Ngành chè Việt Nam: Tiềm năng lớn, thách thức còn nhiều
Ngành chè Việt Nam với bề dày lịch sử hàng nghìn năm, từng được ví như "vàng xanh" của đất nước, mang trong mình tiềm năng to lớn và những giá trị truyền thống quý báu.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy, "vàng xanh" đang đối mặt với nhiều thách thức, đặc biệt là sự chênh lệch đáng kể về giá trị xuất khẩu so với các loại cây trồng khác, điển hình là cà phê.
Thực trạng của ngành chè xuất khẩu
Mặc dù Việt Nam là quốc gia xuất khẩu chè lớn thứ 8 trên thế giới, với sản phẩm hiện diện tại hơn 70 quốc gia và vùng lãnh thổ, nhưng kim ngạch xuất khẩu vẫn còn ở mức thấp.
Theo số liệu thống kê, mặc dù sản lượng xuất khẩu chè của Việt Nam liên tục tăng trưởng, đạt 108 nghìn tấn trong 9 tháng đầu năm 2024, kim ngạch xuất khẩu chỉ đạt 189 triệu USD, tương đương khoảng 1.752 USD/tấn. Con số này thấp hơn rất nhiều so với giá trị xuất khẩu của cà phê, vốn đã vượt mốc 4 tỷ USD.
Một nghịch lý đáng quan tâm là giá chè xuất khẩu lại thấp hơn nhiều so với giá chè tiêu thụ trong nước. Trong khi người tiêu dùng trong nước sẵn sàng chi trả từ 120.000 đồng đến hàng triệu đồng cho một kg chè thành phẩm, thì giá chè xuất khẩu chỉ dao động trên dưới 40.000 đồng/kg.
Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến tình trạng này là do phần lớn chè xuất khẩu của Việt Nam là chè thô, chưa qua chế biến sâu, đóng gói đơn giản, thiếu nhãn mác, thương hiệu rõ ràng. Điều này khiến chè Việt Nam khó cạnh tranh với các sản phẩm chè đến từ các quốc gia khác, đồng thời bị ép giá bởi các đối tác nước ngoài.
Việc thiếu thương hiệu mạnh khiến chè Việt Nam khó cạnh tranh trên thị trường quốc tế, thường bị ép giá và phải xuất khẩu dưới dạng nguyên liệu thô. Các đối tác nước ngoài sau khi nhập khẩu chè Việt Nam sẽ tiến hành đóng gói, dán nhãn mác của họ và bán với giá cao hơn nhiều. Điều này đồng nghĩa với việc người tiêu dùng nước ngoài không nhận biết được nguồn gốc chè từ Việt Nam, và giá trị gia tăng thuộc về các doanh nghiệp nước ngoài.
Bên cạnh đó, ngành chè Việt Nam phải đối mặt với sự cạnh tranh từ các quốc gia có truyền thống sản xuất chè lâu đời như Trung Quốc, Ấn Độ, Sri Lanka,...Những sản phẩm chè chất lượng cao, vẫn còn tình trạng chè kém chất lượng, ảnh hưởng đến uy tín chung của ngành chè. Việt Nam chưa tận dụng triệt để các hiệp định thương mại tự do để mở rộng thị trường xuất khẩu.
Giải pháp nào cho "vàng xanh" Việt Nam?
Để nâng cao giá trị và khẳng định vị thế của chè Việt Nam trên thị trường quốc tế, việc xây dựng và phát triển thương hiệu là yếu tố then chốt.
Thái Nguyên nổi tiếng với những đồi chè xanh mướt, đang tiên phong trong việc xây dựng thương hiệu chè. Với diện tích chè lớn nhất cả nước, Thái Nguyên đã và đang nỗ lực nâng cao chất lượng sản phẩm, đa dạng hóa chủng loại chè, đồng thời chú trọng quảng bá thương hiệu "Chè Thái Nguyên" trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bên cạnh đó, cần đẩy mạnh ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất, chế biến chè, nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm, đáp ứng các tiêu chuẩn khắt khe của thị trường quốc tế. Việc liên kết giữa các doanh nghiệp, hợp tác xã và người nông dân trong chuỗi giá trị chè cũng đóng vai trò quan trọng, giúp nâng cao hiệu quả sản xuất và kinh doanh.
Với tiềm năng sẵn có, cùng với những nỗ lực không ngừng của các cấp, các ngành và người dân, ngành chè Việt Nam hoàn toàn có thể vươn lên, khẳng định vị thế trên bản đồ chè thế giới.
Việc xây dựng thương hiệu chè Việt Nam không chỉ đơn thuần là việc gắn nhãn mác, mà còn là quá trình khẳng định chất lượng, uy tín, giá trị văn hóa và bản sắc riêng của chè Việt. Đây là chìa khóa để "vàng xanh" Việt Nam tỏa sáng, mang lại giá trị kinh tế cao cho người nông dân và đóng góp vào sự phát triển bền vững của đất nước.
Bảo An