Thị trường bất động sản đang dần hồi nhờ tác động của việc giảm lãi suất cho vay
Tính từ đầu năm 2023 đến nay, Ngân hàng Nhà nước liên tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành với tổng mức giảm 0,5-2%/năm. Cùng đó, hàng loạt “trợ lực” chính sách từ Chính phủ, các bộ, ngành đang dần “thẩm thấu”, giúp thị trường bất động sản giảm bớt khó khăn.
Mới đây, Thủ tướng đã chủ trì hội nghị đánh giá kết quả thực hiện Nghị quyết 33/NQ-CP về một số giải pháp tháo gỡ và thúc đẩy thị trường bất động sản phát triển an toàn, lành mạnh, bền vững; trong đó, đánh giá tổng thể thị trường, việc triển khai thực hiện những cơ chế, chính sách có liên quan đến thị trường bất động sản, đất đai, xây dựng, vốn…Đồng thời, yêu cầu đề xuất các giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc.
Theo bà Đỗ Thu Hằng, Giám đốc cấp cao, Bộ phận nghiên cứu và tư vấn, Savills Hà Nội, khả năng hồi phục và thời điểm khởi sắc của thị trường bất động sản 2023 phụ thuộc bởi nhiều yếu tố như: tháo gỡ điểm nghẽn pháp lý, nguồn vốn, luật liên quan và cả việc sản phẩm được tung ra có phù hợp thị trường.
Cuối năm 2023, các Luật Đất đai, Luật Nhà ở, Luật Kinh doanh bất động sản sửa đổi dự kiến thông qua, cùng với nỗ lực của Nhà nước, Chính phủ trong tháo gỡ vướng mắc, khó khăn của thị trường bất động sản 2023, thì cuối năm nay có thể sẽ chuyển biến tích cực. Đặc biệt, thời điểm cuối năm, rất có thể lãi suất ngân hàng tiếp tục giảm, người dân tiếp cận được vốn vay ở mức lãi suất tốt hơn, hợp lý hơn thời điểm nửa đầu năm 2023. Còn về nguồn cung căn hộ mới dự báo khan hiếm ở dòng sản phẩm tầm giá trung bình, phù hợp túi tiền của đại đa số người dân.
Tiến sỹ Cấn Văn Lực - Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV và Thành viên Hội đồng Tư vấn Chính sách Tài chính - tiền tệ Quốc gia nhận định: thị trường bất động sản đã trải qua giai đoạn khó khăn nhất, trong đó có cả tài chính; đặc biệt là trái phiếu doanh nghiệp đáo hạn, giao dịch và tháo gỡ những vướng mắc chính cho các dự án.
Theo ông Lực, thị trường đang dần hồi phục kể từ tháng 5/2023 cho đến nay, quý II tốt hơn quý I. Các khu công nghiệp có tỷ lệ lấp đầy khoảng 76% vào thời điểm hiện tại. Nhà đầu tư cũng đánh giá, giá cổ phiếu bất động sản tăng 18% còn giá cổ phiếu doanh nghiệp xây dựng tăng 39%. Nhiều dự án bất động sản vướng mắc về pháp lý, thủ tục đã được tháo gỡ ở các địa phương.
Riêng với việc Ngân hàng Nhà nước tiếp tục điều chỉnh giảm các mức lãi suất điều hành được nhiều chuyên gia đánh giá là giải pháp linh hoạt, phù hợp với điều kiện thị trường hiện nay để thực hiện mục tiêu giảm lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ quá trình phục hồi tăng trưởng kinh tế. So với giai đoạn cao điểm vào cuối năm ngoái, lãi suất tiết kiệm hiện đã giảm tới 3-4%, đặc biệt với kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Lãi suất huy động giảm mạnh sau 4 lần.
Chuyên gia kinh tế - TS. Đinh Thế Hiển nhận định, việc giảm lãi suất cho vay có tác động tích cực đến thị trường BĐS nhưng không quá mạnh mẽ. Dòng tiền sẽ đổ vào lĩnh vực địa ốc nhưng khó nhiều như kỳ vọng.
Ông Hiển cho rằng, một số điều kiện để thị trường hồi phục đó là cần dòng tiền lớn đổ vào lĩnh vực địa ốc, tạo ra thanh khoản và động lực cho việc mua bán. Ngoài ra, giá BĐS phải hạ. Nhưng trong triển vọng năm 2024 không có khả năng xuất hiện một làn sóng mới của dòng tiền đầu tư vào thị trường BĐS. Giảm lãi suất cho vay có thể giúp người mua đang vay mua nhà hiện nay dễ thở hơn, nhưng để thị trường BĐS bức tốc, cần nhiều hơn nữa lực đẩy từ phục hồi kinh tế chung và các chính sách điều hành cũng như hạ tầng cơ sở.
Theo dự báo của các chuyên gia Công ty CP WiGroup – một đơn vị hoạt động trong lĩnh vực cung cấp dữ liệu kinh tế tài chính, tin tức, báo cáo và giải pháp công nghệ tài chính tại Việt Nam thì thị trường bất động sản sẽ có chuyển biến rõ nét kể từ cuối quý IV/2023 hoặc đầu năm 2024. Nếu so với giai đoạn trước đó thì diễn biến thị trường ở thời điểm này tương tự như năm 2014 - 2015.
Hiện tâm lý của nhà đầu tư đã tốt hơn, thủ tục đầu tư dự án được quan tâm tháo gỡ, các ngân hàng giảm lãi suất, nguồn tiền đổ vào đầu tư bất động sản không bị hạn chế, ngân hàng nâng hạn mức cho vay, giải ngân đầu tư công tăng tốc, kích thích tiêu dùng, du lịch... Hàng loạt yếu tố này đang giúp giao dịch bất động sản tăng lên.
Đáng chú ý là một số trường hợp khó khăn điển hình như của Novaland cũng được tháo gỡ với sự nhập cuộc liên thông từ các bộ ngành tới địa phương. Do đó, các dự án dở dang được khởi động trở lại kể từ tháng 4 và 5 như The Grand Manhattan, NovaWorld Phan Thiết và Hồ Tràm; gần đây là Aqua City... Điều này giúp doanh nghiệp tháo được ách tắc về tài sản bị "buộc" thế chấp, bổ sung bảo đảm thêm cho các khoản vay trên thị trường nợ.
Tiến Hoàng