Lãi suất giảm sâu, tiền vẫn không ngừng đổ vào ngân hàng
Dù lãi suất huy động giảm sâu nhưng tiền gửi vào hệ thống ngân hàng vẫn tăng nhanh. Đáng chú ý, trong 9 tháng đầu năm, huy động vốn toàn hệ thống tăng nhanh hơn cho vay.
Theo báo cáo từ Tổng cục Thống kê, tính đến 20/9/2023, tổng phương tiện thanh toán tăng 4,75% so với cuối năm 2022 (cùng kỳ năm 2022 là 2,49%). Huy động vốn của các tổ chức tín dụng tăng 5,8% (cùng kỳ năm trước là 4,04%). Trong khi tăng trưởng tín dụng của nền kinh tế chỉ đạt 5,73% (cùng thời điểm này năm trước, tăng trưởng tín dụng đạt 10,54%).
Còn theo dữ liệu của Ngân hàng Nhà nước (NHNN), đến cuối tháng 6/2023, tổng huy động tiền gửi của hệ thống tổ chức tín dụng tăng 4,6% so với đầu năm.
Như vậy, từ tháng 7 đến nay, huy động vốn của hệ thống ngân hàng vẫn tiếp tục tăng lên, bất chấp lãi suất huy động xuống thấp kỷ lục.
Lãi suất tiền gửi cao nhất tại các nhà băng thuộc nhóm Big 4 (Vietcombank, VietinBank, BIDV, Agribank) hiện chỉ còn 5,5%/năm, thấp ngang với giai đoạn Covid 19.
Lãi suất ngân hàng huy động phổ biến nhất hiện nay trong khoảng từ 5,5 – 5,8%/năm đối với tiền gửi kỳ hạn từ 6 tháng trở lên. Hiện không còn ngân hàng nào duy trì lãi suất huy động ở mức 7%/năm.
Đây là lần đầu tiên sau 3 năm hệ thống ngân hàng mới ghi nhận hiện tượng tăng trưởng huy động vốn cao hơn tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm. Năm 2022, huy động vốn trong 9 tháng đầu năm chỉ tăng 4,6% trong khi tín dụng tăng 11,05%. Trong năm 2021, huy động vốn 9 tháng đầu năm tăng 5,2% trong khi tín dụng tăng 7,88%.
Có thể thấy, tăng trưởng tín dụng trong 9 tháng đầu năm còn thấp hơn rất nhiều so với mục tiêu được đặt ra cả năm (khoảng 14%). Điều này đã dẫn đến thanh khoản dư thừa lớn trên toàn hệ thống.
Tại Hội nghị Kết nối Ngân hàng – Doanh nghiệp trên địa bàn TP. Hà Nội diễn ra vào tuần trước, Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Nguyễn Thị Hồng cho biết, mức tăng trưởng tín dụng toàn hệ thống vẫn thấp so với cùng kỳ các năm trước, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ các yếu tố khách quan như: cầu đầu tư, sản xuất kinh doanh, tiêu dùng giảm; một số nhóm khách hàng có nhu cầu nhưng chưa đáp ứng điều kiện vay vốn, nhất là nhóm doanh nghiệp nhỏ và vừa; tác động từ khả năng hấp thụ tín dụng của nhóm bất động sản.
"Sau thời gian kinh tế gặp khó khăn, mức độ rủi ro bị đánh giá cao hơn, khi hoạt động của doanh nghiệp khó chứng minh hiệu quả (chi phí đầu vào, nguyên vật liệu nhập khẩu cao, thị trường đầu ra, đơn hàng, doanh thu giảm...); tổ chức tín dụng rất khó khăn trong quyết định cho vay do không hạ được chuẩn tín dụng để đảm bảo an toàn hệ thống", bà Hồng nói.
Theo NHNN, sau 4 lần điều chỉnh các mức lãi suất điều hành, đến nay, lãi suất tiền gửi và cho vay bình quân của giao dịch phát sinh mới bằng VND tại các ngân hàng thương mại đã giảm khoảng 1%/năm so với cuối năm 2022.
Với tác động trễ của chính sách tiền tệ, dự kiến mặt bằng lãi suất cho vay có thể tiếp tục giảm trong thời gian tới, góp phần tăng khả năng tiếp cận vốn của doanh nghiệp và người dân. Ngoài ra, cơ cấu tín dụng cơ bản đã tập trung vào sản xuất kinh doanh và những lĩnh vực ưu tiên; tín dụng đối với những lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro đã được kiểm soát.