Lào Cai: Phát triển cây chè bền vững, mang lại thu nhập ổn định cho người trồng chè
Thanh Bình là một trong những xã điển hình và có diện tích chè lớn nhất của huyện Mường Khương, tỉnh Lào Cai. Nhờ trồng chè đã giúp hàng trăm hộ nông dân là đồng bào dân tộc thiểu số vươn lên thoát nghèo, làm giàu chính đáng.
Gắn bó gần 20 năm với cây chè Shan Tuyết
Năm 2005, cây chè đã được bà con nhân dân trên địa bàn xã Thanh Bình đưa về trồng, khi đó diện tích mới chỉ đạt khoảng 3-4 ha. Năm 2008, bà con trong xã mới bắt đầu chuyển đổi mạnh mẽ từ loại cây trồng ngắn ngày kém hiệu quả trên đất dốc sang trồng chè. Đây là giống chè Shan Tuyết do Công ty Cổ phần Thanh Bình mang lên cho người dân trồng.
Mới đầu khi đưa cây chè về trồng do người nhận thức của người dân còn hạn chế, chưa biết đầu ra về loại cây trồng này ra sao… Do vậy, trong quá trình xã Thanh Bình vận động người dân trồng chè cũng gặp không ít những khó khăn.
Ông Phùng Huy Tường, Chủ tịch UBND xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, cho biết: Để từng bước thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, xã Thanh Bình đã thành lập các tổ công tác, phân công cán bộ phụ trách từng thôn ăn, ở cùng với người dân để tuyên truyền, vận động cho bà con hiểu về ý nghĩa, tầm quan trọng của cây chè trong phát triển kinh tế. Qua câu chuyện với ông Phùng Huy Tường, được biết hiện xã Thanh Bình có 8 thôn, 750 hộ, với hơn 3.600 nhân khẩu; gồm dân tộc Kinh, Tu Dí, Mông, Dao, Giáy, Nùng, Phù Lá, Thu Lao, Pa Dí, Mường, Tày cùng sinh sống. Nhờ năng động trong phong trào phát triển kinh tế, đời sống của đồng bào các dân tộc xã Thanh Bình ngày càng được nâng lên, thu nhập bình quân đạt 26 triệu đồng/người/năm.
Đặc biệt là mỗi cán bộ, đảng viên phải là những người tiên phong, gương mẫu đi đầu trong việc chuyển đổi từ trồng ngô, sắn năng suất thấp sang trồng chè. Từ đó, bà con thấy hiệu quả học tập và làm theo.
Cùng với đó, công tác tuyên vận động luôn được xã Thanh Bình triển khai họp hàng tháng để triển khai hiệu quả các chủ trương, chính sách của Nhà nước, của tỉnh, huyện kịp thời tới cán bộ, nhân dân trên địa bàn xã. Tích cực nhân rộng các mô hình, gương điển hình tiên tiến trong sản xuất, kinh doanh giỏi…
Nhờ cách làm này, đến nay xã Thanh Bình đã trồng được hơn 825 ha chè Shan Tuyết, trong đó, có 520 ha đã cho thu hoạch. Năng suất đạt từ 11-15 tấn chè búp tươi/ha, với giá bán dao động từ 7-12 nghìn đồng/kg, trung bình mỗi ha sẽ cho thu khoảng 80 triệu đồng.
Cây chè mang lại thu nhập ổn định, đời sống bà con ngày càng khởi sắc
Là một trong những hộ trồng chè lâu năm, mang lại thu nhập ổn định của xã, chị Giàng Chả Dín, dân tộc Phù Lá, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, chia sẻ: Năm 2008, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ giống chè Shan Tuyết để trồng phát triển kinh tế. Để cây chè đảm bảo tỷ lệ sống cao, gia đình tôi đã được cán bộ xã hướng dẫn đào rãnh theo từng hàng, cách bón phân sau đó mới trồng. Hiện gia đình tôi có 2 ha chè Shan Tuyết đã cho thu hoạch, đến nay, gia đình tôi đã cho thu được hơn 15 tấn chè búp tươi, riêng vụ chè xuân giá cao lắm được 10 nghìn đồng/kg, còn hiện tại giá 6,3 nghìn đồng/kg, gia đình tôi thu về hơn 120 triệu đồng.
"Nhờ trồng chè gia đình tôi đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn. Đồng thời, có điều kiện chăm lo con cái học hành chu đáo, so với cây ngô, cây sắn thì cây chè cho năng suất, chất lượng cao hơn gấp nhiều lần". Chị Dín tâm sự.
Còn chị Chấu Thị Cá, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình cũng trồng chè Shan Tuyết nhưng gia đình chị Cá trồng muộn hơn so với các gia đình khác. Hiện nay, gia đình chị có 1 ha chè, nhờ trồng chè đã giúp gia đình chị Cá có thêm thu nhập ổn định hơn.
Chị Chấu Thị Cá, thôn Sín Chải, xã Thanh Bình, huyện Mường Khương, phấn khởi: Năm 2017, gia đình tôi được Nhà nước hỗ trợ giống, phân bón trồng chè. Sau 6 năm trồng và chăm sóc đến thời điểm này 1 ha chè đã cho thu hoạch. Riêng vụ năm 2023 này, gia đình tôi thu về khoảng 8 tấn chè búp tươi, thu về hơn 50 triệu đồng.
Theo số liệu thống kê của xã Thanh Bình, hiện nay trên địa bàn xã có gần 500 hộ dân trồng chè. Để cây chè phát triển bền vững, giúp người dân nâng cao thu nhập, xã Thanh Bình đã phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện Mường Khương tổ chức các lớp tập huấn về kỹ thuật trồng, chăm sóc, bón phân cho cây chè cho người dân.
Đồng thời, hướng dẫn người dẫn cách thu hoạch búp chè tươi đúng cách, đốn tỉa chè khi đã cho thu hoạch xong để có chất lượng chè cao hơn.
Cùng với đó, hiện nay, xã Thanh Bình đã được Nhà nước hỗ trợ đầu tư nâng cấp, mở rộng các tuyến đường liên thôn, xã; mở các tuyến đường vào khu sản xuất… giúp bà con đi lại và vận chuyển hàng hóa nông sản thuận tiện hơn.
Nam Trứ/VPTB