Tận dụng cơ hội cho doanh nghiệp xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc
Bộ Công Thương đang khuyến khích và hỗ trợ các doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi sản xuất để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, vì đây là xu thế quan trọng và mang lại lợi ích lớn cho dài hạn.
Trung Quốc là một trong những thị trường xuất khẩu nông sản lớn của Việt Nam với những mặt hàng có tiềm năng về xuất khẩu như: rau quả, thủy sản, hạt điều, gạo, chè, cà phê... Đây là thị trường với 1,4 tỉ dân, chiếm phần trăm lớn trong cơ cấu thị trường xuất khẩu hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam nên còn nhiều tiềm năng, dư địa.
Tuy nhiên, gần đây Trung Quốc đa dựng lên những rào cản mới cho nhập khẩu tiểu ngạch ngang bằng với chính ngạch đã cho thấy hàng nông sản Việt Nam không còn nhiều cơ hội đi tiểu ngạch như trước đây.
Nhiều chuyên gia đánh giá, việc Trung Quốc xây dựng lộ trình đóng biên, loại bỏ hoàn toàn xuất khẩu tiểu ngạch vào nước này sẽ là trở ngại lớn với cả thương nhân Việt Nam và Trung Quốc. Xuất khẩu nông sản Việt Nam đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, bởi hiện chỉ có một số lượng nhỏ các mặt hàng được xuất khẩu chính ngạch. Thêm vào đó, khoảng 70% sản lượng nông sản xuất khẩu sang các quốc gia khác được thực hiện thông qua kênh xuất khẩu không chính thức, và hầu hết các doanh nghiệp xuất khẩu đều là các doanh nghiệp nhỏ.
Trước thực tế này, Bộ Công Thương đã xây dựng và đang xin ý kiến của các cơ quan, tổ chức, người dân và doanh nghiệp về Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 14/2018/NĐ-CP ngày 23/01/2018 của Chính phủ quy định chi tiết về hoạt động thương mại biên giới.
Lộ trình được đề xuất cụ thể: Từ ngày 1/1/2025, hàng hóa Việt Nam xuất khẩu phải đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn chất lượng, quy định về truy xuất nguồn gốc theo yêu cầu của nước nhập khẩu kể cả đối với hàng hóa trao đổi cư dân biên giới.
Cũng kể từ thời điểm này, chỉ cư dân cư trú tại khu vực biên giới mới được phép xuất khẩu theo hình thức trao đổi cư dân. Chính thức áp dụng định mức mới đối với mua bán, trao đổi hàng hóa của cư dân biên giới. Ngoài ra, khi thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hóa qua biên giới, cư dân phải có mặt để làm thủ tục xuất cảnh.
Từ ngày 1/1/2026, các mặt hàng đã được xuất khẩu vào Trung Quốc theo hình thức chính ngạch chỉ được phép làm thủ tục xuất khẩu tại cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính và các cửa khẩu phụ, lối mở đã đạt thỏa thuận song phương về cho phép xuất nhập khẩu, trao đổi hàng hóa.
Từ ngày 1/1/2027, dừng toàn bộ hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu hàng hoá tại tất cả các cửa khẩu, lối mở biên giới chưa đạt được thoả thuận song phương về việc mở cửa khẩu, lối mở biên giới. Từ ngày 1/1/2028, tại tất cả các cửa khẩu, lối mở chỉ cho phép làm thủ tục xuất khẩu sang Trung Quốc các mặt hàng đã vào được Trung Quốc qua cửa khẩu quốc tế, cửa khẩu chính.
Như vậy, mốc thời gian đến năm 2028 còn 5 năm nữa, là quãng thời gian vừa đủ để người dân, các hợp tác xã, địa phương, doanh nghiệp chuyển đổi toàn bộ quy mô từ sản xuất nhỏ lẻ, manh mún hiện nay sang sản xuất lớn. Đây cũng là yếu tố bắt buộc để có được các sản phẩm chất lượng, đạt yêu cầu phía đối tác nhập khẩu.
Để thúc đẩy xuất khẩu nông sản sang thị trường 1,4 tỷ dân, nhiều chuyên gia đưa ra khuyến cáo: Các địa phương, cơ quan quản lý nên xây dựng chiến lược phát triển ngành, xây dựng thương hiệu song song với xây dựng vùng sản xuất, vùng nuôi trồng chuyên canh tập trung, quy mô lớn dựa theo tín hiệu thị trường.
Theo thống kê của Bộ NN&PTNT, đến nay, Việt Nam đã có 13 mặt hàng nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, gồm: Tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Với doanh nghiệp, cần thường xuyên cập nhật và tuân thủ quy định về tiêu chuẩn chất lượng, kiểm nghiệm, kiểm dịch, bao bì đóng gói, truy xuất nguồn gốc của thị trường Trung Quốc. Cùng với đó, doanh nghiệp phải chú trọng xây dựng thương hiệu, bảo vệ thương hiệu và nghiên cứu kỹ nhu cầu, xu thế phát triển của thị trường. Đặc biệt, cần xây dựng đội ngũ nhân viên thông thạo thị trường, ngoại ngữ, tận dụng tuyến vận tải đường sắt liên vận Việt Nam - Trung Quốc và thúc đẩy khai thác thị trường thông qua hình thức thương mại điện tử.
Để xuất khẩu nông sản Việt Nam sang thị trường quốc tế, chất lượng sản phẩm là yếu tố quan trọng hơn là số lượng. Do đó, để xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc, các doanh nghiệp cần chuẩn bị kỹ càng. Các doanh nghiệp nhỏ cần hợp tác để tạo ra khu vực trồng trọt đáp ứng tiêu chuẩn và được cấp mã số. Đồng thời, họ cần đầu tư vào cơ sở đóng gói và truy xuất nguồn gốc sản phẩm để tăng tính cạnh tranh trên thị trường.
Bảo An