Bảo đảm quyền lợi của người tiêu dùng khi mua hàng qua các sàn thương mại điện tử
Ngành công nghiệp livestream bán hàng, bán hàng qua các sàn thương mại điện tử tại Việt Nam đang chứng kiến sự bùng nổ mạnh mẽ, tạo nên một cuộc đua gay cấn.
Sự phát triển nhanh chóng này không chỉ thu hút sự chú ý của các nhà bán lẻ và doanh nghiệp mà còn làm dấy lên nhiều câu hỏi về chất lượng hàng hóa và chính sách bảo vệ người tiêu dùng.
Thương mại điện tử “bùng phát” nhanh, tạo ra cơ hội cho người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn, bao gồm cả hàng hoá, sản phẩm tốt hơn, giá cả cạnh tranh hơn, bởi ranh giới của thị trường được mở rộng. Thương mại điện tử mở ra cơ hội cho người tiêu dùng tiếp cận một loạt sản phẩm và dịch vụ từ khắp nơi trên thế giới. Điều này giúp họ dễ dàng tìm kiếm và so sánh các sản phẩm, từ hàng hóa địa phương đến quốc tế, với nhiều lựa chọn phong phú.
Thương mại điện tử đã mang lại một bước đột phá lớn trong cách thức mua sắm và tiêu dùng, với nhiều ưu điểm nổi bật so với phương thức truyền thống: không cần địa điểm, giờ giấc cụ thể, gửi/nhận phản hồi, các câu hỏi cũng như khiếu nại ngay lập tức, trải nghiệm mua sắm, tiêu dùng được cá nhân hóa, với các gợi ý chính xác từ phía người bán... Nguồn thông tin vô tận, cho phép người tiêu dùng có thể so sánh giữa các lựa chọn, nhà cung cấp khác nhau, chi phí giao dịch giảm xuống.
Tuy nhiên, trong bối cảnh chuyển đổi số và thương mại điện tử xuyên biên giới, giao dịch diễn ra qua mạng Internet, trên trang web của người bán hoặc trên nền tảng của bên thứ ba. Người tiêu dùng không được kiểm tra chất lượng hàng hóa, bởi vậy họ phải dựa vào việc thu thập thông tin các nghiên cứu trước đó, hoặc đánh giá của người mua khác.
Thanh toán qua Internet hàng hóa được gửi đến cho người tiêu dùng, thường qua bên thứ ba, hoặc thanh toán khi nhận hàng (COD). Do đó, người tiêu dùng cũng gặp phải nhiều rủi ro khi lựa chọn và thanh toán hàng hoá. Trung tâm Nghiên cứu Chính sách Người tiêu dùng (CPRC) cho biết, có tới 83% người Úc đã từng chịu ảnh hưởng tiêu cực bởi một trang web hay ứng dụng điện thoại lợi dụng thiết kế giao diện gây ảnh hưởng tiêu cực đế quyền lợi người tiêu dùng.
Dù tăng trưởng nhanh chóng và liên tục, bán hàng qua mạng vẫn đối mặt với nhiều thách thức trong việc xây dựng lòng tin của người tiêu dùng. Một trong những vấn đề nan giải là kiểm soát nguồn gốc xuất xứ hàng hóa trên các nền tảng bán hàng trực tuyến. Các cơ quan chức năng gặp khó khăn trong việc đảm bảo tính minh bạch và chất lượng của sản phẩm được giao dịch qua các kênh này. Trong khi đó, mặc dù người bán thường đưa ra những cam kết về an toàn thực phẩm, người tiêu dùng thường phải mua sắm dựa trên "niềm tin" do thiếu thông tin xác thực và kiểm chứng.
Bảo vệ người tiêu dùng là một trong những vấn đề thu hút sự quan tâm của toàn xã hội. Không chỉ tại Việt Nam, hầu hết các nước trên thế giới đều rất coi trọng công tác này, bởi vì bảo vệ người tiêu dùng chính là bảo vệ sự phát triển bền vững của xã hội. Do đó, nhiều quốc gia đã sớm ban hành các đạo luật với mục đích bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng.
Ở Việt Nam, ngày 27/4/1999, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh Bảo vệ NTD. Đây có thể coi là một bước ngoặt quan trọng trong công tác bảo vệ người tiêu dùng ở nước ta, qua đó cho thấy sự quan tâm của Đảng và Nhà nước đối với công tác này.
Ngoài ra, vấn đề bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người tiêu dùng còn được quy định bởi rất nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác như Luật Dân sự, Luật thương mại, Luật Cạnh tranh, Luật Chất lượng sản phẩm, hàng hóa… Đặc biệt, từ năm 2010, chúng ta đã có Luật Bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng.
Tuy nhiên, trong quá trình thực thi cũng nẩy sinh một số vương mắc như: những quy định về quyền hạn cũng như nguồn lực để thực thi chưa được cụ thể, đồng thời các quy định về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng trên không gian mạng chưa có các quy định cụ thể, rõ ràng.
Để kinh doanh online thành công, các doanh nghiệp cần áp dụng những chiến lược dài hơi và chuyên nghiệp, từ việc cung cấp sản phẩm chất lượng đến dịch vụ khách hàng tốt, nhằm tích lũy uy tín và xây dựng lượng khách hàng trung thành. Thông tin minh bạch và việc bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng không chỉ là trách nhiệm mà còn là cách bảo vệ chính doanh nghiệp, tạo cơ sở vững chắc cho sự phát triển bền vững. Việc này không chỉ giúp doanh nghiệp chiếm lĩnh niềm tin và nhu cầu của người tiêu dùng mà còn nâng cao uy tín và thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả.
Các nhà sản xuất, kinh doanh cần nhận thức rõ về vấn đề bảo vệ người tiêu dùng. Bởi nếu không có người tiêu dùng sẽ không có sản xuất kinh doanh. Đây là mối quan hệ tương hỗ lẫn nhau, do vậy DN sản xuất, kinh doanh cần nhận thức rõ về điều đó để đáp ứng tốt hơn quyền lợi người tiêu dùng đặc biệt là thông tin.
Ngành công nghiệp bán hàng online tại Việt Nam đang tạo ra một cuộc đua hấp dẫn trong lĩnh vực thương mại điện tử. Tuy nhiên, để duy trì sự phát triển bền vững và đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng, các doanh nghiệp cần chú trọng vào chất lượng hàng hóa và bảo vệ quyền lợi của khách hàng. Bằng cách thực hiện các chính sách minh bạch và bảo đảm chất lượng, doanh nghiệp có thể xây dựng niềm tin và đạt được thành công lâu dài trong thị trường đầy cạnh tranh này.