Kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam có thể đạt trên 5 tỷ USD trong năm nay
Ngành rau quả của nước ta đã đạt kỷ lục về tăng trưởng xuất khẩu trong 7 tháng đầu năm nay, mang về 3,23 tỷ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng trong tháng 7, xuất khẩu đạt 550 triệu USD, tăng 122,5% so với tháng 7/2022.
Báo cáo của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho thấy, 6 tháng năm 2023, xuất khẩu hàng rau quả ước đạt 2,7 tỷ USD, tăng 68,1% so với cùng kỳ năm 2022.
Xuất khẩu rau quả trong nửa đầu năm tăng trưởng nhanh trong bối cảnh nhiều ngành hàng sụt giảm do tổng cầu yếu. Ngành hàng rau quả là điểm sáng trong xuất khẩu hàng hóa của cả nước. "Với tốc độ tăng trưởng như hiện tại, dự báo nửa cuối năm xuất khẩu hàng rau quả đạt từ 2,5 - 2,7 tỷ USD" - Cục Xuất nhập khẩu nhận định.
Hàng rau quả chủ yếu xuất khẩu tới khu vực châu Á, tỷ trọng xuất khẩu sang khu vực này chiếm 84,9% tổng trị giá xuất khẩu hàng rau quả.
Trong đó, xuất khẩu hàng rau quả chủ yếu tới thị trường Trung Quốc, trị giá xuất khẩu hàng rau quả sang thị trường này chiếm 77,6% trong tổng xuất khẩu sang khu vực châu Á và chiếm 65,8% tổng xuất khẩu hàng rau quả.
Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu tới Trung Quốc ghi nhận mức cao trong 6 tháng đầu năm 2023, đạt 1,76 tỷ USD, tăng 121,9% so với cùng kỳ năm 2022.
Hàng rau quả xuất khẩu sang các khu vực khác như châu Âu, châu Mỹ, Châu Đại Dương và châu Phi với trị giá chỉ chiếm tỷ trọng nhỏ, do đó vẫn còn nhiều cơ hội để ngành hàng rau quả tiếp tục mở rộng thị trường trong thời gian tới.
Chủng loại quả và quả hạch chiếm tỷ trọng chính trong cơ cấu mặt hàng rau quả xuất khẩu nửa đầu năm 2023, đạt 1,9 tỷ USD, tăng 85,5% so với cùng kỳ năm 2022.
Theo số liệu thống kê từ Eurostat, trong 4 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của EU đạt 47,6 tỷ USD, tăng 8,6% so với cùng kỳ năm 2022. Tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam còn rất thấp, chỉ chiếm 0,18% tổng trị giá nhập khẩu của EU.
Cục Xuất nhập khẩu khuyến cáo, để rau quả vào được thị trường EU, các doanh nghiệp xuất khẩu cần chú ý, người dân EU chỉ tiêu dùng sản phẩm chất lượng cao và đồng nhất, đảm bảo an toàn thực phẩm, tiện lợi, các sản phẩm phải được sản xuất theo quy trình bền vững, ít phát thải và có trách nhiệm xã hội.
Với thị trường Mỹ, theo số liệu thống kê từ Ủy ban Thương mại quốc tế Mỹ, trị giá nhập khẩu hàng rau quả của Mỹ trong 5 tháng đầu năm 2023 đạt 24,1 tỷ USD, tăng 3,1% so với cùng kỳ năm 2022. Trong đó, tỷ trọng nhập khẩu từ Việt Nam có xu hướng giảm, chiếm 0,6% tổng nhập khẩu, giảm 0,12 điểm phần trăm so với cùng kỳ năm 2022.
Theo Cục Xuất nhập khẩu, với nhu cầu nhập khẩu hàng rau quả trên 46 tỷ USD/năm, Mỹ là thị trường tiềm năng đối với các nước xuất khẩu hàng rau quả, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, việc khai thác thị trường này vẫn chưa được như kỳ vọng, do khoảng cách địa lý giữa Việt Nam và Mỹ quá xa nên nếu đưa trái cây tươi vào Mỹ thì vấn đề công nghệ bảo quản dài ngày phải được ưu tiên hàng đầu.
Trung Quốc là thị trường nhập khẩu hàng rau quả lớn thứ 3 trên thế giới. Theo số liệu thống kê từ Cơ quan Hải quan Trung Quốc, trong 6 tháng đầu năm 2023, nhập khẩu hàng rau quả của Trung Quốc đạt 13,7 tỷ USD, tăng 6,8% so với cùng kỳ năm 2022.
Với lợi thế về vị trí địa lý gần với Trung Quốc, việc vận chuyển hàng rau quả tươi của Việt Nam sang thị trường này có chi phí thấp hơn, giữ được độ tươi và chất lượng, nên có khả năng cạnh tranh hơn so với các nguồn cung cấp khác.
Tuy nhiên, để gia tăng trị giá xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, hàng rau quả của Việt Nam phải có chất lượng tốt, đáp ứng thị hiếu tiêu dùng.
Tiến Hoàng