Chuẩn bị sẵn sàng nguồn cung hàng hóa dịp cuối năm
Thời điểm này, các địa phương đang lên kế hoạch chuẩn bị cho nguồn cung hàng hoá phục vụ thị trường trong nước dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 1,9-4,4%) và nhóm các ngành dịch vụ (tăng 3,34,5%); các nhóm khác tăng từ 1,2-2,4%, riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,5%.
9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).
Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 11,5-47,7%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi.
Thời điểm này, các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Nhằm bảo đảm đủ nguồn cung hàng hóa thiết yếu phục vụ nhu cầu mua sắm, tiêu dùng của người dân vào dịp cuối năm, Bộ Công Thương có chỉ đạo tới Sở Công Thương các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương về việc thực hiện các giải pháp bảo đảm cân đối cung cầu, bình ổn thị trường cuối năm và dịp Tết Nguyên đán.
Theo đó, Bộ Công Thương sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương, doanh nghiệp và các đơn vị liên quan: Xây dựng kế hoạch phục vụ Tết, chủ động rà soát cung cầu hàng hóa, chuẩn bị tốt nguồn hàng và các phương án cung ứng hàng hóa. Cùng với đó là triển khai chương trình bình ổn thị trường, chú trọng bảo đảm nguồn cung thực phẩm thiết yếu với giá cả ổn định; thực hiện chương trình kết nối cung cầu, đưa hàng Việt về nông thôn, miền núi, hải đảo. Đồng thời, tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại, bảo đảm an toàn thực phẩm...
Ngoài ra, vào dịp cuối năm và Tết Nguyên đán, Bộ Công Thương (Tổng cục Quản lý thị trường và Vụ Khoa học và Công nghệ) cũng thường xuyên tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành kiểm tra công tác bảo đảm an toàn thực phẩm, chất lượng sản phẩm hàng hoá, niêm yết giá bán…
Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ vừa diễn ra vào cuối tháng 9/2023, đại diện Sở Công Thương các địa phương cho biết, nguồn hàng những tháng cuối năm đã được chuẩn bị với nhiều kế hoạch khác nhau, nhằm đảm bảo cung cấp đủ nhu cầu thị trường và bình ổn giá cả cho dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024.
Trong tháng 10, Sở Công thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hoá địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.
Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu. Tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm và kiểm tra việc hướng dẫn phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất và thương mại.
Để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2023, Sở Công Thương TP. Hồ Chí Minh phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu; tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để đảm bảo nguồn cung hàng hóa cho cuối năm và dịp Tết.