ngân hàng giảm gây áp lực lên mục tiêu tăng trưởng tín dụng
Theo Ngân hàng Nhà nước, huy động vốn toàn hệ thống tháng 1/2025 giảm 0,75%, trong đó tiền gửi tổ chức kinh tế sụt mạnh 233.000 tỷ đồng - mức giảm đầu tiên sau 5 tháng tăng liên tiếp.
Theo báo cáo mới nhất từ Ngân hàng Nhà nước, tổng huy động vốn từ dân cư và tổ chức kinh tế trong hệ thống ngân hàng tháng 1/2025 đạt 14,62 triệu tỷ đồng, giảm 0,75% so với cuối năm 2024. Đáng chú ý, tiền gửi từ các tổ chức kinh tế sụt giảm mạnh 233.000 tỷ đồng (tương đương 3,04%), chấm dứt chuỗi tăng trưởng 5 tháng liên tiếp trước đó.
Cuối năm 2024, chênh lệch giữa huy động và tín dụng đã lên tới gần 1 triệu tỷ đồng (huy động đạt 14,62 triệu tỷ, trong khi dư nợ tín dụng là 15,7 triệu tỷ). Đến ngày 25/3/2025, khoảng cách này tiếp tục nới rộng lên 1,1 triệu tỷ đồng, khi huy động chỉ tăng 1,36% so với tăng trưởng tín dụng 2,49%.

Tình trạng này đặt hệ thống ngân hàng trước áp lực lớn trong việc cân đối nguồn vốn để đáp ứng mục tiêu tăng trưởng tín dụng cao năm 2025.
Sự sụt giảm vốn huy động diễn ra trong bối cảnh lãi suất tiền gửi liên tục được các ngân hàng điều chỉnh giảm. Theo NHNN, từ sau ngày 25/2, 28 ngân hàng đã cắt giảm lãi suất huy động từ 0,1–1,05%/năm. Đến tháng 4, nhiều ngân hàng lớn như VPBank, MB, Eximbank, Nam A Bank, OCB, GPBank tiếp tục giảm, đưa lãi suất kỳ hạn 12 tháng xuống dưới 6%/năm.
Mức lãi suất thấp khiến dòng tiền từ tổ chức kinh tế và dân cư có xu hướng chuyển sang các kênh đầu tư khác như vàng, bất động sản, hoặc trái phiếu doanh nghiệp. Điều này càng làm tăng khó khăn cho ngân hàng trong việc hút vốn.
Phát biểu tại một hội thảo cuối tháng 2, Ông Đào Minh Tú – Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước – thừa nhận thách thức khi ngành ngân hàng phải hỗ trợ mục tiêu tăng trưởng kinh tế 8–10% trong năm 2025. Hiện tại, dư nợ tín dụng đạt gần 16 triệu tỷ đồng, tương đương 135% GDP, trong khi tổng huy động chỉ đáp ứng được khoảng 90% nhu cầu cho vay.
"Hệ thống đang cho vay nhiều hơn số huy động được. Cụ thể, huy động 9 đồng nhưng cho vay 10 đồng, phần thiếu hụt phải bù đắp bằng vốn tự có và vốn tái cấp từ Ngân hàng Nhà nước", lãnh đạo Ngân hàng Nhà nước nêu thực trạng.
Để giải quyết vấn đề này, ông Tú cho biết, Ngân hàng Nhà nước sẽ hỗ trợ thanh khoản cho các ngân hàng thông qua công cụ điều hành, tạo điều kiện cung ứng vốn tín dụng hỗ trợ tăng trưởng.
Ông cũng cho biết năm nay ngành ngân hàng sẽ tập trung vốn vào các lĩnh vực ưu tiên, đặc biệt có các chính sách thúc đẩy mạnh mẽ cho tín dụng tiêu dùng. Ngoài hỗ trợ thanh khoản, Ngân hàng Nhà nước cũng ổn định lãi suất điều hành để tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm thêm lãi suất cho vay, hỗ trợ tăng trưởng.
Tuy vậy, với diễn biến phức tạp của chính sách thuế mà Mỹ đưa ra cùng với đà tăng sốc của giá vàng và sự sốt nóng của thị trường bất động sản trong nước, việc ổn định lãi suất với Ngân hàng Nhà nước là mục tiêu rất thách thức.
Theo giới chuyên gia, để thu hút vốn trở lại, ngân hàng cần đa dạng hóa sản phẩm huy động, kết hợp ưu đãi cho khách hàng gửi tiền dài hạn; tăng cường cấp tín dụng xanh và tài trợ dự án bền vững để thu hút nguồn vốn quốc tế.
Với áp lực huy động vốn giảm trong khi tín dụng tăng nhanh, hệ thống ngân hàng đứng trước bài toán khó về cân đối vốn. Nếu không có giải pháp đồng bộ, tăng trưởng tín dụng năm 2025 có thể gặp rủi ro, ảnh hưởng đến mục tiêu phát triển kinh tế.
H.A