0922 281 189 [email protected]
Chủ nhật, 01/10/2023 08:06 (GMT+7)

Lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm

Theo dõi KT&TD trên

Đại diện chính quyền các thành phố lớn như Hà Nội và Tp Hồ Chí Minh đã có kế hoạch cũng như xúc tiến làm việc với các địa phương, đầu mối cung ứng cũng như triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hoá địa phương nhằm chuẩn bị bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm.

Bảo đảm nguồn cung hàng hoá ổn định dịp cuối năm
Các địa phương đang chủ động tích cực làm việc với các đầu mối nhằm bảo đảm nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm

Tại cuộc họp Tổ điều hành thị trường trong nước thường kỳ tháng 9/2023, thường trực Tổ Điều hành thị trường trong nước thông tin: tháng 9, thị trường hàng hóa sôi động trong dịp khai giảng năm học mới, nhu cầu vật phẩm giáo dục tăng.

Thị trường các mặt hàng thiết yếu khác không có biến động lớn, nguồn cung đáp ứng tốt nhu cầu tiêu dùng, giá tương đối ổn định, riêng mặt hàng xăng dầu giá tăng do ảnh hưởng của giá thế giới.

9 tháng 2023, thị trường hàng hóa trong nước về cơ bản tương đối ổn định, nguồn cung các hàng hóa trong nước được bảo đảm. Sức mua trên thị trường đã có sự phục hồi tốt so với năm trước và giai đoạn bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.

Riêng giá thóc gạo tăng mạnh do ảnh hưởng của thị trường xuất khẩu; giá thịt lợn tăng giảm đan xem theo nguồn cung và nhu cầu từng giai đoạn, tuy nhiên vẫn ở mức hợp lý cho cả người chăn nuôi và người tiêu dùng; giá một số mặt hàng nhóm nhiên liệu năng lượng như xăng dầu, khí hóa lỏng có diễn biến tăng, giảm đan xen do tác động của giá thế giới.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ xã hội tháng 9 đạt 524.595 tỷ đồng, tăng 2,4% so với tháng trước, trong đó mức tăng chủ yếu nhờ các mặt hàng lương thực, thực phẩm, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị gia đình (tăng 1,9-4,4%) và nhóm các ngành dịch vụ (tăng 3,34,5%); các nhóm khác tăng từ 1,2-2,4%, riêng nhóm hàng vật phẩm văn hóa, giáo dục giảm 0,5%.

9 tháng năm 2023, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng theo giá hiện hành ước đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2022 tăng 20,9%), nếu loại trừ yếu tố giá tăng 7,3% (cùng kỳ năm 2022 tăng 16,6%).

Ước tổng mức bán lẻ hàng hóa và dịch vụ 9 tháng đầu năm đạt 4.567,8 nghìn tỷ đồng, tăng 9,7% so với cùng kỳ năm 2022, trong đó mức tăng chủ yếu ở nhóm hàng thiết yếu là lương thực, thực phẩm (tăng 11,4%) và nhóm hàng du lịch, dịch vụ (tăng từ 11,5-47,7%) do nhu cầu các dịch vụ này vẫn đang tiếp tục phục hồi.

Thời điểm này, các địa phương đang nỗ lực chuẩn bị nguồn hàng cho dịp cuối năm và Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Ông Nguyễn Thế Hiệp, Phó giám đốc Sở Công thương Hà Nội cho biết: "Để chuẩn bị nguồn hàng cho những tháng cuối năm, thành phố đã tổ chức đưa đoàn doanh nghiệp đến Tây Ninh làm việc để kết nối sản phẩm của Tây Ninh vào thị trường Hà Nội. Đồng thời chuẩn bị nội dung ký kết cho sự kiện Ngày Tây Ninh tại Hà Nội đầu tháng 10/2023".

Bên cạnh việc tiếp tục kết nối cung cầu đưa hàng hoá địa phương vào thành phố, Hà Nội cũng triển khai các điểm giới thiệu và bán sản phẩm của Thủ đô; đồng thời mở thêm 2 điểm bán và giới thiệu sản phẩm OCOP. Song song với đó, sẽ kết nối 52 sản phẩm OCOP của các tỉnh thành phố vào các điểm bán này.

Theo ông Hiệp, trong tháng 10, Sở Công thương Hà Nội sẽ triển khai kế hoạch liên kết các chương trình về khai thác hàng hoá địa phương vào Hà Nội để đảm bảo nguồn cung tiêu dùng cho người dân thủ đô, đồng thời triển khai chương trình bình ổn thị trường phục vụ Tết Nguyên đán Giáp Thìn.

Đồng thời, theo dõi sát diễn biến thị trường các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là xăng dầu. Tăng cường kiểm tra giám sát an toàn thực phẩm và kiểm tra việc hướng dẫn phòng chống dịch tại các cơ sở sản xuất và thương mại.

Sở Công thương TP. HCM cho biết, quý III/2023, Sở đã tham mưu thành phố tổ chức Tháng Khuyến mại tập trung, thu hút 3.000 doanh nghiệp tham gia với 7.000 chương trình giảm giá.

Thời gian tới, Sở Công thương TP.HCM sẽ phối hợp với các doanh nghiệp phân phối xây dựng kế hoạch bình ổn các mặt hàng thiết yếu để chuẩn bị cho dịp Tết Nguyên đán 2024, liên tục tổ chức các sự kiện xúc tiến thương mại, kết nối cung cầu để đảm bảo nguồn cung hàng hoá cho cuối năm và dịp Tết.

Minh Nguyên

Bạn đang đọc bài viết Lên kế hoạch chuẩn bị nguồn cung hàng hoá dịp cuối năm. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thêm cơ hội cho doanh nghiệp kích cầu tiêu dùng
Nhằm góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế 8% trong năm 2025, TP. Hà Nội đang triển khai Chương trình Khuyến mại tập trung. Dự kiến, mức khuyến mại lên tới hơn 50% của khoảng 1.000 - 2.000 đơn vị tham gia sẽ góp phần kích cầu tiêu dùng, đẩy mạnh tiêu thụ hàng hóa, phục hồi và phát triển kinh tế.
An toàn thực phẩm – Lá chắn cho thương hiệu nông sản
Trong bối cảnh toàn cầu hóa và hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng, ngành nông nghiệp Việt Nam đang đứng trước những cơ hội và thách thức lớn. Sản phẩm nông nghiệp không chỉ phải cạnh tranh về chất lượng, giá cả mà còn phải đáp ứng những tiêu chuẩn khắt khe về an toàn thực phẩm.
Thương mại điện tử: Rẻ thật hay chỉ là ảo giác khuyến mãi?
Trong làn sóng số hóa mạnh mẽ của thời đại 4.0, thương mại điện tử đã trở thành một phần không thể thiếu trong đời sống tiêu dùng của người Việt Nam. Từ những chiếc điện thoại thông minh đến nhu yếu phẩm hàng ngày, tất cả đều có thể được mua sắm chỉ với vài cú click chuột.

Tin mới

Méo mặt "ôm" đất chờ lên quận
Trước thông tin 5 huyện ngoại thành Hà Nội sắp lên quận, nhiều nhà ôm đất chờ tăng giá kiềm lời. Nay, sắp xếp địa phương 2 cấp, bỏ cấp trung gian (quận, huyện), nhà đầu tư đứng ngồi không yên.
Khi môi giới bất động sản bị ép “cắt máu”
Khi thị trường bất động sản trầm lắng, ít giao dịch, nghề môi giới cũng gặp nhiều khó khăn. Tình trạng người mua yêu cầu môi giới phải "cắt máu", trích lại một phần hoa hồng mới đồng ý ký hợp đồng mua bán ngày càng nhiều.