0922 281 189 [email protected]
Thứ năm, 27/03/2025 20:50 (GMT+7)

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình điều chỉnh hợp lý

Theo dõi KT&TD trên

Tại hội nghị đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách lần thứ 7 thảo luận một số nội dung trình Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, các đại biểu đã thảo luận về dự án Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) - dự án Luật đang được các doanh nghiệp chịu tác động rất quan tâm.

Tăng cường tuyên truyền, vận động

Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội) cho rằng, thuốc lá, rượu, bia là sản phẩm tiêu dùng có hại sức khỏe nên phải đánh thuế tiêu thụ đặc biệt để làm sao giảm việc tiêu dùng những sản phẩm này.

Về cách tính thuế, đại biểu đề nghị nên bỏ phần tăng đều hàng năm mà tăng từng lần một, mỗi một lần có thể tăng nhiều. Chẳng hạn như lần đầu tiên tăng rất cao, sau đó cách khoảng 5 năm lại tăng lần nữa và tăng cao.

Theo đại biểu, thay đổi hành vi tiêu dùng như các sản phẩm thuốc lá, rượu, bia đối với người Việt Nam hầu như không bị tác động nhiều lắm bởi việc tăng giá đơn thuần, điển hình như rượu bia trước đây cũng tăng thuế rất nhiều lần nhưng mức độ giảm không đáng kể, nhưng khi có Nghị định 110 thì thay đổi ngay, tức là phải bằng các biện pháp mang tính chất giáo dục, cưỡng bức, hành chính.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình điều chỉnh hợp lý
Đại biểu Hoàng Văn Cường (Đoàn thành phố Hà Nội). Ảnh: Quốc hội

“Đi kèm theo với việc tăng thuế thì phải tăng tuyên truyền, vận động để cho người dân nhận thức được các hành vi này và muốn tuyên truyền, vận động được thì phải có thời gian”, ông Cường nói. Chính vì vậy, đại biểu đề nghị tăng thuế với mặt hàng bia nhưng thời gian áp dụng bắt đầu từ năm 2027 và như vậy sẽ có 1 năm, từ năm nay ban hành và năm 2026 để tuyên truyền, vận động cho việc thay đổi hành vi này.

Về thuế đối với thuốc lá, đại biểu cho biết hiện người tiêu dùng thuốc lá ngoại thì mức chịu thuế rất thấp, còn người tiêu dùng thuốc lá sản xuất trong nước thì mức chịu thuế rất cao và như vậy thì vô hình chung không khuyến khích sản xuất trong nước mà lại khuyến khích tiêu dùng nhập ngoại, sẽ kéo theo là nhập lậu.

“Tôi đồng ý là thu thuế cả tương đối và tuyệt đối nhưng chúng ta phải có một mức cân đối giữa hai thuế suất này để tránh tình trạng chỉ khuyến khích tiêu dùng hàng ngoại mà không tiêu dùng hàng trong nước”, đại biểu Hoàng Văn Cường phân tích.

Với nước giải khát có đường, đại biểu đồng tình cần sớm nghiên cứu đưa vào trong thuế tiêu thụ đặc biệt. Tuy nhiên, cần phải nghiên cứu xem loại nào có tác dụng gây nghiện thì những loại đấy sẽ trở thành thói quen và sẽ gây hại sức khỏe, cần phải đánh thuế cao để sớm ngăn chặn, còn những loại có đường nhưng không gây hại thì nên cân nhắc, không nên đưa vào đối tượng đánh thuế.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình điều chỉnh hợp lý
Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh). Ảnh: Quốc hội

Đại biểu Đỗ Thị Lan (Đoàn tỉnh Quảng Ninh) đề nghị không quy định các loại thuốc lá khác, thuốc lá mới, nhất là thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng là đối tượng điều chỉnh của thuế tiêu thụ đặc biệt.

Đồng thời, đại biểu thống nhất tiếp thu, chỉnh lý dự thảo Luật theo hướng bổ sung quy định mức thuế tuyệt đối áp dụng đối với bao thuốc lá 20 điếu và xì gà có trọng lượng 20 gam/điếu; thống nhất phương pháp tính thuế tuyệt đối đối với thuốc lá và lộ trình tăng thuế theo phương án 2 của dự thảo Luật.

Nhấn mạnh thuốc lá mới bao gồm thuốc lá điện tử có tác hại nghiêm trọng đối với sức khỏe của người sử dụng, nữ đại biểu đề nghị sớm sửa đổi Luật Phòng, chống tác hại thuốc lá, tạo cơ sở pháp lý về phòng, chống tác hại thuốc lá, về đầu tư kinh doanh đối với thuốc lá cũng như các quy định về thuế đối với thuốc lá...

Việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể gây tác động ngược

Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn thành phố Đà Nẵng) đề xuất việc điều chỉnh thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ngành bia cần được xem xét một cách thận trọng, toàn diện.

Theo đại biểu, ngành bia hiện nay đang tạo ra hàng triệu việc làm trực tiếp và gián tiếp trên cả nước, từ người nông dân trồng nguyên liệu, nhà máy sản xuất đến hệ thống vận chuyển, phân phối và bán lẻ. Việc tăng thuế đột ngột, mạnh tay như đề xuất hiện nay sẽ khiến giá bia hợp pháp tăng cao, kéo theo sự sụt giảm tiêu thụ và doanh thu buộc doanh nghiệp phải cắt giảm nhân sự.

Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình điều chỉnh hợp lý
Đại biểu Nguyễn Duy Minh (Đoàn thành phố Đà Nẵng). Ảnh: Quốc hội

Theo một nghiên cứu độc lập thu nhập của người lao động có thể giảm đến gần 4.600 tỷ đồng mỗi năm nếu thuế tăng như đề xuất. Điều này đe dọa đến sinh kế của hàng trăm nghìn lao động, đặc biệt tại các tỉnh, thành phố phụ thuộc rất nhiều vào ngành đồ uống.

Về thu ngân sách địa phương, ngành bia hiện nay đóng góp hàng chục nghìn tỷ đồng mỗi năm cho ngân sách nhà nước, bao gồm thuế tiêu thụ đặc biệt, thuế VAT và thuế thu nhập doanh nghiệp. Tuy nhiên, khi sản lượng tiêu thụ hợp pháp giảm mạnh thì các nguồn thu này sẽ bị suy giảm đáng kể. “Trong bối cảnh đặt ra mục tiêu tăng trưởng GDP tối thiểu là 8% trong năm 2025, việc điều chỉnh thuế cần phải được tính toán kỹ lưỡng để không tạo áp lực cho nguồn thu”, ông Minh nói.

Bên cạnh đó, đại biểu Nguyễn Duy Minh cho rằng, việc tăng thuế quá nhanh, quá cao có thể gây tác động ngược; giá bia hợp pháp tăng đột biến sẽ đẩy người tiêu dùng, nhất là nhóm thu nhập thấp chuyển sang các sản phẩm không chính thức, không kiểm soát được chất lượng như bia cỏ hoặc là bia nhập lậu. Việc này không những phá vỡ những mục tiêu ban đầu là bảo vệ sức khỏe mà còn làm gia tăng thị phần bia bất hợp pháp, gây thất thu ngân sách, làm méo mó thị trường.

Vì vậy, đại biểu đề nghị Ban soạn thảo tiến hành đánh giá tác động toàn diện, minh bạch, có sự tham gia của các tổ chức nghiên cứu độc lập, đặc biệt là xem xét tác động đến việc làm và ngân sách địa phương. Đồng thời, xem xét lộ trình điều chỉnh thuế hợp lý, có độ trễ tối thiểu 1 năm để doanh nghiệp có thời gian chuẩn bị và người tiêu dùng có thời gian thích nghi.

Bên cạnh đó, nghiên cứu áp dụng phương pháp đánh thuế dựa trên hàm lượng cồn, thay vì đánh đồng theo giá trị sản phẩm. Điều này phù hợp với xu hướng quốc tế, vừa công bằng, vừa góp phần định hướng tiêu dùng có trách nhiệm...

Bạn đang đọc bài viết Tăng thuế tiêu thụ đặc biệt: Cần lộ trình điều chỉnh hợp lý. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Điểm lại “biến động” lãi suất cho vay mua nhà của các ngân hàng
Lãi suất cho vay mua nhà thuộc nhóm NHNN và ngân hàng thương mại trong quý I đã có sự thay đổi sau chỉ đạo của Thủ tướng Phạm Minh Chính, đối với gói hỗ trợ vay bất động sản hầu hết các ngân hàng nhập cuộc với chương trình cho vay mua nhà với lãi suất thấp, đặc biệt hướng đến nhóm khách hàng trẻ.
KienlongBank tiếp tục giảm sâu lãi suất cho vay
Hưởng ứng chủ trương của Chính phủ về giảm tiếp lãi suất cho vay, hỗ trợ người dân phát triển đời sống, KienlongBank cho ra mắt gói vay ưu đãi phục vụ đời sống với mức lãi suất giảm sâu để khách hàng, đặc biệt là khách hàng trẻ dễ dàng tiếp cận nguồn vốn.

Tin mới

Giấc mơ an cư: Vì sao giới trẻ ngày càng khó mua nhà?
Giấc mơ sở hữu một căn nhà từ lâu đã trở thành biểu tượng của sự thành công và ổn định trong cuộc sống. Tuy nhiên, với thế hệ trẻ hiện nay, giấc mơ này dường như ngày càng xa vời. Vậy đâu là những lý do khiến việc mua nhà trở nên khó khăn đến vậy đối với giới trẻ hiện nay?
Ngành hàng tiêu dùng đóng gói 2025: Đổi mới, bền vững và cạnh tranh toàn cầu
Ngành hàng tiêu dùng đóng gói (CPG) năm 2025 đang chứng kiến sự đổi mới mạnh mẽ với xu hướng bền vững, cá nhân hóa và ứng dụng AI. Khi thị trường toàn cầu mở rộng, các doanh nghiệp phải nhanh chóng thích ứng với nhu cầu tiêu dùng xanh, thương mại điện tử phát triển và cạnh tranh ngày càng khốc liệt.
Tập trung giải quyết 1533 dự án tồn đọng; trách nhiệm tới đâu, xử lý tới đó, không để sai chồng sai
Thủ tướng yêu cầu tập trung giải quyết dứt điểm với 1533 dự án đang gặp khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình giải quyết, trách nhiệm của các cá nhân, tập thể được làm rõ tới đâu thì xử lý tới đó; "đánh chuột nhưng không vỡ bình", không để sai chồng sai, không tạo tiền lệ cho các sai phạm tiếp theo.
Cảnh báo “sốt đất ảo” theo thông tin sáp nhập tỉnh, thành
Thời gian qua, các địa phương đồng loạt cảnh báo người dân cẩn trọng trước những thông tin không chính thống về sáp nhập tỉnh thành, đồng thời phải phản ánh những tin đồn sai sự thật, đầu cơ thổi giá, lũng đoạn thị trường đến các cơ quan chức năng trên địa bàn.