Phát triển du lịch sinh thái vùng chè Hà Giang
Cùng với nâng cao chất lượng sản phẩm chè, đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, các doanh nghiệp, hợp tác xã (HTX) trên địa bàn tỉnh Hà Giang đã phát triển hình thức du lịch sinh thái, bước đầu cho kết quả tích cực.
Tuy không có những thảo nguyên chè bát ngát như Thái Nguyên, Mộc Châu, Sơn La, nhưng các “lão” trà cổ thụ Shan tuyết “tắm” mình trong cảnh sắc hùng vỹ của dãy Tây Côn Lĩnh kỳ bí luôn là điểm nhấn thu hút du khách đến với mảnh đất địa đầu tổ quốc. Đến nơi đây, du khách không chỉ được chinh phục những cung đường uốn lượn dưới mây, mà còn được ngắm nhìn những “cụ” chè hàng trăm năm tuổi, thưởng thức chén trà được chế biến từ búp chè cổ thụ. Đó là một trải nghiệm khó phai của các du khách khi đến với Hà Giang.
Hà Giang có diện tích chè lớn thứ 3 cả nước với trên 20 nghìn ha và trên 7.000 ha chè Shan tuyết cổ thụ hàng trăm tuổi trở lên. Với lợi thế về diện tích chè như trên, những năm qua, các cấp, ngành và các huyện, thành phố đã tập trung phát triển diện tích và chất lượng chè, ngoài đem lại giá trị kinh tế to lớn, cây chè còn có tiềm năng phát triển du lịch sinh thái cảnh quan, du lịch trải nghiệm và du lịch cộng đồng. Qua đó, góp phần nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo cho người dân địa phương tại các vùng trồng chè.
Các vùng chè nơi đây đều sinh trưởng trong điều kiện mây phủ quanh năm và có địa thế đẹp, phong cảnh hữu tình; là điểm nhấn thu hút không ít du khách muốn khám phá và trải nghiệm về văn hóa miền núi nói chung và văn hóa chè nói riêng.Cùng với việc phát triển diện tích chè Shan tuyết, để nâng cao thu nhập cho nhân dân, tỉnh Hà Giang đã quan tâm đến việc phát triển du lịch sinh thái, do vậy trong những năm gần đây tỉnh đã đẩy mạnh việc quảng bá sản phẩm chè Shan tuyết gắn với thu hút đầu tư khu du lịch sinh thái tại các vùng có diện tích chè Shan tuyết cổ thụ ở các địa phương tổ chức các tua, tuyến cho khách du lịch trải nghiệm như: Hà Giang-Hoàng Su Phì tại xã Thông Nguyên thăm vườn chè Shan tuyết cổ thụ, ruộng bậc thang; Hà Giang - Xín Mần thăm chè Shan tuyết cổ thụ, thác Tiên, đèo Gió; Hà Giang - Vị Xuyên thăm chè Shan tuyết cổ thụ tại xã Cao Bồ, suối khoáng Quảng Ngần…tại các địa điểm đó không chỉ được tận hưởng không khí trong lành, thoáng đãng, du khách còn được trực tiếp cùng với người làm chè hoạt động sản xuất thu hái và chế biến chè. Bên cạnh việc thưởng ngoạn và trải nghiệm quy trình sản xuất chè thủ công của bà con dân tộc bản địa, những câu chuyện về nguồn gốc cây chè, chuyện người trồng, chăm sóc cũng khiến cho du khách ưa thích khám phá và hứng thú.
Ông Lý Chòi Nhàn, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì thông tin: Với lợi thế diện tích chè Shan tuyết cổ thụ lớn trên 100 năm tuổi khoảng 200 ha với 1.185 cây chè cổ thụ được chứng nhận Di sản sinh trưởng tự nhiên, phát triển trong môi trường sạch, khí hậu mát mẻ quanh năm, hoàn toàn không có tác nhân chăm sóc và đây cũng là nguồn nguyên liệu sản xuất ra các loại sản phẩm chè đặc sản để xuất khẩu đi ra các thị trường khó tính như Đức, Mỹ, Đài Loan, Nhật Bản....và cũng là huyện có số lượng chè Shan tuyết cổ thụ được công nhận là Cây Di sản Việt Nam nhiều nhất toàn tỉnh. Từ năm 2022 đến nay, huyện Hoàng Su Phì đã đẩy mạnh công tác tuyên truyền thông qua các hợp tác xã, các công ty liên kết đưa sản phẩm chè đến các điểm du lịch sinh thái, đồng thời kết nối các HTX, Công ty là điểm dừng chân thưởng trà miễn phí cho các đoàn khách và được thăm quan nhà xưởng, được trải nghiệm các hoạt động thường nhật của người nông dân thu hái, chế biến chè tại chỗ nhằm quảng bá rộng rãi hình ảnh trà Shan tuyết đến với khách hàng.
Bà Nguyễn Thị Tươi, HTX Hương vị núi (Yên Minh, Hà Giang) chia sẻ, ngoài nâng cao chất lượng chè thành phẩm, thời gian gần đây, HTX cũng nỗ lực xây dựng quảng bá hình ảnh vùng chè nguyên liệu trù phú để thu hút du khách. Phát triển du lịch sinh thái tại vùng chè quê hương vừa giúp bà con có thêm thu nhập, lại phần nào giới thiệu vẻ đẹp đáng tự hào của những cây chè cổ thụ nơi đây tới với du khách.
Các cấp, ngành, chính quyền địa phương trên địa bàn tỉnh cần tuyên truyền, vận động các doanh nghiệp kinh doanh chè đầu tư xây dựng các điểm thăm quan từ đồi chè kết hợp với cơ sở sản xuất để du khách được trải nghiệm. Đồng thời, tỉnh tiếp tục quan tâm, xây dựng hệ thống giao thông thuận lợi; đầu tư chăm sóc, bảo tồn và phát triển diện tích chè Shan tuyết cổ thụ đẹp, tạo không gian sinh thái nông nghiệp để thu hút khách du lịch. Xây dựng các nhà trưng bày các sản phẩm vừa thu hút khách nghỉ dưỡng, uống chè vừa giới thiệu và bán các sản phẩm chè, các dụng cụ uống chè độc đáo mang tính bản địa và các loại sản phẩm nông nghiệp độc đáo khác của địa phương Hoàng Su Phì, Bắc Quang, Quang Bình, Vị Xuyên…