Thương mại điện tử xuyên biên giới: Bứt phá tiềm năng xuất khẩu Việt Nam
Chính phủ và doanh nghiệp Việt Nam đang đẩy mạnh khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu bằng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới, đưa thương hiệu Việt ra thế giới.
Thương mại điện tử không chỉ là kênh xuất khẩu mới mà còn là cơ hội để doanh nghiệp Việt nâng cao giá trị sản phẩm, xây dựng thương hiệu quốc gia. Việt Nam từ lâu đã khẳng định vị thế trên thị trường xuất khẩu (XK) với nhiều mặt hàng nông sản, đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ... Tuy nhiên, giá trị gia tăng của sản phẩm còn thấp do phần lớn sản phẩm XK ở dạng thô, chưa qua chế biến sâu và gắn thương hiệu.
Ví dụ điển hình là cà phê Việt Nam - một trong những loại cà phê ngon nhất thế giới. Tuy nhiên, nhiều người tiêu dùng quốc tế lại không biết họ đang thưởng thức cà phê Việt vì phần lớn sản phẩm XK ở dạng hạt cà phê sống, chưa qua rang xay và đóng gói. Thay vào đó, họ quen thuộc với các thương hiệu cà phê lớn như Starbucks (Mỹ) hay Nestlé (Thụy Sĩ) - những "ông lớn" thu mua nguyên liệu từ Việt Nam để chế biến và gắn thương hiệu của họ.
Tuy nhiên, tình hình đang thay đổi tích cực. Các sản phẩm mang thương hiệu Việt ngày càng phổ biến trên các nền tảng thương mại điện tử quốc tế như Amazon, Etsy, Alibaba... Trong năm qua, đối tác bán hàng Việt trên Amazon đã bán 17 triệu sản phẩm mang thương hiệu Việt, số lượng đối tác cũng tăng 40%. Nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ Việt Nam đang xuất khẩu thành công qua Amazon, với doanh thu triệu đô tăng gần 10 lần. Xu hướng này không chỉ giúp doanh nghiệp tiếp cận thị trường rộng lớn hơn mà còn khuyến khích họ đầu tư vào sản phẩm chất lượng cao và xây dựng thương hiệu bài bản, bền vững.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó Chủ tịch Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) nhận định, thương mại điện tử xuyên biên giới giúp doanh nghiệp có định hướng phát triển bài bản, bền vững hơn, từ đó nâng cao giá trị sản phẩm và đưa thương hiệu Việt Nam vươn xa.
Để hỗ trợ doanh nghiệp tận dụng cơ hội này, Bộ Công Thương đã triển khai chương trình Go Export, kết nối doanh nghiệp Việt với các sàn thương mại điện tử lớn trên thế giới, cung cấp kiến thức, kỹ năng và hỗ trợ vận hành cần thiết. Chương trình đã giúp nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa tiếp cận thị trường quốc tế, quảng bá sản phẩm và xây dựng thương hiệu thành công.
Việt Nam hội nhập sâu rộng với kinh tế thế giới, cùng cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do, xu hướng chuyển đổi số giúp doanh nghiệp thâm nhập thị trường xuất khẩu.Việc chuyển đổi từ kinh doanh truyền thống sang các nền tảng số được coi là giải pháp tối ưu để doanh nghiệp Việt Nam tận dụng các hiệp định thương mại tự do thế hệ mới và thâm nhập thị trường xuất khẩu. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số với Amazon Global Selling đã và đang mở ra cơ hội to lớn cho các doanh nghiệp Việt Nam chinh phục thị trường toàn cầu.
Bảo An