Lào Cai: Cơ quan chức năng nói gì về vi phạm của Công ty Kiến Thịnh
Chính quyền địa phương nói “khó” trong công tác kiểm tra, giám sát quá trình khai thác cát sỏi…
Liên quan đến vi phạm của Công ty Kiến Thịnh (Công ty CP Xây dựng và Thương mại Kiến Thịnh) trong quá trình khai thác cát sỏi, đơn vị này đã bất chấp vi phạm mặc dù đã bị xử phạt hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản và đã được nêu trong bài viết Lào Cai: Sau khi bị xử phạt, doanh nghiệp tiếp tục lấn chiếm lòng sông (Bài 1)
Như đã thông tin ở bài trước, tại khu vực khai thác của đơn vị này không hề có bất cứ tàu bè hút cát nào như đã đăng ký trong giấy phép, mà đơn vị đã sử dụng xe ô tô vận chuyển cát sỏi từ bờ ra đổ trực tiếp xuống lòng sông để chiếc máy xúc thực hiện việc san lấp, lấn chiếm đắp con đập từ bờ ra giữa sông để thuận tiện cho việc khai thác cát…
Bên cạnh đó, một số người dân sinh sống gần khu vực khai thác, công nhân làm việc tại mỏ cát thuộc Công ty Kiến Thịnh phản ánh với Phóng viên Tạp chí Kinh tế Môi trường về hoạt động khai thác cát của đơn vị này có dấu hiệu khai thác khoáng sản quý hiếm (vàng).
Trao đổi với PV ngày 24/8, ông Lương (nhân vật đã được đổi tên để đảm bảo an toàn) làm việc tại mỏ cát cho biết: “Trong quá trình hoạt động khai thác cát, ngoài những vật liệu xây dựng thông thường đơn vị này còn khai thác khoáng sản quý hiếm và đá quý tại khu vực sàng cát của Công ty. Việc khai thác khoáng sản quý hiếm cứ cách một ngày họ lại rũ thảm 1 lần để lấy khoáng chất, quá trình diễn ra chớp nhoáng, rất khó tiếp cận, khó ai mà tới gần được”.
Liên quan đến những vi phạm còn tồn tại của của Công ty Kiến Thịnh, cũng như phản ánh về đơn vị này có dấu hiệu khai thác khoáng sản quý hiếm, PV Tạp chí Kinh tế Môi trường đã có buổi làm việc với chính quyền địa phương.
Trao đổi với PV tại trụ sở làm việc ngày 18/8, ông Hoàng Văn Nhâm - Phó Chủ tịch UBND xã Xuân Hòa cho biết: “Quá trình UBND xã Xuân Hòa kiểm tra, giám sát đơn vị còn gặp nhiều khó khăn, do chúng tôi cũng không có hồ sơ khai thác của đơn vị, chỉ nắm được diện tích khai thác. Nên mỗi khi có phản ánh, UBND xã tổ chức đi kiểm tra cũng chỉ biết đơn vị hoạt động trong phạm vi cho phép”.
Chia sẻ thêm với PV, vị lãnh đạo xã Xuân Hòa nói: “Công ty Kiến Thịnh hoạt động tại đây đã lâu nhưng cũng không được lòng của người dân. Nhiều người dân có phản ánh tới xã về vấn đề ô nhiễm môi trường. Thế nhưng, cũng rất khó để giải quyết do không đủ thẩm quyền để xử lý và ngăn chặn”.
Trả lời về vấn đề Công ty Kiến Thịnh có dấu hiệu khai thác khoáng sản quý hiếm trong quá trình khai thác cát sỏi trên địa bàn, ông Nhâm cho biết thêm: “Sẽ báo cáo Chủ tịch UBND xã và cho cán bộ xuống kiểm tra...”.
Đối với hoạt động khai thác khoáng sản của Công ty Kiến Thịnh, đã rất nhiều lần Tạp chí Kinh tế Môi trường phản ánh tới UBND xã Xuân Hòa về những sai phạm trong hoạt động khai thác cát nơi đây. Thế nhưng, những phản ánh này chưa được các cơ quan chức địa phương xử lý triệt để...
Cụ thể, theo biên bản làm việc ngày 18/3/2022 và ngày 21/3/2023 tại mỏ cát của Công ty Kiến Thịnh. Nội dung kiểm tra bao gồm: Giấy phép khai thác và tình trạng hoạt động của đơn vị nằm trong diên tích được cấp phép. Ngoài nội dung kiểm tra các giấy tờ liên quan, các dấu hiệu vi phạm như đắp đập, làm lệch dòng chảy sông, lấn chiếm đất sông đang xảy ra hằng ngày nhưng không hề được nhắc tới.
Cùng trao đổi về vấn đề trên, ngày 24/8, PV đã làm việc với ông Trịnh Tiến Duật – Phó trưởng Phòng Tài nguyên và Môi trường huyện Bảo Yên. Ông Duật cho biết: Về vấn đề vi phạm lấn chiếm lòng sông của Công ty Kiến Thịnh, tháng 4/2022, công ty Kiến Thịnh đã bị UBND tỉnh Lào Cai ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính với tổng số tiền là 170 triệu đồng, giao UBND huyện theo dõi giám sát, khắc phục những vi phạm trong quá trình khai thác gây ra thì đơn vị cũng đã thực hiện và hoàn thành nhiệm vụ được giao.
Trao đổi thêm về vấn đề san lấp, lấn chiếm, đánh đường ra sông để khai thác cát của công ty Kiến Thịnh ông Duật nhìn hình ảnh PV cung cấp nói: “Chính vì tình trạng san lấp, lấn chiếm, làm đường ra sông như vậy… Công ty Kiến Thịnh mới bị UBND tỉnh Lào Cai xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 170 triệu đồng”.
“Còn về hoạt động khai thác khoáng sản quý hiếm (vàng) mà người dân phản ánh, trong quá trình kiểm tra tại mỏ cát thuộc đơn vị này, UBND huyện Bảo Yên không phát hiệu có dấu hiệu làm vàng”, ông Duật nói.
Từ những phản ánh của người dân và ghi nhận thực tế của phóng viên, kính đề nghị các cơ quan hữu quan sớm vào cuộc làm rõ, có hay không vi phạm quy định của các đơn vị khai thác cát gây ô nhiễm môi trường, đồng thời có biện pháp ngăn chặn, xử lý kịp thời.
GS.TS Hoàng Xuân Cơ, Tổng thư ký Hội Kinh tế Môi trường Việt Nam cho biết, hoạt động khai thác trái phép cát đương nhiên không đáp ứng các yêu cầu về khảo sát, xin cấp phép; Không có nghiên cứu kỹ lưỡng về tác động của hoạt động này đối với địa hình, địa chất, hình thái của lòng sông, chế độ dòng chảy, diễn biến lòng, bờ, bãi sông; Không có các phương án bảo vệ lòng, bờ, bãi sông, hồ… "Cần phải chấm dứt các hoạt động khai thác trái phép, bằng cách nâng cao hơn nữa vai trò của cơ quan quản lý Nhà nước ở địa phương. Thậm chí, có những chế tài quy định trách nhiệm, xử lý người đứng đầu khi để xảy ra sai phạm trong địa bàn thuộc thẩm quyền quản lý...”, GS.TS Hoàng Xuân Cơ nêu quan điểm.
Đỗ Tuấn