Đà Nẵng: Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn, giảm tiền thuê đất để tạo động lực phát triển.
Mới đây, tại hội nghị gặp gỡ chính quyền TP,Đà Nẵng nhiều doanh nghiệp đã kiến nghị thành phố tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng và chia sẻ thông tin về chính sách để mọi doanh nghiệp được tiếp cận.
Trong 9 tháng đầu năm, chính quyền TP.Đà Nẵng tập trung mọi nguồn lực để khơi thông điểm nghẽn trong phát triển kinh tế, thu hút đầu tư và giữ vững tăng trưởng. Nhờ đó, kinh tế thành phố đã đạt được một số kết quả đáng ghi nhận trong lĩnh vực du lịch, dịch vụ, thương mại. Tuy nhiên, bức tranh kinh tế thành phố nhìn chung còn nhiều khó khăn. Hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp ở hầu hết các ngành, lĩnh vực gặp nhiều rủi ro, số lượng doanh nghiệp quay trở lại hoạt động giảm 24,6% so với cùng kỳ.
Ông Lê Trí Hải - Chủ tịch Hội doanh nhân thành phố Đà Nẵng chia sẻ, nhiều doanh nghiệp trên địa bàn thành phố Đà Nẵng đang đối mặt với muôn vàn khó khăn như; Doanh nghiệp không có đơn hàng, chi phí cố định tăng, nợ khó đòi… dẫn đến thực trạng doanh nghiệp sa thải nhiều nhân sự. Nhiều người lao động mất việc, khả năng duy trì hoạt động sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp đứng trước rủi ro.
Trong bối cảnh hiện tại, nhiều doanh nghiệp kiến nghị, chính quyền thành phố tạo môi trường thuận lợi, bình đẳng và chia sẻ thông tin về chính sách để mọi doanh nghiệp được tiếp cận. Trong đó, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin để tiết kiệm thời gian, chi phí làm thủ tục hành chính. Tháo gỡ vướng mắc trong tiếp cận vốn, giảm tiền thuê đất, đầu tư thêm các khu công nghiệp, tạo quỹ đất thu hút các dự án mới để tạo động lực phát triển.
Ông Nguyễn Trọng Hiếu - Chủ tịch Hội đồng thành viên Công ty TNHH Kiểm toán - thẩm định giá và tư vấn Ecovis AFA Việt Nam phân tích, theo chu kỳ 2020-2024, lấy giá đất năm 2019 làm thước đo, do vậy bảng giá đất mới tăng rất cao (thời điểm sốt đất).
Điều này đúng với các quy định pháp luật đất đai hiện hành, nhưng trong bối cảnh dịch COVID-19 để lại hậu quả nặng nề, giải đáp của bộ ngành Trung ương đối với kiến nghị của Đà Nẵng chưa đáp ứng được mong mỏi của doanh nghiệp. Ông Hiếu đánh giá cao nỗ lực xử lý của chính quyền Đà Nẵng. Bởi cộng đồng doanh nghiệp cần hiểu là bảng giá đất chu kỳ 2015-2019 có tăng so với trước đó nhưng không nhiều. Tuy vậy, điều đáng lo là giá đất các tỉnh lân cận không tăng mạnh như Đà Nẵng, dẫn đến việc các doanh nghiệp có thể đổ về các tỉnh lân cận để đầu tư”, ông Hiếu cảnh báo.
Ông Hồ Kỳ Minh - Phó Chủ tịch UBND TP.Đà Nẵng cho biết, trước tình hình kinh tế toàn cầu vẫn còn diễn biến phức tạp và Việt Nam không nằm ngoài sự ảnh hưởng. Thành phố luôn chia sẻ với các khó khăn, vướng mắc và trân trọng những đóng góp của doanh nghiệp, doanh nhân.
Theo đó, thành phố tiếp tục thực hiện đồng bộ các giải pháp hỗ trợ, đẩy nhanh tiến độ giải ngân kế hoạch vốn đầu tư công, tiếp tục cải cách thủ tục hành chính để thu hút đầu tư, gặp gỡ, làm việc với các doanh nghiệp để nắm bắt và kịp thời tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp nhằm duy trì ổn định sản xuất, kinh doanh, phát triển kinh tế - xã hội.
Bên cạnh đó, lãnh đạo TP.Đà Nẵng đã chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát lại toàn bộ bảng giá đất, các hệ số điều chỉnh giá đất, các tỉ lệ điều tiết. Theo đó, tỉ lệ tiền thuê đất trong khung từ 1-3% thì thành phố đã báo cáo Hội đồng nhân dân giảm từ 3% xuống 1%. Tỉ lệ giữa đất thương mại dịch vụ, sản xuất kinh doanh so với đất ở theo khung tối đa 90% thì Đà Nẵng đã đưa xuống từ 50-70%.
“Thành phố đã chỉ đạo các sở ngành liên quan rà soát lại toàn bộ bảng giá đất, các hệ số điều chỉnh giá đất, các tỉ lệ điều tiết… UBND TP.Đà Nẵng sẽ tập trung báo cáo cơ quan thẩm quyền, dự kiến trình HĐND thành phố thông qua tại kỳ họp cuối năm nay…” ông Minh nói.
Trọng Nghị