Xuất khẩu vải thiều Việt Nam: Mức giá cao và thị trường mở rộng
Tín hiệu vui của trái vải đã mở đầu cho mùa vải thiều năm 2024 dự báo sẽ hanh thông, thuận lợi, kéo dài thành tích của xuất khẩu trái cây nói chung.
Năm 2023, vải thiều Việt Nam nhập khẩu vào Australia bằng đường hàng không được bán với giá khoảng 400.000 - 500.000 đồng/kg. Trong khi đó, hàng chục tấn vải đi bằng đường biển khi tới thị trường tại nhiều bang của Australia có giá bán khoảng 260.000 đồng/kg. Đây là mức giá rất cao so với giá vải thiều trung bình từ 70.000 - 100.000 đồng/kg tại thị trường Việt Nam.
Năm 2024, vải thiều Thanh Hà không chỉ được tiêu thụ mạnh trong nước mà còn xuất khẩu sang các thị trường lớn và cao cấp như Trung Quốc, Nhật Bản, Pháp, Mỹ, Hàn Quốc, Malaysia,... nhờ đảm bảo chất lượng an toàn. Trong mùa vải 2024, lô vải u trứng trắng đầu tiên từ huyện Thanh Hà đã được Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng Đỏ thu mua và bán tại hệ thống Market Place (Australia) với giá niêm yết 34,99 AUD/kg (tương đương 594.000 đồng). Mức giá này cao gấp 4 lần so với vải u trứng trắng bán tại Việt Nam và tăng khoảng 15-20% so với cùng kỳ năm ngoái.
Lô vải thiều chín sớm lần này được Công ty TNHH Sản xuất, Thương mại, Dịch vụ Rồng đỏ xuất khẩu tới thị trường Australia đều được trồng tại những vườn vải đạt tiêu chuẩn VietGAP, GlobalGAP và được kiểm định chất lượng nghiêm ngặt vào trung tuần tháng 5. Những trái vải trên được xuất khẩu bằng đường hàng không và bảo quản với công nghệ hiện đại nên dù chờ nhiều thời gian thông quan, vải vẫn tươi, ngon khi bán tại các siêu thị ở Australia.
Cuối tháng 5, hai tấn vải thiều tươi đầu tiên của Việt Nam đã cập cảng hàng không sân bay Charles de Gaule ở thủ đô Paris (Pháp). Đây là những lô vải đầu tiên của vụ mùa 2024 đạt tiêu chuẩn GlobalGap được xuất từ Thanh Hà (Hải Dương) đi châu Âu bằng đường hàng không.
Chị Đỗ Thị Quỳnh Phương, đại diện Công ty ACEM, chủ chuỗi siêu thị Chợ Việt Pháp, cho biết đây là những lô hàng đầu tiên trong năm 2024 mà công ty nhập về. Lô vải đợt này có chất lượng tốt, quả đồng đều, tươi, ngọt và mọng nước. Ngay khi vải được đưa lên kệ siêu thị, đông đảo khách hàng đã tới nếm thử và mua về. Năm nay công ty ACEM dự kiến nhập khoảng 10 tấn vải tươi để đáp ứng nhu cầu cao của khách hàng Pháp.
Sáng ngày 6/6, giá vải thiều Thanh Hà chính vụ loại ngon bán tại vườn đã đạt 85.000 đồng/kg, tăng khoảng 60.000 đồng/kg so với cùng kỳ năm trước. Đây là mức giá chưa từng được ghi nhận trước đây đối với loại vải này. Tín hiệu tích cực từ mùa vải thiều năm nay dự báo cho một mùa màng thuận lợi, có thể đẩy mạnh xuất khẩu trái cây nói chung. Theo số liệu mới nhất của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, 5 tháng đầu năm 2024, tổng kim ngạch xuất khẩu nông lâm thủy sản đạt 24,14 tỷ USD, tăng 21% so cùng kỳ năm 2023. Riêng xuất khẩu rau quả đạt 2,59 tỷ USD, tăng đến 28,1% so cùng kỳ.
Tiếp đà tăng của xuất khẩu rau quả năm trước, 5 tháng đầu năm nay, các thị trường chủ lực của rau quả Việt tiếp tục tăng tốc độ cao. Trong đó đứng đầu là Trung Quốc với hơn 1 tỷ USD, sau đó là Hàn Quốc, Nhật Bản...
Đóng góp lớn vào kim ngạch rau quả vẫn là mặt hàng sầu riêng. Riêng trong năm ngoái, loại quả này đóng góp hơn 2,2 tỷ USD vào doanh thu xuất khẩu toàn ngành hơn 5,6 tỷ USD.
Việt Nam là nguồn cung sầu riêng lớn thứ 2 vào Trung Quốc nhưng đứng thứ nhất về tốc độ tăng trưởng. Xuất khẩu sầu riêng Việt Nam bắt đầu tăng mạnh khi hai nước ký nghị định thư vào tháng 7/2022. Sau đó liên tục duy trì tốc độ tăng trưởng trong những tháng vừa qua. Cùng với sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh cũng được thị trường này cho phép nhập khẩu chính ngạch.
Bên cạnh sầu riêng tươi, sầu riêng đông lạnh, các sản phẩm từ sầu riêng cũng được nhiều thị trường nhập khẩu ưa chuộng. Ông Nguyễn Khắc Tiến, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ameii Việt Nam chia sẻ, qua khảo sát thị trường Trung Quốc, người tiêu dùng đang rất ưa chuộng các dòng sản phẩm sầu riêng chế biến. Đây là lợi thế cho rau quả Việt Nam sản xuất thêm dòng sản phẩm giá trị gia tăng từ sầu riêng, cũng là hướng đi Công ty Ameii định hình để phát triển trong năm nay về ngành rau quả.
Bên cạnh đó, trái dưa hấu Việt Nam có thêm tin vui từ Nghị định thư chấp nhận nhập khẩu của thị trường Trung Quốc. Khi Nghị định thư mở ra, xuất khẩu dưa hấu có thể tăng gấp đôi, đạt 100 triệu USD vào năm 2024. Tuy nhiên, điều quan trọng nhất là việc kiểm tra hàng hóa tại cửa khẩu sẽ nhanh chóng hơn nhiều, giúp doanh nghiệp xuất khẩu thuận lợi hơn.
Ngoài ra, trái dừa cũng đã được phép xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, sẽ góp phần thúc đẩy kim ngạch xuất khẩu hàng rau quả khả quan hơn trong thời gian tới.
Nhu cầu tại thị trường xuất khẩu hàng rau quả lớn nhất là Trung Quốc vẫn đang gia tăng. Do đó, Việt Nam vẫn đang đàm phán với phía Trung Quốc để có thêm mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch sang thị trường này. Đồng thời, các doanh nghiệp vẫn tiếp tục đẩy mạnh xuất khẩu sang các thị trường lớn như: Mỹ, EU, Australia, Hàn Quốc… để đa dạng thị trường cho trái cây Việt Nam.