Ngân hàng không còn khát room tín dụng do 'sức khỏe' doanh nghiệp không tốt
Những năm trước, cầu tín dụng liên tục tăng trong khi room tín dụng lại chật hẹp, nửa năm nay ghi nhận ngân hàng còn nhiều dư địa cho vay. Nguyên nhân chính là do sức hấp thụ vốn của nền kinh tế giảm đi trông thấy.
Theo thống kê, tăng trưởng tín dụng toàn ngành ngân hàng trong nửa đầu năm 2023 chỉ đạt khoảng 1/3 chỉ tiêu của cả năm. Cụ thể, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho hay, đến ngày 30/6/2023, dư nợ tín dụng nền kinh tế đạt trên 12,4 triệu tỷ đồng, tăng 4,73% so với cuối năm 2022. Trong khi Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho biết, đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14%.
Ngày 10/7, NHNN cho biết, đã điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng năm 2023 cho các tổ chức tín dụng với mức giao toàn hệ thống khoảng 14% thay vì mục tiêu định hướng từ đầu năm 2023 khoảng 14-15%. Lãnh đạo một số ngân hàng cũng cho hay, đã nhận được thêm room tin dụng, song khác với năm trước cầu vốn tín dụng trong nửa năm nay tăng chậm nên nhiều nhà băng chưa sử dụng hết room nhận được đầu năm.
Thực tế, tín dụng nhiều nhà băng tăng trưởng âm trong gần 2 quý đầu năm nay. Tại Vietinabnk, ngân hàng lần đầu tiên tăng trưởng tín dụng âm trong tháng 5/2023 và phải “hãm” huy động vốn.
Tín dụng của Agribank cũng tăng trưởng âm trong 4 tháng đầu năm nay và chỉ mới tăng từ tháng 5/2023 nên ngân hàng cũng dần cắt giảm lãi suất huy động vốn. ACB tín dụng tăng trưởng âm trong quý I/2023 và chỉ bắt đầu tăng từ táng 4/2023.
So với cùng kỳ năm trước thì đến cuối tháng 6/2023 hầu hết các ngân hàng còn room tín dụng, duy chỉ có MSB sớm sử dụng hết hạn mức cho vay trong 3 tháng đầu năm nay.
Vì thế, mặt bằng lãi suất huy động giảm dần và lãnh đạo các nhà băng cho biết, không huy động vốn bằng mọi giá, mà chỉ huy động đủ với nhu cầu để nâng cao hiệu quả hoạt động, nhất là khi sức hấp thụ vốn của nền kinh tế chậm lại.
Các dự báo đưa ra, với diễn biến thị trường chưa mấy khởi sắc, đầu ra sản phẩm của doanh nghiệp sẽ khó khăn khi tiêu dùng giảm thì nhu cầu vốn chưa tăng cao trong nửa cuối năm 2023.
NHNN cũng cho hay, trong bối cảnh tăng trưởng kinh tế 6 tháng đầu năm thấp hơn so với kịch bản đề ra, các nguồn vốn nền kinh tế gặp khó khăn, thực hiện chỉ đạo của Chính phủ và Thủ tướng Chính phủ trong việc tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh, ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng.
Song song với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, công cụ chính sách tiền tệ khác, NHNN điều chỉnh chỉ tiêu tăng trưởng tín dụng cho các tổ chức tín dụng (TCTD) nhằm cung ứng thêm vốn tín dụng đáp ứng kịp thời nhu cầu của nền kinh tế nhưng không chủ quan với rủi ro lạm phát.
Theo ông Đào Minh Tú, Phó thống đốc NHNN, hạn mức tín dụng của các ngân hàng hiện chưa khó khăn, NHNN giao hạn mức tín dụng cho cả năm trên cơ sở đánh giá khách quan, rõ ràng, phù hợp. Các ngân hàng sẽ tạo điều kiện để khách hàng tiếp cận vốn tín dụng nhưng đảm bảo không hạ chuẩn cho vay bởi nợ xấu trong ngân hàng đã bắt đầu tăng.
Trước đó, ngày 19/6, Phó Thủ tướng Lê Minh Khái yêu cầu NHNN thông báo hạn mức tăng trưởng tín dụng cả năm cho từng ngân hàng; khơi thông dòng vốn, tăng cường khả năng tiếp cận tín dụng của doanh nghiệp và hấp thụ vốn của nền kinh tế.
Tuy nhiên, về phía khách hàng, việc tiếp cận vốn phụ thuộc nhiều vào phương án vay vốn, phương án đầu tư, tình hình tài chính, nếu không đủ điều kiện không thể vay được. Tuy nhiên, hiện áp lực lãi suất cho vay quá cao, doanh nghiệp cũng không tiếp cận được.
TS Nguyễn Xuân Thành - Giảng viên cao cấp, đại học Fulbright đánh giá, dù đã giảm lãi suất điều hành 4 lần, song vẫn có những doanh nghiệp chưa tiếp cận được vốn, tăng trưởng tín dụng nửa đầu năm vẫn đang ở mức thấp. Trong khi đó, thời điểm này vẫn còn dư địa để giảm lãi suất, nếu không có dư địa thì có chỉ đạo cũng khó có thể thực hiện.
Lạm phát tính đến tháng 5 lạm phát chỉ còn quanh 2,4%, thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu 4% được Quốc hội đề ra hồi đầu năm. Trong đó, lạm phát tổng thể giảm từ 2,81% tháng 4 xuống 2,43% tháng 5, lạm phát cơ bản chỉ giảm từ 4,56% tháng 4 xuống 4,54% tháng 5. TS Xuân Thành cho hay, hiện quan điểm điều hành chính sách vẫn là thận trọng với lạm phát nhưng không còn là nỗi lo lớn.
TS. Cấn Văn Lực, Chuyên gia Kinh tế trưởng BIDV cho rằng, với bối cảnh trong nước, lạm phát đang trên đà giảm, nhưng xuất khẩu giảm mạnh, sản xuất công nghiệp giảm, doanh nghiệp vẫn còn khó khăn về đầu ra, về nghĩa vụ tài chính, tín dụng tăng thấp nên quyết định giảm tiếp các lãi suất điều hành của NHNN gần đây được đưa ra trong lúc này là phù hợp.
Vì việc hạ lãi suất sẽ hỗ trợ doanh nghiệp trong giai đoạn khó khăn, nhất là về nghĩa vụ tài chính. Qua đó sẽ giúp kích cầu tín dụng trong bối cảnh tín dụng tăng trưởng rất thấp trong những tháng đầu năm nay. Với lo ngại về hạ lãi suất sẽ khiến lạm phát tăng lên, theo TS Lực, không quá đáng lo.
Chỉ tiêu lạm phát năm nay được Chính phủ đề ra là 4,5% trong đó đã tính đến các tác động về tăng lương, tăng giá điện nên ngay khi áp dụng các chính sách mới cũng không quá đáng ngại về lạm phát.
Chính phủ thực sự quan ngại về tình trạng đình trệ sản xuất kinh doanh và doanh nghiệp khó khăn dẫn đến đổ vỡ nên tích cực tháo gỡ khó khăn về vốn cho doanh nghiệp trong đó có việc hạ lãi suất. Tuy nhiên, do sức khoẻ của các doanh nghiệp hiện nay đã rất yếu nên cần có thời gian thẩm thấu.
Quang Anh