Mở 'mỏ vàng' tín dụng tiêu dùng: Trả nợ - đòi nợ nỗi lo từ 2 phía
Trong bối cảnh nền kinh tế dự báo sẽ tiếp tục tăng trưởng tích cực, thị trường cho vay tiêu dùng được kỳ vọng sẽ khởi sắc hơn trong nửa cuối năm 2024. Các ngân hàng thương mại và công ty tài chính hiện cũng đang đẩy mạnh nhiều ưu đãi dành cho cho vay tiêu dùng.
Khai thác 'mỏ vàng' tín dụng tiêu dùng
Theo báo cáo từ 16 tổ chức tín dụng có dư nợ cho vay tiêu dùng lớn cho thấy, hiện có hơn 30 sản phẩm tín dụng phục vụ nhu cầu tiêu dùng đang được triển khai.
Ở phía các ngân hàng thương mại, nhiều ngân hàng như Agribank, Vietcombank, BIDV, SHB, VPBank… cũng đã đưa ra nhiều gói tín dụng tiêu dùng ưu đãi, thiết kế riêng biệt cho từng nhóm đối tượng và lĩnh vực. Ngoài ra, các ngân hàng cũng tích cực giảm lãi suất cho vay để kích cầu tiêu dùng.
Đơn cử như tại Vietcombank, với khách hàng cá nhân vay mua nhà, mua ôtô hoặc vay tiêu dùng, lãi suất vay ưu đãi trong 6 tháng đầu chỉ từ 6,0%/năm với các khoản vay ngắn hạn (dưới 12 tháng); các khoản vay trung - dài hạn, lãi suất ưu đãi là 6,3%/năm trong 6 tháng đầu.
Các công ty tài chính cũng không chậm chân trong cuộc đua thúc đẩy tín dụng tiêu dùng. HD Saison và FE Credit đã cung cấp gói tín dụng tiêu dùng 20.000 tỷ đồng cho khách hàng là công nhân lao động.
Trước tình trạng thị trường cho vay tiêu dùng đang dần phục hồi, mới đây, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính cũng đã ký ban hành Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 27/8/2024 yêu cầu NHNN Việt Nam chỉ đạo các tổ chức tín dụng nghiên cứu xây dựng các sản phẩm tín dụng, dịch vụ ngân hàng dành riêng cho lĩnh vực tiêu dùng, tăng cường cho vay phục vụ đời sống, tiêu dùng.
Trước đó, NHNN cũng đã ban hành Thông tư 12/2024/TT-NHNN sửa đổi Thông tư 39/2016/TT-NHNN, cho phép các tổ chức tín dụng cho vay các khoản dưới 100 triệu đồng mà không bắt buộc khách hàng phải cung cấp phương án sử dụng vốn khả thi.
Trong chia sẻ với VietnamFinance, TS Nguyễn Tuấn Anh, Đại học RMIT, nhận định: “Những giải pháp kể trên đã tháo gỡ rào cản lớn đối với cho vay tiêu dùng. Chẳng hạn như với Thông tư 12, quy định mới này sẽ góp phần đẩy nhanh hơn quyền quyết định cho vay vốn của các tổ chức tín dụng, từ đó hỗ trợ khách hàng tiếp cận các khoản vay nhỏ nhanh chóng, thuận tiện và dễ dàng hơn, góp phần hạn chế tín dụng đen trên thị trường”.
Thêm vào đó, việc NHNN chủ động nới room tín dụng cho các ngân hàng có tốc độ tăng trưởng tín dụng đạt từ 80% trở lên cũng sẽ là động lực thúc đẩy các ngân hàng tham gia mạnh mẽ hơn vào hoạt động cho vay tiêu dùng trong phần còn lại của năm 2024.
Mấu chốt để khơi thông tín dụng tiêu dùng
Ngoài những giải pháp vốn có, TS Nguyễn Tuấn Anh nhận định, để cho vay tiêu dùng phát triển mạnh mẽ cần phải có sự nỗ lực từ cả hai phía, các tổ chức tín dụng lẫn người đi vay.
Theo ông, chính khách hàng - người tiêu dùng – là yếu tố then chốt trong quan hệ cung - cầu của việc vay tiêu dùng từ tổ chức tín dụng nên việc tạo dựng niềm tin cho người tiêu dùng là vô cùng cần thiết. Khi người dân có niềm tin vào tương lai kinh tế ổn định hơn, họ sẽ không thắt chặt chi tiêu mà sẵn sàng sử dụng thu nhập khả dụng của mình để chi tiêu ngay trong thời điểm hiện tại, đồng thời tận dụng sự hỗ trợ từ tín dụng tiêu dùng.
Ở phía các tổ chức tín dụng, theo TS Nguyễn Tuấn Anh, cần hoàn thiện chuyển đổi số trong hoạt động ngân hàng, bao gồm việc hướng dẫn ứng dụng công nghệ thông tin và số hóa hoạt động tín dụng tiêu dùng, tạo điều kiện cho các tổ chức tín dụng đa dạng hóa sản phẩm và dịch vụ, đồng thời phòng ngừa và ngăn chặn tội phạm công nghệ cao.
Ngoài ra, cũng cần phối hợp với các cơ quan quản lý nhà nước, cấp ủy và chính quyền địa phương trong việc tuyên truyền các cơ chế và chính sách tín dụng ngân hàng đến mọi tầng lớp nhân dân; phối hợp với các đơn vị của Bộ Công an trong việc kết nối và khai thác dữ liệu từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư.
“Việc này giúp đẩy mạnh các giải pháp ứng dụng dữ liệu trong hoạt động tín dụng tiêu dùng, đảm bảo quy trình thẩm định và quản lý rủi ro được thực hiện an toàn và hiệu quả hơn”, đại diện RMIT nói.
Tuy nhiên, để tạo điều kiện thuận lợi cho các tổ chức tín dụng, việc hoàn thiện hơn nữa khung pháp lý cho cho vay tiêu dùng cũng là điều quan trọng.
“Theo tôi, chúng ta cần hoàn thiện khung pháp lý về hoạt động cho vay phục vụ nhu cầu đời sống và cho vay tiêu dùng để đáp ứng yêu cầu thực tiễn, sẵn sàng thay đổi theo nhu cầu và tình hình thị trường nếu cần, nhằm tạo ra môi trường pháp lý minh bạch và thuận lợi cho hoạt động của các tổ chức tín dụng và bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng”, TS Nguyễn Tuấn Anh cho hay.
Song song với đó, cần liên tục giám sát và quản lý thanh tra hoạt động cho vay tiêu dùng và cho vay phục vụ đời sống của các tổ chức tín dụng, đảm bảo các hoạt động này tuân thủ đúng quy định của pháp luật, tránh sai phạm và bảo vệ người tiêu dùng khỏi các rủi ro tiềm ẩn.
Tuy nhiên, TS Nguyễn Tuấn Anh cho rằng, có chế tài bảo vệ người tiêu dùng thì cũng cần có các chế tài bảo vệ bên cho vay. Chẳng hạn như, hệ thống khung pháp lý cũng cần quy định rõ ràng hơn về quyền lợi và trách nhiệm của các bên liên quan, đặc biệt là các quyền cưỡng chế, xử lý tài sản đảm bảo, chuyển nhượng nợ của bên cho vay.
“Việc có thêm các quy định nhằm tăng trách nhiệm trả nợ của bên đi vay sẽ giúp đảm bảo cân bằng lợi ích của cả bên vay lẫn bên cho vay cũng như nghiêm khắc xử lý nghiêm tội phạm “tín dụng đen”, các hội nhóm “bùng nợ” để góp phần giảm bớt áp lực cho các tổ chức tín dụng”, ông nói.
Khánh Tú