Nợ ngắn hạn quá cao, HAGL tiếp tục bị kiểm toán nghi ngờ khả năng hoạt động liên tục
Tại báo cáo soát xét bán niên 2023, kiểm toán viên nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế 2.959 tỷ của HAGL; đồng thời tại ngày 30/6 khoản nợ ngắn hạn đang vượt tài sản ngắn hạn 2.004 tỷ.
Khiến kiểm toán thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất bán niên 2023 đã được soát xét bởi Công ty TNHH Ernst & Young Việt Nam (EY) kèm Công văn giải trình.
Giải trình về biến động lợi nhuận sau thuế, HAGL cho biết lợi nhuận gộp tăng 163 tỷ đồng trong 6 tháng đầu năm 2023, chủ yếu do doanh thu bán heo, trái cây và hàng hóa tăng mạnh so với cùng kỳ. Doanh thu hoạt động tài chính giảm gần 32 tỷ đồng do giảm lãi từ việc thanh lý các khoản đầu tư. Chi phí tài chính cũng giảm mạnh 507 tỷ đồng do giảm dự phòng các khoản đầu tư vào nhóm công ty HNG giảm. Đồng thời, lỗ chênh lệch tỷ giá hối đoái cũng giảm so với cùng kỳ. Bên cạnh đó, chi phí quản lý doanh nghiệp biến động lớn do giảm hoàn nhập dự phòng các công nợ phải thu.
Áp lực nợ ngắn hạn
Đáng chú ý, tại báo cáo soát xét bán niên, kiểm toán viên có nhấn mạnh đến khoản lỗ luỹ kế 2.959 tỷ của HAGL đồng thời tại ngày 30/6 khoản nợ ngắn hạn đang vượt tài sản ngắn hạn 2.004 tỷ, khiến kiểm toán thấy sự tồn tại của yếu tố không chắc chắn trọng yếu có thể dẫn đến nghi ngờ đáng kể về khả năng hoạt động liên tục của tập đoàn.
Theo báo cáo soát xét, tại ngày 30/6, HAGL có tổng dư nợ vay là 8.085 tỷ đồng, bao gồm 4.115 tỷ vay ngắn hạn và 3.970 tỷ dài hạn.
HAGL có dư nợ từ ngân hàng khoảng 2.402 tỷ đồng, trong đó vay ngắn hạn và vay dài hạn đến hạn trả chiếm tới 89%. Các ngân hàng có là chủ nợ của HAGL gồm Eximbank, TPBank, Sacombank, Ngân hàng Lào - Việt.
Dư nợ trái phiếu của công ty là 5.544 tỷ, giảm 195 tỷ đồng so với thời điểm đầu năm. Trong đó, 1.960 tỷ đồng đến hạn trả trong vòng 1 năm, còn lại hơn 3.584 tỷ đồng nợ trái phiếu dài hạn. Trái chủ lớn nhất của HAGL là ngân hàng BIDV với tổng dư nợ 5.271 tỷ, ngày đáo hạn là 30/12/2026. Khoản vay trái phiếu này nhằm bổ sung vốn cho các dự án đầu tư và tái cấu trúc nợ vay của tập đoàn.
Tại thời điểm cuối quý 2, HAGL vẫn chưa tiến hành thanh toán lãi vay phải trả với tổng giá trị 4.799 tỷ đồng.
Xét về dòng tiền, nửa đầu năm, doanh nghiệp đi vay 1.307 tỷ nhưng dùng tới 1.317 tỷ đồng để trả nợ gốc vay. Lưu chuyển tiền từ hoạt động tài chính đang âm nhẹ 10 tỷ đồng trong khi cùng kỳ dương hơn 508 tỷ đồng.
Kế hoạch cải thiện dòng tiền
Giải trình về ý kiến của kiểm toán, HAGL cho biết tại ngày lập báo cáo soát xét, công ty đã lập kế hoạch cho 12 tháng tiếp theo bao gồm dòng tiền dự kiến sẽ được tạo ra từ việc thanh lý một phần các khoản đầu tư tài chính, thu hồi nợ từ các đối tác, dòng tiền từ việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ cho các cổ đông, tiền đi vay các ngân hàng và dòng tiền tạo ra từ các dự án đang triển khai.
Tập đoàn cũng đang trong quá trình làm việc với các bên cho vay về việc điều chỉnh các điều khoản đã bị vi phạm của các hợp đồng vay và trái phiếu có liên quan. HAGL cũng đang trong đàm phán tái cơ cấu một số khoản nợ quá hạn đồng thời hoạt động kinh doanh từ heo, chuối tiếp tục tạo ra nguồn tiền lớn trong 2023.
Theo đó, HAGL khằng định có thể hoàn trả các khoản nợ khi đến hạn.
Đươc biết, HAGL đang lấy ý kiến cổ đông bằng văn bản về việc chào bán 130 triệu cổ phiếu riêng lẻ với giá 10.000 đồng/cổ phiếu để huy động 1.300 tỷ đồng, với mục đích trả nợ, cơ cấu lại nợ và bổ sung vốn lưu động.
Cụ thể, HAGL dự kiến dùng 323 tỷ đồng thanh toán khoản nợ gốc và lãi trái phiếu do Công ty phát hành ngày 18/6/2012, có mã trái phiếu là HAG2012.300; 277 tỷ đồng cơ cấu lại các khoản nợ vay tại Ngân hàng TMCP Tiên Phong cho Công ty con là CTCP Gia Súc Lơ Pang và 700 tỷ đồng để bổ sung vốn lưu động và cơ cấu lại nợ cho công ty con của Công ty là Công ty TNHH Hưng Thắng Lợi Gia Lai.
Trung Anh