0922 281 189 ts.kinhtetieudung@gmail.com
Thứ hai, 17/04/2023 14:35 (GMT+7)

Các trường hợp được hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp

Theo dõi KT&TD trên

Gia đình bà Trịnh Thị Thu (Hưng Yên) có 4 nhân khẩu được giao ruộng theo Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ gồm bố, mẹ, con trai, con gái. Năm 2009, con gái bà Thu đi lấy chồng và chuyển hộ khẩu về nhà chồng.

Các trường hợp được hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp
Ảnh minh họa (nguồn: Internet).

Sắp tới, Nhà nước thu hồi đất để làm đường, gia đình bà Thu có trên 30% ruộng bị thu hồi nên được hỗ trợ gạo.

Bà Thu hỏi, con gái bà có được hỗ trợ gạo không? Vì suất ruộng của con gái bà vẫn ở nhà, chưa chuyển sang nhà chồng và con gái bà là nhân khẩu nông nghiệp.

Bộ Tài nguyên và Môi trường trả lời vấn đề này như sau:

Tại Khoản 1 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP ngày 15/5/2014 của Chính phủ quy định về đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) quy định:

"1. Đối tượng được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất, gồm các trường hợp sau:

a) Hộ gia đình, cá nhân được Nhà nước giao đất nông nghiệp khi thực hiện các nghị định gồm: Nghị định số 64/CP ngày 27/9/1993 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp; Nghị định số 85/1999/NĐ-CP ngày 28/8/1999 của Chính phủ sửa đổi, bổ sung một số điều của Bản quy định về việc giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định lâu dài vào mục đích sản xuất nông nghiệp và bổ sung việc giao đất làm muối cho hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định lâu dài; Nghị định số 02/CP ngày 15/1/1994 của Chính phủ ban hành Bản quy định về việc giao đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình, cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 163/1999/NĐ-CP ngày 16/11/1999 của Chính phủ về việc giao đất, cho thuê đất lâm nghiệp cho tổ chức, hộ gia đình và cá nhân sử dụng ổn định, lâu dài vào mục đích lâm nghiệp; Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 của Chính phủ về thi hành Luật Đất đai và Khoản 1 Điều 54 của Luật Đất đai.

b) Nhân khẩu nông nghiệp trong hộ gia đình quy định tại Điểm a Khoản này nhưng phát sinh sau thời điểm giao đất nông nghiệp cho hộ gia đình đó.

c) Hộ gia đình, cá nhân thuộc đối tượng đủ điều kiện được giao đất nông nghiệp theo quy định tại Điểm a Khoản này đang sử dụng đất nông nghiệp do nhận chuyển nhượng, nhận thừa kế, được tặng cho, khai hoang theo quy định của pháp luật, được UBND cấp xã nơi có đất thu hồi xác nhận là đang trực tiếp sản xuất trên đất nông nghiệp đó.

d) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) của các nông, lâm trường quốc doanh là cán bộ, công nhân viên của nông, lâm trường quốc doanh đang làm việc hoặc đã nghỉ hưu, nghỉ mất sức lao động, thôi việc được hưởng trợ cấp đang trực tiếp sản xuất nông, lâm nghiệp.

đ) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của các nông, lâm trường quốc doanh hoặc công ty nông, lâm nghiệp được chuyển đổi từ các nông, lâm trường quốc doanh đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

e) Hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất của tập đoàn sản xuất nông nghiệp, hợp tác xã nông nghiệp đang trực tiếp sản xuất nông nghiệp và có nguồn thu nhập ổn định từ sản xuất nông nghiệp trên đất đó.

g) Tổ chức kinh tế, hộ gia đình, cá nhân sản xuất, kinh doanh, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài mà bị ngừng sản xuất, kinh doanh khi Nhà nước thu hồi đất thì được hỗ trợ ổn định sản xuất".

Tại Khoản 2 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ quy định về điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất khi Nhà nước thu hồi đất (được sửa đổi, bổ sung tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP) quy định:

"2. Điều kiện để được hỗ trợ ổn định đời sống và sản xuất thực hiện theo quy định sau đây:

a) Đối với hộ gia đình, cá nhân, tổ chức kinh tế, doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài đang sử dụng đất thuộc đối tượng quy định tại Khoản 1 Điều này đã được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất hoặc đủ điều kiện được cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của pháp luật về đất đai, trừ trường hợp quy định tại Khoản 2 Điều 77 của Luật Đất đai và Điểm b Khoản này.

b) Đối với hộ gia đình, cá nhân đang sử dụng đất do nhận giao khoán đất sử dụng vào mục đích nông nghiệp, lâm nghiệp, nuôi trồng thủy sản (không bao gồm đất rừng đặc dụng, rừng phòng hộ) quy định tại các Điểm d, đ và e Khoản 1 Điều này thì phải có hợp đồng giao khoán sử dụng đất".

Tại Khoản 3 Điều 19 Nghị định số 47/2014/NĐ-CP của Chính phủ (được sửa đổi bởi Khoản 1 Điều 2 Nghị định số 148/2020/NĐ-CP) quy định:

"3. Việc hỗ trợ ổn định đời sống cho các đối tượng quy định tại các Điểm a, b, c, d, đ và e Khoản 1 Điều này (được bổ sung tại Khoản 5 Điều 4 Nghị định số 01/2017/NĐ-CP ngày 6/1/2017) thực hiện theo quy định sau:

a) Thu hồi từ 30% đến 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 6 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 12 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 24 tháng.

Đối với trường hợp thu hồi trên 70% diện tích đất nông nghiệp đang sử dụng thì được hỗ trợ trong thời gian 12 tháng nếu không phải di chuyển chỗ ở và trong thời gian 24 tháng nếu phải di chuyển chỗ ở; trường hợp phải di chuyển đến các địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn hoặc có điều kiện kinh tế - xã hội đặc biệt khó khăn thì thời gian hỗ trợ tối đa là 36 tháng.

b) Diện tích đất thu hồi quy định tại Điểm a Khoản này được xác định theo từng quyết định thu hồi đất của UBND cấp có thẩm quyền.

c) Mức hỗ trợ cho một nhân khẩu quy định tại Điểm a và Điểm b Khoản này được tính bằng tiền tương đương 30kg gạo trong 01 tháng theo thời giá trung bình tại thời điểm hỗ trợ của địa phương".

Đề nghị bà nghiên cứu các quy định pháp luật nêu trên và liên hệ với cơ quan tài nguyên và môi trường để được hướng dẫn cụ thể.

Bạn đang đọc bài viết Các trường hợp được hỗ trợ khi thu hồi đất nông nghiệp. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: ts.kinhtetieudung@gmail.com

Cùng chuyên mục

Thanh Trì (Hà Nội): Cần giải quyết dứt điểm đơn kiến nghị tại dự án Khu đấu giá quyền sử dụng đất
Báo điện tử Xây dựng nhận được đơn kiến nghị của ông Nguyễn Đình Hòa trú tại thôn Huỳnh Cung, xã Tam Hiệp (huyện Thanh Trì, Hà Nội) về việc bố ông là thương binh và được phân chia đất ở phía sau chùa Bé là 314m2 đất ở và một sào rưỡi đất ao thuộc diện tích đất ở từ năm 1954.
Phân khu Victoria: Giao điểm kết nối giữa nhịp sống sôi động và an nhiên
The Victoria, nơi dành cho ai đang muốn tìm kiếm không gian bình yên nhưng không tách biệt với nhịp sống sôi động. Nơi mà không gian sống được đo lường bằng tiêu chuẩn sang trọng nhưng vẫn giữ nguyên sự thoải mái. Đó cũng là nơi mà bất kỳ ai cũng tìm thấy sự đủ đầy trong từng căn hộ tiện nghi.

Tin mới

Mang Trung thu ấm áp đến trẻ em mọi miền
Vinamilk đã thực hiện nhiều hoạt động đón trung thu với trẻ em ở vùng sâu, vùng xa còn nhiều khó khăn, các em nhỏ có hoàn cảnh kém may mắn tại các trung tâm bảo trợ và mang những phần sữa, bánh đến với trẻ em sau những ngày bão lũ.
Câu chuyện hạt cà phê Việt
Nestlé Việt Nam vừa tổ chức thành công chương trình “Câu chuyện hạt cà phê Việt” tại nhà máy Nestlé Trị An, một trong những nhà máy chế biến cà phê có quy mô và công nghệ hiện đại nhất trên thế giới của Tập đoàn Nestlé.
Nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm khắc phục hậu quả bão số 3, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh
Chính phủ vừa ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.