Nhiều cơ hội xuất khẩu chính ngạch của nông sản Việt
Năm 2022 có thể được coi là một năm thắng lợi nhất từ trước đến nay với nhiều mặt hàng nông sản có nguồn gốc thực vật của Việt Nam được phép tiếp cận đến các thị trường thế giới.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản tháng 11 đạt hơn 4,2 tỷ USD, đưa tổng giá trị xuất khẩu 11 tháng của năm nay, đạt hơn 49 tỷ USD, tăng gần 12% so với cùng kỳ năm 2021. Trong đó, giá trị xuất khẩu các mặt hàng nông sản, ước đạt hơn 20 tỷ USD; xuất khẩu thủy sản đạt hơn 10 tỷ USD; lâm sản đạt hơn 15 tỷ USD.
Hoa Kỳ, Trung Quốc và Nhật Bản là 3 thị trường nhập khẩu các mặt hàng nông, lâm, thủy sản lớn nhất của Việt Nam. Giá trị xuất khẩu sang thị trường Hoa Kỳ chiếm tỷ trọng 25%, Trung Quốc chiếm gần 19% và Nhật Bản chiếm gần 8%.
Trong 11 tháng qua, cán cân thương mại ngành nông nghiệp Việt Nam đạt thặng dư gần 8 tỷ USD, tăng gần 48% so với cùng kỳ năm ngoái.
Năm 2022 cũng là năm thành công nhất của Việt Nam trong xúc tiến thương mại, đồng thời đánh dấu một năm thắng lợi với hàng loạt nông sản Việt Nam đã được hoàn thành các thủ tục để xuất khẩu sang các thị trường được cho là tiềm năng và khắt khe hàng đầu thế giới. Hàng loạt các nông sản có được tấm vé thông hành xuất khẩu chính ngạch vào Trung Quốc. Trước tiên là sản phẩm chanh leo của Việt Nam được nhập khẩu vào Trung Quốc với các quy định tạm thời. Tiếp đến, sầu riêng và chuối của Việt Nam được phép nhập khẩu vào Trung Quốc thông qua ký kết Nghị định thư về yêu cầu kiểm dịch thực vật giữa hai nước.
Bên cạnh đó, mặt hàng tổ yến được kỳ vọng có tốc độ tăng xuất khẩu đáng kể nhờ giá trị lớn và nhu cầu tiêu dùng cao tại Trung Quốc, với sản lượng nhập khẩu lên đến 300 - 400 tấn/năm. Để đi đến ký kết Nghị định thư, Việt Nam đã mất hơn ba năm kiên trì, việc ký được Nghị định thư mở ra nhiều cơ hội cho ngành yến Việt Nam phát triển, đảm bảo ổn định đầu ra cho sản phẩm. Như vậy, đến nay Việt Nam đã có 13 nông sản xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc gồm tổ yến, khoai lang, thanh long, nhãn, chôm chôm, xoài, mít, dưa hấu, chuối, măng cụt, vải, chanh dây và sầu riêng.
Ngoài Trung Quốc, thị trường tiêu chuẩn cao trong các FTA thế hệ mới như RCEP, CPTPP, gồm: Australia, New Zealand, Nhật Bản cũng đạt được những kết quả hơn mong đợi về mở cửa thị trường cho các loại nông sản xuất khẩu. Như mới đây, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cũng hoàn tất thủ tục xuất khẩu cho 4 loại nông sản gồm: Nhãn, khoai lang, chanh, bưởi cho các thị trường: Nhật Bản, Trung Quốc, New Zealand.
Theo Cục Bảo vệ thực vật, việc mở cửa được thị trường và ký kết các nghị định thư để xuất khẩu chính ngạch nông sản sẽ tạo điều kiện pháp lý rõ ràng minh bạch và cũng là tạo động lực cho người nông dân Việt Nam sản xuất chuyên nghiệp hơn, bài bản hơn và quy mô lớn hơn.
Thực tế, chính ngạch là con đường mở ra cho nông sản Việt những bước tiến hướng đến sự chuyên nghiệp. Do đó, để thêm nhiều hoa quả, nông sản của Việt Nam có thể xuất khẩu sang và vượt qua những quy định nghiêm ngặt theo tiêu chuẩn của các nước, cần có sự liên kết chặt chẽ giữa người trồng, cơ sở đóng gói sản phẩm và doanh nghiệp để tuân thủ đầy đủ các quy định về an toàn thực phẩm, kiểm dịch thực vật.
Bảo An (t/h)