PVcomBank: Nợ xấu cao, sở hữu vượt trần, mạnh tay đầu tư thương vụ trái phiếu
Đến cuối năm 2022, PVcomBank đầu tư khoảng 3.000 tỷ đồng vào trái phiếu một tập đoàn bất động sản, nhà băng này còn "gián tiếp" tham gia vào nhiều deal trái phiếu hàng nghìn tỷ đồng khác.
Ngân hàng top cuối hệ thống với nợ xấu ngấp ngé 3%
Ngân hàng TMCP Đại Chúng Việt Nam (PVcomBank) được hợp nhất từ Công ty Tài chính Dầu khí PVFC và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank), hiện có vốn điều lệ 9.000 tỷ đồng, trong nhóm có quy mô khiếm tốn nhất hệ thống ngân hàng Việt Nam.
Mặc dù là nhà băng quy mô nhỏ, PVcomBank vẫn là cái tên được chú ý với hàng loạt vấn đề, từ công bố thông tin, hoạt động đầu tư trái phiếu, cho tới vấn đề sở hữu.
Là một tổ chức tín dụng, song thông tin của PVcomBank tương đối hạn chế. Như các thông tin tài chính, số liệu mới nhất nhà băng này công bố là năm 2022.
Theo đó, tính tới cuối năm 2022, PVcomBank có tổng tài sản hơn 235.000 tỷ đồng, tăng hơn 22% so với năm 2021. Trong đó, các chỉ tiêu gia tăng mạnh nhất là dư nợ cho vay khách hàng và chứng khoán đầu tư.
Xét về dư nợ cấp tín dụng, PVcomBank ghi nhận quy mô cho vay gần 108.000 tỷ đồng tính tới cuối năm 2022, tăng trưởng 21,4% so với đầu năm. Tuy nhiên, đi cùng với tốc độ tăng trưởng tín dụng, quy mô nợ xấu của nhà băng này cũng "ngấp ngé" ngưỡng cảnh báo (3%). Đến cuối năm, tỷ lệ nợ nhóm 3-5 trên tổng dư nợ cho vay của PVcomBank là hơn 2,8%, với 2/3 quy mô nợ xấu là nợ nhóm 5 (nợ có khả năng mất vốn).
Hoạt động kinh doanh của nhà băng này cũng chỉ ở mức thấp so với phần còn lại của hệ thống ngân hàng.
Năm 2022, PVcomBank ghi nhận hơn 3.000 tỷ đồng thu nhập lãi thuần - mảng kinh doanh chính của ngân hàng. Lãi thuần từ hoạt động dịch vụ đạt hơn 318 tỷ đồng, tăng hơn 10% so với cùng kỳ năm, chủ yếu nhờ tăng trưởng trong doanh thu hoạt động kinh doanh bảo hiểm. Trong khi đó, hoạt động mua bán chứng khoán đầu tư ghi nhận mức giảm rất mạnh, từ 1.517 tỷ trong năm 2021 giảm xuống còn 64 tỷ trong năm 2022.
Kết quả này cùng với chi phí hoạt động tăng gần 13% khiến lãi thuần từ hoạt động kinh doanh thu hẹp so với cùng kỳ. Hết năm, nhà băng này báo lãi ròng chỉ gần 85 tỷ đồng, tương đương năm trước.
Mạnh tay với trái phiếu
Cùng với hoạt động tín dụng, hoạt động đầu tư trái phiếu của PVcomBank cũng "mạnh" không kém. Quy mô trái phiếu của các tổ chức kinh tế do ngân hàng này nắm giữ tăng gần gấp đôi trong năm 2022, lên hơn 15.700 tỷ đồng, so với hơn 8.500 tỷ vào cuối năm 2021.
Trong đó, báo cáo tài chính kiểm toán của Novaland cho thấy, kết thúc năm 2022, PVcomBank là một trong những trái chủ lớn nhất của doanh nghiệp này với quy mô khoảng 3.000 tỷ đồng. Con số này tương đương hơn 30% vốn điều lệ của PVcomBank.
Cụ thể, PVcomBank – chi nhánh Sài Gòn đã mua 1.350 tỷ đồng trái phiếu ngắn hạn tại Novaland. Gói trái phiếu đáo hạn vào năm 2024. Đơn vị này cũng có khoản đầu tư 1.650 tỷ đồng trái phiếu dài hạn tại Novaland, đây là khoản huy động bằng việc phát hành trái phiếu, đáo hạn vào tháng 11/2024. Cần nhấn mạnh rằng, ở kỳ 31/6, tỷ lệ nợ xấu trên dư nợ vay của PVcomBank đang ở mức 3,21%.
Tuy nhiên, ngoài những thông tin đã công bố, PVcomBank còn xuất hiện "gián tiếp" ở nhiều thương vụ lớn đầu năm 2023.
Đầu năm nay, Công ty TNHH Phát triển kinh doanh xây dựng 3 (XD3) là một trong những doanh nghiệp bất động sản phát triển trái phiếu lớn nhất với quy mô 2.250 tỷ đồng.
Công ty này không công bố cụ thể các thông tin về lãi suất, tài sản đảm bảo, nhà đầu tư mua. Nhưng theo thống kê của HNX, lô trái phiếu này có lãi suất phát hành là 14%/năm, thanh toán lãi cuối kỳ theo chu kỳ 6 tháng, đối tượng chào bán là tổ chức chuyên nghiệp và tổ chức lưu ký là Công ty Chứng khoán Dầu khí (PSI).
Một thương vụ phát hành có vẻ bình thường, song điểm cần chú ý chiều ngày 19/6 - một ngày trước khi XD3 hoàn tất việc phát hành 2.250 tỷ đồng trái phiếu - công ty đã thực hiện một giao dịch bảo đảm tại Ngân hàng TMCP Đại chúng Việt Nam (PVcomBank).
Cũng chung "công thức" này, PVcomBank xuất hiện trong một loạt thương vụ phát hành trái phiếu khác của nhóm North Star Holdings.
Cổ đông PVcomBank là ai?
Sau khi được hợp nhất từ Công ty Tài chính Dầu khí PVFC và Ngân hàng Phương Tây (Western Bank), theo báo cáo tài chính năm 2022, PVcomBank ghi nhận hai cổ đông lớn là Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam (tỷ lệ sở hữu 52%) và Morgan Stanley International Holdings Inc (7%).
Theo quy định trong Luật các tổ chức tín dụng, một cổ đông tổ chức trong ngân hàng thương mại không được sở hữu quá 15% vốn điều lệ của một tổ chức tín dụng (bao gồm cả phần vốn ủy thác cho tổ chức, cá nhân khác mua cổ phần).
Điều khoản này loại trừ trường hợp sở hữu cổ phần tại tổ chức tín dụng được kiểm soát đặc biệt theo phương án cơ cấu lại được cấp có thẩm quyền phê duyệt, hoặc sở hữu cổ phần của tổ chức tín dụng tại công ty con, công ty liên kết.
Ngoài ra, việc sở hữu của cổ đông tổ chức vượt 15% còn áp dụng cho trường hợp sở hữu cổ phần nhà nước tại tổ chức tín dụng cổ phần hóa, hoặc sở hữu cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài quy định tại khoản 2 Điều 16 của Luật các tổ chức tín dụng.
Với PVcomBank, sở hữu của PVN không rơi vào trường hợp nào kể trên. Từ nhiều năm trước, tập đoàn này từng có ý định chuyển giao số cổ phần này về Ngân hàng Nhà nước nhưng đến nay vẫn chưa được thực hiện. Việc thoái vốn của PVN tại PVcomBank cũng không được nhắc tới dù sở hữu vượt quá quy định của Luật các tổ chức tín dụng.
Năm nay, một trong những nội dung được PVcomBank đưa ra trình các cổ đông là tờ trình "Báo cáo Kết quả triển khai Đề án Tái cơ cấu PVcomBank và Xây dựng Đề án Tái cơ cấu đến năm 2030". Tuy nhiên, nội dung này hiện không thể tìm thấy từ website của chính nhà băng này.
Không riêng nội dung này, nhiều nội dung khác trong tài liệu phiên họp thường niên năm 2023 của PVcomBank hiện cũng không thể tìm thấy.
Năm 2018, khi bầu nhân sự vào Hội đồng quản trị, PVcomBank thời điểm đó đã tiết lộ danh sách đề cử từ một loạt cổ đông là pháp nhân và cá nhân có sở hữu dưới 5%. Một điểm đặc biệt là những cái tên trong các nhóm này đều có liên quan đến một tập đoàn bất động sản và đồng thời là giới chủ một ngân hàng cỡ trung trên thị trường.
Đinh Hiệu