Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng 8 tháng tăng 10%
Tháng 8/2023, nguồn cung hàng hóa cơ bản đáp ứng đủ nhu cầu tiêu dùng, giá hàng hóa không có biến động bất thường so với tháng trước.
Nhu cầu du lịch, nghỉ dưỡng trong tháng 8 giảm so với tháng trước khi thời gian nghỉ hè kết thúc, nhu cầu đối với các mặt hàng may mặc, đồ dùng, dụng cụ trang thiết bị, vật phẩm văn hóa, giáo dục tăng do học sinh chuẩn bị bước vào năm học mới.
Cụ thể, tình hình thị trường hàng hóa và dịch vụ tiêu dùng tháng 8/2023 như sau:
- Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 8 ước đạt 515,4 nghìn tỷ đồng, tăng 0,9% so với tháng trước và tăng 7,6% so với cùng kỳ năm trước.
- Nhu cầu tiêu dùng các mặt hàng thiết yếu, đặc biệt là các mặt hàng phục vụ năm học mới tăng cao.
- Thị trường bán lẻ hấp dẫn nhà đầu tư ngoại.
- Giá các mặt hàng thực phẩm tươi sống có xu hướng ổn định, mặc dù nhu cầu tiêu dùng tăng cao vào cuối tháng 7 âm lịch.
- Do ảnh hưởng của giá thế giới nên một số mặt hàng có xu hướng tăng giá như: xăng dầu, LPG, giá bán buôn đường kính trắng trong nước, giá gạo trong nước, một số loại phân bón.
- Một số mặt hàng có xu hướng giảm giá như: thép xây dựng, thức ăn hỗn hợp cho lợn.
Công tác quản lý mặt hàng xăng dầu trong 8 tháng năm 2023
- Bộ Công Thương luôn theo dõi sát diễn biến thị trường xăng dầu trong nước và thế giới để kịp thời chỉ đạo hoặc kiến nghị các cơ quan chức năng những giải pháp nhằm bảo đảm nguồn cung xăng dầu cho thị trường.
- Thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Lãnh đạo Chính phủ, Bộ trưởng nên nguồn cung xăng dầu cho thị trường trong tháng 8 năm 2023 và các tháng tiếp theo năm 2023 về cơ bản được đảm bảo.
- Về công tác điều hành giá xăng dầu, Bộ Công Thương luôn phối hợp chặt chẽ với Bộ Tài chính, thực hiện nhất quán, đúng quy định tại Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và Nghị định 95/2021/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 83/2014/NĐ-CP và chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái để điều hành giá xăng dầu trong nước phù hợp với diễn biến giá xăng dầu thế giới.
Dự báo, chỉ số giá tiêu dùng trong nước vẫn được đánh giá ở mức khá cao so với các năm trước đó, việc tăng lương cơ sở từ 1/7 vừa thúc đẩy cầu trong nền kinh tế nhưng có thể sẽ gây ra những hệ lụy nhất định đối với doanh nghiệp, người lao động, nhất là vấn đề gia tăng mặt bằng giá cả trong nước. Công tác điều hành giá cả dự kiến tiếp tục gặp nhiều khó khăn với áp lực lạm phát gia tăng do giá các mặt hàng nguyên vật liệu, các mặt hàng chiến lược trên thị trường thế giới tiềm ẩn nhiều nguy cơ tăng giá, rủi ro về tỷ giá tạo sức ép lên chi phí nhập khẩu nguyên, nhiên, vật liệu trong nước.
Từ những rủi ro, thách thức nêu trên, đòi hỏi toàn ngành không được lơ là, chủ quan, theo dõi chặt chẽ tình hình biến động cung cầu, giá cả hàng hóa trên thế giới và trong nước để sẵn sàng các phương án giải pháp ứng phó kịp thời nhằm đạt được các mục tiêu đặt ra của ngành.
Bảo An