0922 281 189 [email protected]
Thứ tư, 06/09/2023 18:04 (GMT+7)

Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, DN tiếp tục lấn chiếm lòng sông

Theo dõi KT&TD trên

Mặc dù đã bị xử phạt gần 200 triệu đồng về hành vi lấn chiếm lòng sông thế nhưng Công ty Kiến Thịnh vẫn tiếp tục hành vi vi phạm của mình.

Những ngày qua, người dân trên địa bàn 2 xã Tân Dương, Xuân Hoà (Bảo Yên, Lào Cai) cùng chung bức xúc khi dòng sông Chảy ngang qua địa bàn đang dần bị thu hẹp, đất lòng sông và đất bán ngập bị lấn chiếm.

Cụ thể, để thuận tiện cho việc khai thác cát, con đường tự phát đã vươn mình ra giữa dòng sông Chảy thuộc địa phận 2 xã Tân Dương, Xuân Hoà (huyện Bảo Yên, tỉnh Lào Cai). Trên những con đường “ngăn dòng” bất đắc dĩ, hoạt động khai thác cát của Công ty Kiến Thịnh (Công ty CP Xây dựng và Thương mại Kiến Thịnh) để lại nhiều hệ lụy cho người dân nơi đây.

Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông (Bài 1) - Ảnh 1
Hình ảnh PV ghi nhận ngày 17/8/2023, tại điểm mỏ cát sỏi của Công ty Kiến Thịnh trên địa bàn 2 xã Tân Dương, Xuân Hòa (Huyện Bảo Yên, Lào Cai).

Những ngày đầu tháng 8/2023, phóng viên đã có mặt tại khu vực thôn Cuông 1, xã Xuân Hoà để ghi nhận thực tế vụ việc này.

Đứng từ trên cầu Bắc Cuông có thể thấy rõ, dòng sông chia làm đôi, một con đập được doanh nghiệp mở nối từ bờ chạy thẳng ra giữa lòng sông, có bề ngang khoảng 4 mét, dài hơn 100 mét giữa dòng sông Chảy (đoạn chảy qua xã Xuân Hoà). Theo quan sát, đơn vị đã sử dụng xe ô tô vận chuyển cát sỏi từ bờ ra đổ trực tiếp xuống lòng sông để chiếc máy xúc thực hiện việc san lấp, lấn chiếm đắp con đập này…

Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông (Bài 1) - Ảnh 2
Hiện trạng Công ty Kiến Thịnh sau khi bị UBND tỉnh Lào Cai xử phạt 170 triệu đồng.

Việc đào hố, đắp đập đã và đang làm thay đổi, chuyển hướng dòng chảy của con sông, khiến nhiều diện tích đất của người dân bị sạt lở.

Đặc biệt, các đơn vị khai thác ở đây không dùng bất kỳ tàu hút cát nào. Họ đắp đập, làm đường ra giữa lòng sông để thuận tiện cho những chiếc máy xúc đồ sộ, trực tiếp vục gầu xuống lòng sông lấy cát, vận chuyển về bãi tập kết. Tại hiện trường hai bên bờ sông, hàng vạn khối cát, sỏi được chất đống chờ chở đi tiêu thụ.

Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông (Bài 1) - Ảnh 3
Hoạt động khai thác cát gây ô nhiễm môi trường khiến người dân nơi đây vô cùng bức xức.

Ngoài ra, con đường dẫn vào bến bãi tập kết cát được cắm biển giới hạn xe có trọng tải 10 tấn, tuy nhiên nhiều xe cỡ lớn vẫn bất chấp ra vào để vận chuyển cát sỏi. Điều đáng nói, hoạt động của “đại công trường” này diễn ra ngay giữa ban ngày trong suốt thời gian dài.

Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông (Bài 1) - Ảnh 4
Tuyến đường được cắm biển giới hạn tải trọng dưới 10 tấn, nhưng nhiều đoàn xe đầu kéo tới hàng chục tấn đua nhau ra vào.

Nhiều hộ dân khu vực đầu cầu Bắc Cuông cũng tỏ ra bức xúc về quá trình vận chuyển nơi đây, đã nhiều lần phản ánh với chính quyền địa phương nhưng vẫn chưa được giải quyết, hoạt động vận chuyển cát sỏi gây ô nhiễm môi trường, cơ sở hạ tầng xuống cấp cũng là vấn đề của người dân nơi đây nhiều lần phản ánh đến Công ty Kiến Thịnh… song, đâu lại vào đó. Thậm chí, quá nỗi bức xúc khi phản ánh về con đường dân sinh chỉ cho phép tải trọng dưới 10 tấn, nhưng chỉ vài ngày sau chiếc biển giới hạn tải trọng đã biến mất không rõ nguyên nhân.

Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông (Bài 1) - Ảnh 5
Theo phản ảnh, quá trình vận tải khiến cả tuyến đường xuống cấp, khói bụi mù mịt, các phương tiện lưu thông gặp nhiều khó khăn...

Liên quan đến vụ việc trên, ngày 18/8, trao đổi với Phóng viên Tạp chí điện tử Kinh tế Môi trường, ông Hoàng Văn Nhâm - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “UBND xã Xuân Hòa tiếp nhận phản ánh của Tạp chí Kinh tế Môi trường, ngay lập tức sẽ báo cáo Chủ tịch UBND xã và cho cán bộ đi kiểm tra, sau khi có thông tin sẽ cung cấp lại cho tạp chí”.

Ngày 24/8, PV cũng làm việc với ông Trịnh Tiến Duật – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên về tình trạng trên. Sau khi cung cấp những hình ảnh PV ghi nhận tại hiện trường, ông Duật xác nhận Công ty CP Xây dựng và Thương mại Kiến Thịnh tiếp tục có hành vi vi phạm sau khi bị xử phạt.

Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông (Bài 1) - Ảnh 6
Toàn cảnh hoạt động khai thác cát của Công ty Kiến Thịnh.

Nhìn hình ảnh PV cung cấp, ông Duật nói: “Chính vì tình trạng san lấp, lấn chiếm, làm đường ra sông như vậy… đơn vị mới bị UBND tỉnh Lào Cai xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 170 triệu đồng”.

Từ thực tế cho thấy, mặc dù đã bị xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai từ năm 2022. Nhưng theo ghi nhận của Phóng viên vào thời điểm tháng 7, tháng 8/2023, đơn vị này lại tiếp tục tái vi phạm trong lĩnh vực đất đai mà chưa bị cơ quan chức năng vào cuộc xử lý…

Tại sao hành vi vi phạm cũ chưa được xử lý khắc phục triệt để mà hành vi vi phạm mới lại tái diễn. Trách nhiệm của người đứng đầu địa phương xã Xuân Hòa, người đứng đầu huyện Bảo Yên ở đâu trong câu chuyện quản lý đất đai, hoạt động khai thác khoáng sản này?

Đỗ Tuấn

Bạn đang đọc bài viết Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, DN tiếp tục lấn chiếm lòng sông. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.
Quỹ Nhà ở Quốc gia “tiếp nguồn hy vọng” cho người thu nhập thấp
Bộ Xây dựng hiện đang nghiên cứu, rà soát để đề xuất giải pháp thành lập Quỹ nhà ở quốc gia. Và đến nay, Bộ Xây dựng đã chủ động giao đơn vị chuyên môn khẩn trương nghiên cứu từ các kinh nghiệm quốc tế, rà soát các quy định pháp luật hiện hành và đề xuất giải pháp triển khai.

Tin mới

Khám phá menu đồ uống của Katinat Saigon Kafe
Katinat Saigon Kafe - Thương hiệu cà phê nổi bật tại TP.HCM chinh phục khách hàng với menu đa dạng hơn 40 loại thức uống độc đáo. Từ cà phê đậm đà, trà trái cây tươi mát đến các món đá xay hấp dẫn, mỗi thức uống đều mang đến trải nghiệm mới mẻ và thú vị.
Sự đa dạng hóa của thị trường đồ uống Việt
Thị trường đồ uống Việt Nam đang trải qua một cuộc cách mạng thầm lặng mà không phải ai cũng nhận ra. Cách đây vài thập kỷ, văn hóa thưởng thức đồ uống của người Việt chủ yếu gắn liền với những quán cóc ven đường hoặc các quán nước giải khát đơn giản.
Thanh tra Chính phủ chỉ ra "điểm nghẽn" về phát triển nhà ở xã hội tại TP.HCM ​​​​​​​
Việc đầu tư nhà ở xã hội (NƠXH) trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh (TP.HCM) còn chậm, chưa đạt được mục tiêu đề ra, không đáp ứng được nhu cầu của người dân; các quỹ đất dành cho việc đầu tư NƠXH còn hạn hẹp, cơ chế để đầu tư còn chưa thu hút được nhiều nhà đầu tư tham gia.
Đâu là rào cản doanh nghiệp ứng dụng AI vào sản xuất?
Trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ 4 đang diễn ra mạnh mẽ, trí tuệ nhân tạo (AI) đã và đang nhanh chóng trở thành một yếu tố then chốt. Nắm bắt kịp thời xu hướng đó, các doanh nghiệp Việt nhanh chóng ứng dụng trí tuệ nhân tạo vào sản xuất nhằm nâng cao lợi thế cạnh tranh.