Quảng bá du lịch trên nền tảng số
Giới thiệu, quảng bá du lịch qua các nền tảng số đem lại hiệu quả không nhỏ lại có kinh phí thấp nên được các đơn vị quản lý khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng này.
Từ những video “triệu view”
Tháng 4/2021, chỉ vỏn vẹn hơn 60 giây, clip “Việt Nam: Đi Để Yêu! - Bao la biển gọi” mang đến cho du khách trải nghiệm mãn nhãn về những bãi biển quyến rũ làm nên thương hiệu du lịch biển Việt Nam với những hòn đảo, bãi biển hấp dẫn trải dài trên dải đất hình chữ S như đảo Cồn Cỏ, bãi biển Mũi Trèo, Phú Quốc - nơi được mệnh danh là “thiên đường đảo ngọc”, Eo Gió Quy Nhơn - một điểm đến hấp dẫn du khách trên miền đất duyên hải miền Trung… Sau 10 ngày, clip này cán mốc hơn 1 triệu view (lượt xem) trên Youtube, đây là con số đáng mơ ước của những nhà sáng tạo nội dung trên mạng xã hội Youtube.
Olala - Đồ vùng cao, cô gái 9x người dân tộc Tày nổi tiếng trên mạng xã hội với những clip chia sẻ hình ảnh về cuộc sống hằng ngày như làm nông, làm chè, làm các món đồ ăn thủ công dân dã... Kênh Tiktok và Facebook Olala - Đồ vùng cao được xây dựng với mong muốn lan tỏa văn hóa dân tộc Tày, giới thiệu những sản phẩm từ quê hương như Trà Shan tuyết cổ thụ, thịt gác bếp thủ của người dân tộc bản địa. Ngoài ra, cô nàng còn mong muốn có thể chia sẻ được những phong cảnh quê hương, cũng như văn hoá tới các bạn bè quốc tế. Chỉ sau 3 tháng xây dựng, Olala - Đồ vùng cao đá có hơn 70 video, thu hút gần 34.000 lượt theo dõi. Bằng cách chuyển tải hài hước qua các tiểu phẩm vui, các video của chị thu hút được hàng trăm nghìn lượt xem, hàng nghìn lượt bình luận. Nhiều người mong muốn được đến Hà Giang du lịch và trải nghiệm văn hóa nơi đây.
Với sự phát triển của công nghệ, nhất là với sự có mặt của các nền tảng giải trí qua video ngắn trên mạng xã hội, việc quảng bá du lịch qua văn hoá vì thế trở nên dễ dàng hơn. Khi người người, nhà nhà đều hiện diện trực tuyến, mọi thứ đều được cập nhật nhanh chóng, kéo theo xu hướng và nhu cầu của khách du lịch cũng thay đổi hàng ngày, hàng giờ. Không chỉ Youtube, mà hàng chục mạng xã hội, nền tảng trực tuyến như: Tiktok, Instagram, Facebook, Twitter… cũng đang là những "mỏ vàng" cho du lịch khai thác, quảng bá hình ảnh.
Xu hướng quảng bá du lịch trên nền tảng số
Tìm kiếm từ khóa “Kỳ quan Việt Nam”, Google cho ra hơn 36 triệu kết quả. Nếu như trước đây, việc quảng bá du lịch chủ yếu được thực hiện trực tiếp thông qua các hội thảo, hội chợ, giới thiệu sản phẩm, trải nghiệm về du lịch thì những năm gần đây, xu hướng này có nhiều thay đổi, trong đó đặc biệt chú trọng việc sử dụng các nền tảng xã hội, mạng internet và các thiết bị thông minh. Từ đó, quảng bá du lịch qua nền tảng số được xem là cách nhanh nhất để đưa hình ảnh du lịch đến gần với du khách.
Hầu hết doanh nghiệp du lịch đều đang sử dụng MXH để quảng bá, tuyên truyền du lịch, qua đó tạo ra kênh tham khảo hiệu quả, giúp đưa hình ảnh du lịch đi xa hơn và đến gần hơn với du khách. Hình thức quảng bá du lịch qua các nền tảng số đem lại hiệu quả nhanh, kinh phí thấp, thậm chí là miễn phí nếu các đơn vị quản lý biết cách khai thác, tận dụng tối đa tiềm năng.
Theo thống kê, năm 2023, ngành du lịch Việt Nam đặt mục tiêu đón 110 triệu lượt khách, trong đó khoảng 102 triệu khách nội địa và 8 triệu lượt khách quốc tế, mang lại nguồn thu 650.000 tỷ đồng.
Ngành du lịch đã triển khai mạnh mẽ hoạt động chuyển đổi số với sự đồng hành, dẫn dắt của Tổng cục Du lịch. Hệ sinh thái du lịch thông minh đã được hình thành trên cơ sở các nền tảng số cốt lõi của Tổng cục Du lịch như hệ thống cơ sở dữ liệu Du lịch Việt Nam; nền tảng Quản trị và kinh doanh du lịch; nền tảng đa dịch vụ Du lịch Việt Nam - Vietnam Travel; Thẻ Việt - Thẻ du lịch thông minh và nhiều sản phẩm công nghệ khác hỗ trợ công tác quản lý và kinh doanh du lịch.
Tổng cục Du lịch cũng đã triển khai các chương trình hỗ trợ hướng dẫn chuyển đổi số tại nhiều địa phương trong cả nước như Hà Nội, Nghệ An, Hải Phòng, Hà Giang, Khánh Hòa, Sơn La, Cần Thơ, Kiên Giang, Gia Lai… đáp ứng nhu cầu, nguyện vọng, tháo gỡ “nút thắt” cho các địa phương trong quá trình chuyển đổi số du lịch.
Cùng với đó, hệ thống các trang mạng xã hội như Facebook, Zalo, Youtube, Instagram… góp phần lan tỏa mạnh mẽ thông tin du lịch Việt Nam. Từ các kênh truyền thông này, các điểm đến hấp dẫn, sản phẩm dịch vụ du lịch chất lượng đã được quảng bá, giới thiệu tới du khách trong và ngoài nước thông qua các video clip, bài viết, hình ảnh đẹp mắt.
Đơn cử như thị trấn Sa Pa đã tăng cường quảng bá hình ảnh du lịch qua hệ thống các ứng dụng của tỉnh, thị xã, như Cổng thông tin du lịch tỉnh Lào Cai, Cổng thông tin thị xã Sa Pa, cụm thông tin đối ngoại, hệ thống loa truyền thanh; thông qua các cơ quan truyền thông; mạng xã hội. Thị xã cũng đang xây dựng website dulich360, số hóa 10 điểm du lịch tạo sản phẩm mới phục vụ nhu cầu của người dân và du khách.
Việc quảng bá du lịch trên các nền tảng số đã và đang đem lại nhiều tín hiệu tích cực cho ngành du lịch. Theo thông tin từ Phòng Văn hóa - Thông tin thị xã Sa Pa, hiện du lịch Sa Pa là một trong những điểm đến được tìm kiếm và lựa chọn nhiều nhất trên trang tìm kiếm của Google (Google search, Youtube), các trang đặt phòng, diễn đàn du lịch (TripAdvisor, Lonely Planet), các tạp chí du lịch.
Hay điểm du lịch Lau Camping tại xã Phình Hồ, huyện Trạm Tấu, tỉnh Yên Bái do Công ty TNHH Đầu tư và Phát triển sản phẩm nông nghiệp Tây Bắc Tabala (thành phố Yên Bái) đầu tư là một trong những điểm du lịch chủ động tận dụng mạng xã hội để quảng bá, giới thiệu hình ảnh thành công tới du khách. hiện rất nhiều cá nhân, doanh nghiệp làm du lịch trên địa bàn tỉnh Yên Bái đã, đang sử dụng có hiệu quả các nền tảng số để quảng bá hình ảnh, tuyên truyền tiềm năng, lợi thế du lịch.
Bên canh đó, Hà Giang đã giúp khán giả đã được chiêm ngưỡng một mùa vàng online đúng nghĩa qua Chương trình du lịch “Qua những miền di sản ruộng bậc thang Hoàng Su Phì”. Khung cảnh nên thơ mà kỳ vĩ về ruộng bậc thang Hoàng Su Phì, những nét văn hóa độc đáo của đồng bào các dân tộc và nét ẩm thực nức tiếng như: Chè Shan tuyết, cam Sành, mật ong Bạc hà, Hồng không hạt… sẽ hiện lên trên các nền tảng số của Tập đoàn FPT, Facebook, Youtube, các kênh truyền thông của tỉnh… mang đến cho du khách trải nghiệm mới mẻ, thú vị, cảm xúc đặc biệt.
Các địa phương khác trên cả nước như Đà Nẵng, Long An, Quảng Bình, Thừa Thiên Huế… cũng đang triển khai nhiều chương trình quảng bá du lịch của tỉnh mình. Từ phạm vi cá nhân cho đến vĩ mô, có thể nhận ra từ thực tế rằng, quảng bá du lịch trên nền tảng số đang có một bước chuyển biến mang dấu ấn rõ nét.
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ số trong quản lý, điều hành du lịch là xu hướng tất yếu hiện nay. Tuy nhiên, trong điều kiện còn khó khăn về hạ tầng CNTT, nguồn nhân lực..., nhiều chuyên gia du lịch cho rằng để du lịch thông minh phát triển thì cần nhiều giải pháp mang tính đồng bộ hơn nữa, phải có sự tham gia từ cơ quan quản lý, doanh nghiệp du lịch và du khách. Đặc biệt, cần đầu tư phát triển hạ tầng công nghệ, sản xuất các phần mềm, ứng dụng, tiện ích thông minh cho ngành du lịch... Cùng với đó, chú trọng phát triển nguồn nhân lực du lịch có trình độ công nghệ để đón đầu các xu hướng, dễ dàng nắm bắt được cách thức vận hành, quản lý tốt nền tảng công nghệ.