Thúc đẩy xuất khẩu thông qua thương mại điện tử xuyên biên giới
Hiệp hội Thương mại điện tử Việt Nam (VECOM) và Amazon Global Selling phối hợp tổ chức “Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024”, diễn ra ngày 27/6/2024, tại Hà Nội.
Sự kiện được bảo trợ bởi Bộ Công Thương và Bộ Thông tin & Truyền thông, với sự tham dự của đại diện đến từ Cục Xuất nhập khẩu, Cục Thương mại điện tử & Kinh tế số - thuộc Bộ Công Thương, Vụ Kinh tế số và Xã hội số - thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông, các hiệp hội, tổ chức, doanh nghiệp trong nước và quốc tế hoạt động trong lĩnh vực xuất khẩu và TMĐT.
Diễn đàn tập trung vào việc cập nhật định hướng chính sách, phác thảo các đề xuất và giải pháp để mở rộng lộ trình xuất khẩu trực tuyến, thúc đẩy kinh doanh toàn cầu cho doanh nghiệp Việt trong giai đoạn tới.
Thông qua các phiên thảo luận, Diễn đàn đã vạch ra những định hướng chính sách hỗ trợ từ phía cơ quan nhà nước, hình thành lộ trình xây dựng một hệ thống hỗ trợ mạnh mẽ, các công cụ, giải pháp và sáng kiến hỗ trợ doanh nghiệp Việt Nam bắt nhịp chuyển đổi số, tham gia xuất khẩu qua thương mại điện tử, từ đó, mở ra con đường mới để các doanh nghiệp phát triển bền vững trên thị trường toàn cầu.
Trong bối cảnh xuất khẩu là động lực tăng trưởng quan trọng của nền kinh tế Việt Nam, việc tận dụng công nghệ số và thương mại điện tử xuyên biên giới để khai thác tiềm năng xuất khẩu toàn cầu đang được Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp ngày một đánh giá cao và điều hướng tập trung. Một trong những trọng tâm của Diễn đàn là yêu cầu thúc đẩy môi trường chính sách với nhiều hỗ trợ cho sự phát triển của thương mại điện tử xuyên biên giới tại Việt Nam.
Ông Gijae Seong- Giám đốc điều hành Amazon Global Selling Việt Nam cho biết: “TMĐT xuyên biên giới của Việt Nam đang cho thấy tiềm năng to lớn, chúng tôi rất vinh dự được là một phần trong hành trình chuyển đổi của nền kinh tế xuất khẩu và các doanh nghiệp Việt Nam. Thông qua các sự kiện như Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024 này, chúng tôi muốn nỗ lực thúc đẩy một môi trường nuôi dưỡng sự đổi mới, trao quyền cho các doanh nghiệp, từ đó góp phần nâng cao vị thế toàn cầu cho hàng hóa, thương hiệu và ngoại thương Việt Nam trên trường quốc tế”.
Bên cạnh các chính sách hỗ trợ, Diễn đàn cũng tập hợp và cập nhật một loạt giải pháp, chương trình và sáng kiến chung tay do các đơn vị tiên phong trong ngành khởi xướng, nhằm thúc đẩy thành công xuất khẩu TMĐT Việt Nam.
Ông Hoàng Ninh, Trưởng phòng Chính phủ Số (Cục Thương mại Điện tử và Kinh tế số, Bộ Công Thương) cho biết: mục tiêu của Kế hoạch phát triển thương mại điện tử Quốc gia giai đoạn 2026-2030 nhấn mạnh đến việc đẩy mạnh liên kết vùng, đa dạng hóa chuỗi cung ứng, nhằm tối đa hóa thế mạnh của từng vùng.
“Bộ Công Thương đã tiến hành nhiều giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa thông qua các khóa đào tạo cả trực tiếp và trực tuyến hoàn toàn miễn phí, do vậy các doanh nghiệp có nhu cầu có thể đăng ký với Cục để tham gia các chương trình đào tạo về thương mại điện tử xuyên biên giới, qua đó giúp doanh nghiệp có cơ hội đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm của mình tại thị trường trong nước và quốc tế thông qua các sàn thương mại điện tử”- ông Ninh nhấn mạnh.
Theo báo cáo “Người bán hàng địa phương, Khách tiêu dùng toàn cầu: Xu hướng xuất khẩu thương mại điện tử tại Việt Nam 2022” của AccessPartnership, giá trị xuất khẩu thương mại điện tử B2C của Việt Nam dự kiến đạt 296,3 nghìn tỷ đồng vào năm 2027. Ngoài ra, dữ liệu của Amazon cho thấy các doanh nghiệp Việt Nam đã mở rộng phạm vi kinh doanh quốc tế với số lượng sản phẩm xuất khẩu và bán ra trên Amazon tăng đáng kinh ngạc 300% trong 5 năm qua.
"Diễn đàn Thương mại điện tử xuyên biên giới 2024” được giới doanh nghiệp và chuyên gia đánh giá là một sự kiện quan trọng nhằm thúc đẩy nỗ lực chung của các nhà hoạch định chính sách, các chuyên gia đầu ngành và các bên liên quan để thống nhất tầm nhìn chung, huy động nguồn lực và thúc đẩy hợp tác, mở đường cho các doanh nghiệp Việt Nam tự tin đón nhận những cơ hội của kỷ nguyên thương mại điện tử toàn cầu, sẵn sàng vươn lên tầm cao mới.
PV