Khang Minh Group: Ôm đống nợ, lãi vay và chi phí tăng khiến lợi nhuận năm 2022 giảm sâu
Ghi nhận tại Báo cáo Tài chính (BCTC) hợp nhất quý IV/2022 cho thấy mặc dù doanh số bán hàng cả năm của Khang Minh Group tăng lên 75 tỷ đồng so với năm 2021 nhưng lợi nhuận sau thuế giảm gần ½ ( giảm 16,7 tỷ đồng).
Nguyên nhân do chi phí lãi vay, chi phí bán hàng và quản lý doanh nghiệp tăng đột biến lên gấp đôi, trong khi hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu ở mức khá cao, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn thanh toán nợ.
Công ty Cổ phần Khang Minh Group (mã chứng khoán là GKM) là doanh nghiệp tương đối lớn trong lĩnh vực sản xuất vật liệu xây dựng như đá ốp lát cầu thang Thạch Anh, nhôm kính, gạch không nung. Trụ sở của Khang Minh Group đóng tại Khu công nghiệp (KCN) Châu Sơn, phường Lê Hồng Phong, thành phố Phủ Lý, tỉnh Hà Nam, do ông Đặng Việt Lê làm Chủ tịch HĐQT. Các công ty con của Khang Minh Group gồm: Công ty Cổ phần đá Thạch Anh Khang Minh và Công ty Cổ phần Nhôm Khang Minh.
Theo Báo cáo Tài chính hợp nhất quý IV/2022, doanh thu của Khang Minh Group tăng 1,3 lần (khoảng 75 tỷ đồng) từ hơn 236 tỷ năm 2021 lên 311 tỷ năm 2022; đáng nói dù doanh thu tăng cao nhưng mức thuế TNDN lại giảm từ 7,135 tỷ đồng năm 2021 còn 4,995 tỷ đồng năm 2022 trong khi đó, với chi phí nợ tăng cao, chi phí quản lý doanh nghiệp, chi phí bán hàng tăng gấp đôi khiến lợi nhuận sụt giảm nghiêm trọng, chỉ bằng ½ so với năm 2021, cụ thể lợi nhuận sau thuế TNDN từ 35,166 tỷ đồng năm 2021 giảm còn 18,469 tỷ đồng năm 2022.
Tính đến cuối năm 2022, tổng số thuế TNDN của Khang Minh Group phải nộp là 11,347 tỷ đồng (cộng dồn đầu kỳ và cuối kỳ) nhưng thực tế mới nộp được 784,248 triệu đồng.
Đặc biệt, có sự giảm đột ngột về lợi nhuận quý IV/2022 so với 2021. Cụ thể, theo BCTC doanh thu bán hàng và cung cấp dịch vụ quý IV/2021 của Khang Minh Group là 92,591 tỷ đồng nhưng lợi nhuận sau thuế năm này là 22,019 tỷ đồng; trong khi doanh thu cùng kỳ năm 2022 tăng lên 114,182 tỷ đồng nhưng lợi nhuận chỉ vỏn vẹn có 1,292 tỷ đồng, tức là lợi nhuận so sánh cùng kỳ giảm tới hơn 20 tỷ đồng.
Lý giải cho lợi nhuận sụt giảm đột biến ở quý IV/2022, theo Chủ tịch HĐQT ông Đặng Việt Lê: “do thị trường nhiều biến động và cạnh tranh nên công ty có những giải pháp để ổn định thị phần và chấp nhận giảm biên độ lợi nhuận”.
Có lẽ đây cũng chính là lý do để giải thích cho việc chi phí quản lý doanh nghiệp và chi phí bán hàng tăng lên gấp đôi. Cụ thể, chi phí bán hàng tăng từ 13,679 tỷ đồng năm 2021 lên 26,161 tỷ đồng năm 2022; tương tự chi phí quản lý doanh nghiệp từ 5,732 tỷ đồng năm 2021 tăng lên 11,682 tỷ đồng năm 2022.
Nguyên nhân giảm lợi nhuận còn được ghi nhận ở mục lãi vay tăng đột biến, nếu đầu năm 2022, Khang Minh Group chỉ vay và nợ thuê tài chính ngắn hạn 61,013 tỷ đồng thì đến cuối năm con số này tăng hơn gấp đôi lên đến 130,531 tỷ đồng (tổng cả nợ ngắn hạn và nợ dài hạn là 228,916 tỷ đồng), do đó mức lãi phải trả tăng từ 9,121 tỷ đồng năm 2021 lên đến 24,302 tỷ đồng năm 2022, tức là tăng 2,66 lần. Điều này đặt ra nghi vấn sức khỏe tài chính của Khang Minh Group có vấn đề.
Trong tổng số tài sản (tổng nguồn vốn = nợ phải trả + vốn chủ sở hữu) của Khang Minh Group là 633,225 tỷ đồng thì riêng nợ phải trả đã chiếm 302,148 tỷ đồng (con số này tăng lên khoảng 52 tỷ so với năm 2021), trong khi vốn chủ sở hữu chỉ 331 tỷ đồng.
Hệ số nợ trên vốn chủ sở hữu của Khang Minh Group tính đến cuối năm 2022 dù vẫn trong ngưỡng an toàn nhưng ở mức khá cao, tiềm ẩn nguy cơ mất cân đối thanh toán, nguy cơ rủi ro tài chính cao nếu tỷ lệ này tiếp tục tăng trong thời gian tới.
Theo dữ liệu tại website https://finance.vietstock.vn/ thì hết phiên giao dịch ngày 23/2, khối lượng cổ phiếu giao dịch của Khang Minh Group (HNX-GKM) là 34.600 cổ phiếu, giá thấp nhất trong phiên là 31.300 đồng và cao nhất là 32.300 đồng, giá đóng cửa phiên giao dịch là 32.100 đồng, tổng giá trị giao dịch là 1,086 tỷ đồng.
Theo 1 số nhà đầu tư chứng khoán thì khối lượng giao dịch GKM là quá ít, chỉ 1 số nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia, không có sức hút với các nhà đầu tư lớn. Không loại trừ khả năng các nhà đầu tư hiện hữu đặt lệnh mua đi bán lại cổ phiếu mang tính tượng trưng để tạo ra giao dịch, nhằm thu hút các nhà đầu tư bên ngoài mua.