Lựa chọn tiêu dùng “xanh”, thúc đẩy phát triển bền vững
Sử dụng sản phẩm thân thiện với môi trường đang trở thành xu hướng tiêu dùng toàn cầu. Người tiêu dùng Việt Nam ngày càng quan tâm đến tiêu dùng thông minh và bền vững, cùng với việc lựa chọn những sản phẩm và dịch vụ thân thiện với môi trường ngay từ khâu sản xuất đến tiêu thụ và sử dụng sản phẩm.
Sự chuyển mình của người tiêu dùng sang hướng tiêu dùng xanh buộc các nhà sản xuất phải thích ứng, đổi mới để đáp ứng nhu cầu và thị hiếu mới này.
Tiêu dùng xanh được hiểu là việc mua, sử dụng và truyền thông các sản phẩm xanh, sản phẩm không gây hại cho hệ sinh thái tự nhiên, tiêu dùng xanh là hành vi tiêu dùng mang lại phúc lợi cho cộng đồng nơi người tiêu dùng sinh sống, từ đó khuyến khích mọi người cùng hành động thân thiện với môi trường. Tiêu dùng xanh là một phần của tiêu dùng bền vững, trong đó người tiêu dùng nhận thức được các vấn đề môi trường và có trách nhiệm với môi trường khi mua sắm, tiêu dùng sản phẩm.
Xu hướng tiêu dùng sản phẩm xanh không chỉ ở châu Âu, mà đang ngày càng nở rộ tại nhiều quốc gia. Một nghiên cứu của Unilever cho thấy 1/3 số khách hàng sẵn sàng lựa chọn mua các thương hiệu mà họ cho rằng đang đóng góp tích cực cho xã hội hay môi trường.
Tại Anh có tới 53% người mua hàng và 78% ở Mỹ cho rằng họ cảm thấy tốt hơn khi mua được sản phẩm bền vững, trong khi con số này tăng lên 88% ở Ấn Độ và 85% ở Braxin và Thổ Nhĩ Kỳ. Còn theo Ngân hàng thế giới, 71% người tiêu dùng trên toàn thế giới cho rằng họ sẵn sàng góp phần xây dựng môi trường sống bền vững thông qua chi tiêu vào các sản phẩm được chứng nhận xanh, không ảnh hưởng môi trường.
Tại Việt Nam, nghiên cứu của Công ty Nielsen cho thấy các thương hiệu có cam kết xanh và sạch có mức tăng trưởng khá cao, khoảng 4%/năm. Ví dụ, với ngành hàng thực phẩm và nước giải khát, mức tăng trưởng của các thương hiệu xanh nhanh hơn so với toàn thị trường từ 2,5-11,4%. Đồng thời, doanh số bán hàng của các thương hiệu cam kết ưu tiên tính bền vững tăng gấp 4 lần so với những đối thủ không có cam kết này.
Cũng theo Nielsen, có tới khoảng 80% người tiêu dùng Việt Nam sẵn sàng chi trả nhiều hơn để mua các sản phẩm có nguyên liệu đảm bảo thân thiện với môi trường, có thương hiệu xanh và sạch. Điều này có nghĩa, xu hướng tiêu dùng của người dân với các sản phẩm sản xuất từ những nguyên liệu thân thiện với môi trường cũng có xu hướng tăng lên.
Trong bối cảnh này, nhiều doanh nghiệp trong nước đã nhận thức được giá trị của thương hiệu xanh nên đã đầu tư vào sản xuất xanh, đưa ra các chiến lược tiếp thị, truyền thông nhấn mạnh đến việc tạo dựng hình ảnh thân thiện với môi trường. Tuy nhiên, vẫn có nhiều doanh nghiệp chậm chân trong xây dựng thương hiệu theo hướng xanh khiến họ mất đi nhiều cơ hội tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu. Đồng thời, sức cạnh tranh cũng sụt giảm so với hàng hóa cùng loại khác đảm bảo được các tiêu chí xanh. Đây cũng là nguyên nhân khiến nhiều doanh nghiệp chưa trở thành nhà cung ứng nguyên liệu đầu vào cho các tập đoàn FDI đang đầu tư tại Việt Nam.
Từ góc độ của một doanh nghiệp tiêu dùng nhanh hàng đầu của Việt Nam, ông Nguyễn Quang Trí – Giám đốc điều hành Marketing Vinamilk - cho biết, tiêu dùng bền vững là một trong những trụ cột quan trọng trong chiến lược phát triển, hướng tới mục tiêu đạt phát thải ròng bằng không (Net Zero) vào năm 2050 của Vinamilk. Chương trình thu gom tái chế vỏ hộp này là một hoạt động cụ thể hóa cho mục tiêu thúc đẩy tiêu dùng bền vững.
Cùng với đó, doanh nghiệp cũng liên tục nghiên cứu, phát triển và đưa ra thị trường những sản phẩm bền vững, thân thiện hơn với môi trường. Một ví dụ điển hình là Vinamilk Green Farm – dòng sản phẩm sử dụng sữa tươi nguyên liệu từ các trang trại sinh thái, thực hành nông nghiệp bền vững và sử dụng năng lượng xanh, năng lượng tái tạo để cắt giảm phát thải. Hay dòng sản phẩm sữa hạt Vinamilk cũng được các bạn trẻ và những người theo đuổi lối sống xanh yêu thích, nhờ quá trình sản xuất ít tác động đến môi trường.
Trong khâu phân phối, Vinamilk tập trung cắt giảm nhựa cũng như chuyển đổi sang bao bì có thể tái chế, không chỉ ở đơn vị tiêu dùng lẻ như hộp, hũ, túi mà còn ở cả đơn vị phân phối như thùng, lốc… Riêng trong năm 2023, đã có hơn 450 tấn nhựa được cắt giảm nhờ giải pháp loại bỏ lớp màng bọc bên ngoài các lốc Probi và giảm số muỗng nhựa đi kèm trong thùng sữa chua ăn. Hệ thống cửa hàng Vinamilk trên toàn quốc cũng đã sử dụng túi tái chế thân thiện với môi trường và có các hoạt động khuyến khích người dùng sử dụng túi vải, túi cói từ nhiều năm nay.
Theo các chuyên gia thương hiệu, việc xây dựng thương hiệu phát triển xanh không chỉ góp phần bảo vệ môi trường, mà còn giúp cho doanh nghiệp khai thác hợp lý các nguồn năng lượng tái tạo nhằm giảm chi phí sản xuất, tăng hiệu quả kinh doanh, tạo thiện cảm cho người tiêu dùng. Doanh nghiệp nào sớm thay đổi quy trình, công nghệ để tạo ra sản phẩm xanh sẽ dễ dàng tìm được đối tác mua hàng. Đồng thời, các nhãn hàng quốc tế cũng ưu tiên đặt hàng với những nhà máy sản xuất xanh.
Mặt khác, người tiêu dùng hiện đang dành thiện cảm nhiều hơn đối với các thương hiệu có tinh thần trách nhiệm, có thể giúp làm cho thế giới sạch hơn. Vì vậy, các doanh nghiệp cần phải thay đổi mô hình sản xuất kinh doanh, từ tìm nguồn cung ứng tiêu chuẩn và bền vững đến xây dựng quy trình sản xuất không ô nhiễm hoặc tác động tiêu cực đến môi trường, phân phối các sản phẩm có “nhãn xanh” thân thiện môi trường đến tay người tiêu dùng. Việc xây dựng thương hiệu bền vững cần được tiến hành theo kế hoạch, quy trình cụ thể nhằm đảm bảo cả uy tín doanh nghiệp và cân bằng lợi ích kinh doanh.
Doanh nghiệp nên thực hiện đổi mới sáng tạo trong hoạt động sản xuất kinh doanh, tối ưu hóa nguồn lực, tạo ra những sản phẩm dịch vụ “xanh” có thể đáp ứng được nhu cầu của người tiêu dùng, cũng như khẳng định tầm nhìn và năng lực kinh doanh bền vững để thu hút tốt hơn nguồn vốn đầu tư dài hạn.
Cùng với đó, doanh nghiệp phải kiên định với chiến lược dài hạn hướng tới phát triển bền vững trong từng giai đoạn phát triển; chú trọng nâng cao giá trị thương hiệu, tăng cường liên kết, hợp tác với các doanh nghiệp, đặc biệt là các doanh nghiệp sẵn sàng chuyển giao các kỹ thuật tiên tiến, tri thức mới, công nghệ hiện đại trên thế giới; hình thành chuỗi giá trị, thúc đẩy hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong và ngoài nước.