Giá gạo tiếp tục tăng mạnh tại hầu hết các nước xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á
Tuần qua, giá gạo tiếp tục tăng mạnh tại hầu hết các trung tâm xuất khẩu gạo hàng đầu châu Á. Nguyên nhân là do tâm lý lo ngại về nguy cơ thiếu hụt nguồn cung sau lệnh hạn chế xuất khẩu gạo của Ấn Độ.
Trên thị trường, giá gạo 5% tấm của Thái Lan đã tăng lên mức cao nhất trong 15 năm, đạt 627 – 630 USD/tấn, cao hơn đáng kể so với mức giá 545 USD/tấn được ghi nhận vào tuần trước.
Một thương nhân ở thủ đô Bangkok cho biết giá gạo cao khiến hoạt động bán hàng ngưng trệ, đồng thời tiết lộ nhiều khả năng sẽ có thêm nguồn cung mới tham gia thị trường vào cuối tháng này.
Một thương gia khác chia sẻ Thái Lan có thể đạt được mục tiêu xuất khẩu 8 triệu tấn gạo trong năm 2023, nhưng vẫn phải theo dõi chặt chẽ tình hình ở Ấn Độ. Sau khi Chính phủ Ấn Độ ban hành lệnh cấm xuất khẩu gạo trắng không phải basmati ngày 20/7, giá gạo đồ 5% tấm của nước này đã tăng lên mức kỷ lục 450 – 455 USD/tấn.
Một nhà xuất khẩu cho biết giá gạo đồ của Ấn Độ tăng, vì đó là loại gạo duy nhất được phép xuất khẩu. Nhưng nhu cầu đang thấp hơn bình thường vì giá cao.
Ngày 2/8, Hiệp hội Các nhà xuất khẩu gạo Thái Lan (TREA) dự đoán tình hình bất ổn trên thị trường gạo sẽ kéo dài đến hết nửa cuối năm 2023.
Theo Chủ tịch danh dự TREA Chukiat Opaswong, một số quốc gia sản xuất lúa gạo đang chuẩn bị cho đợt hạn hán do El Nino gây ra dự kiến trong cuối năm nay và năm 2024.
Ông Chukiat cho biết, ngoài việc theo dõi chính sách xuất khẩu gạo của Ấn Độ, các nhà xuất khẩu Thái Lan cũng cần theo dõi tình hình mưa và lên kế hoạch phù hợp, đặc biệt là trong mùa thu hoạch vào tháng 12. Ông cho biết thêm, trong điều kiện bình thường, Thái Lan sản xuất khoảng 20 triệu tấn gạo hằng năm, trong đó khoảng 12 triệu tấn tiêu thụ nội địa và 7-8 triệu tấn dành cho xuất khẩu. Tác động của El Nino có thể làm giảm sản lượng từ 1 đến 2 triệu tấn, điều này sẽ làm tăng giá gạo xuất khẩu. Tuy nhiên, rất khó có khả năng Thái Lan sẽ cấm xuất khẩu gạo.
Trong một động thái mới, ngày 3-8, Văn phòng Tài nguyên nước Quốc gia (ONWR) của Thái Lan đã kêu gọi nông dân trên cả nước chuyển sang “các loại cây trồng ít tốn nước hơn và có thể thu hoạch nhanh chóng”.
Nếu nông dân Thái Lan chấp hành theo khuyến nghị trên, sản lượng gạo ở Thái Lan có thể giảm đáng kể. Điều này có thể dẫn tới giá gạo thế giới tiếp tục tăng trong tương lai. Tuy nhiên, theo Oscar Tjakra, nhà phân tích chính tại Rabobank, nông dân Thái Lan có thể vẫn chọn trồng lúa do môi trường hiện tại với giá gạo xuất khẩu cao trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, giá gạo 5% tấm cũng đang được chào bán ở mức đỉnh của 15 năm, là 590 – 600 USD/tấn, cao hơn so với mức 550 – 575 USD/tấn của tuần trước. Một thương nhân ở thành phố Hồ Chí Minh cho biết giá gạo tiếp tục tăng sau khi Ấn Độ và một số nước khác hạn chế xuất khẩu.
Nhận định về triển vọng giá gạo, nhiều thương nhân nói: "Chưa biết giá sẽ tăng đến mức nào". Trong hai tuần qua, giá lúa của Việt Nam đã tăng mạnh, lên ngưỡng 6.800-7.200 VND (0,29- 0,3 USD)/kg, do nhu cầu lớn từ các nhà xuất khẩu và chế biến.
Giá gạo thế giới đã lên mức cao nhất trong vòng 11 năm, giúp giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cũng tăng theo, cụ thể tăng khoảng 15% trong vòng 4 tháng qua. Hiện nay, giá bán gạo của Việt Nam đang cao hơn gạo xuất khẩu của Thái Lan và Ấn Độ, tuy nhiên nhu cầu đối với gạo Việt Nam vẫn khá lớn.
"Với những lo ngại về sụt giảm nguồn cung nghiêm trọng do ảnh hưởng của El Nino, tôi cho rằng giá gạo vẫn còn nhiều dư địa tăng trong 6 tháng cuối năm. Trong kịch bản xấu nhất, khi El Nino tiếp tục gây ra thiệt hại đối với vụ lúa thứ 2 trong năm tại các quốc gia châu Á, giá cao hoàn toàn có thể tăng thêm từ 15 – 20%", ông Quang cho hay.
Trung Anh (t/h)