Vì sao Ngân hàng Nhà nước liên tục phát hành tín phiếu?
Chỉ từ ngày 21/9 đến 25/9, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mở 3 phiên phát hành tín phiếu, với tổng số gần 30.000 tỷ đồng.
Những ngày gần đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) liên tục phát hành tín phiếu nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống. Theo thống kê cho thấy, chỉ từ ngày 21/9 đến 25/9, Ngân hàng Nhà nước đã liên tục mở 3 phiên phát hành tín phiếu.
Cụ thể, trong phiên 21/9, Ngân hàng Nhà nước đã chào thầu thành công gần 10.000 tỷ đồng tín phiếu cho 2 thành viên thị trường với kỳ hạn 28 ngày, lãi suất 0,69%. Đến phiên 22/9, Ngân hàng Nhà nước tiếp tục phát hành thành công 10.000 tỷ đồng tín phiếu 28 ngày, song số lượng thành viên trúng thầu đã tăng lên 5 và lãi suất trúng thầu giảm xuống còn 0,5%. Tại phiên ngày 25/9, kết quả có 4/13 thành viên tham gia trúng thầu với tổng khối lượng là 10.000 tỷ đồng, lãi suất 0,49%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cho rằng, mục tiêu phát hành tín phiếu của Ngân hàng Nhà nước chủ yếu là hút tiền trên thị trường trong bối cảnh đang thừa tiền, không cho vay được.
FiinGroup cũng đánh giá, động thái phát hành tín phiếu của NHNN được xem là phù hợp trong bối cảnh thanh khoản hệ thống đang dư thừa. Việc này cũng được kỳ vọng sẽ giảm áp lực lên tỷ giá trong thời gian tới, theo đó sẽ giữ chân dòng tiền ngoại đang rút ròng nhiều tháng nay, đồng thời có thể tạo cú hích cho dòng tiền ngoại đang chờ đợi giải ngân.
Còn theo SSI Research, việc này có thể được xem như là một cách thức nhằm điều chỉnh trạng thái thanh khoản ngắn hạn trên hệ thống và là hoạt động thường thấy từ các ngân hàng trung ương và không đồng nghĩa với việc NHNN đã thực hiện đảo chiều chính sách tiền tệ, mà sẽ nghiêng nhiều về việc thận trọng duy trì chính sách tiền tệ nới lỏng có kiểm soát như hiện tại.
Mục đích của NHNN là nhằm hút bớt thanh khoản thị trường 2 để giảm áp lực đầu cơ tỷ giá trong ngắn hạn và lượng hút cũng không quá nhiều (nếu so sánh với giai đoạn nửa cuối năm 2022) nhằm không gây ra căng thẳng thanh khoản trên thị trường 2 và hạn chế tác động lên mặt bằng lãi suất trên thị trường 1. Bên cạnh đó, cần phải chú ý rằng nghiệp vụ phát hành tín phiếu kì hạn là nghiệp vụ hút VND tại thời điểm hiện tại và sẽ bơm lại sau khi đáo hạn.
Hiện tỷ giá trong nước đã bật tăng mạnh theo xu hướng của chỉ số USD trên thị trường quốc tế và tương đồng với biến động của các đồng tiền khác trong khu vực. Giá USD tại hầu hết ngân hàng trong nước đã vượt qua mốc 24.500 đồng. Tính từ đầu năm đến nay, giá USD tại các ngân hàng đã tăng khoảng 3,3%.
Chuyên gia kinh tế Đinh Trọng Thịnh cũng cho rằng, việc phát hành tín phiếu sẽ giúp cân bằng tỷ giá bởi đang hút bớt VND ra khỏi lưu thông, như vậy tiền trên thị trường giảm bớt đi, làm giảm áp lực tỷ giá, VND và USD cân bằng nhau.
Anh Thư