0922 281 189 [email protected]
Thứ sáu, 25/10/2024 11:08 (GMT+7)

Huy động chục nghìn tỷ từ trái phiếu, ngân hàng nào đang dẫn đầu?

Theo dõi KT&TD trên

Lũy kế 9 tháng năm 2024, ngân hàng là nhóm ngành có số lượng phát hành trái phiếu doanh nghiệp (TPDN) nhiều nhất trên thị trường, bỏ xa bất động sản và các nhóm ngành khác.

Ngân hàng dẫn dắt thị trường TPDN

Theo báo cáo mới nhất của VNDirect, thị trường TPDN tiếp tục “ấm” lên trong quý III/2024. Cụ thể, trong quý III/2024, thị trường ghi nhận 157 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị đạt khoảng 160.140 tỷ đồng, tăng 29,8% so với quý trước đó và tăng 33,9% so với cùng kỳ năm ngoái.

Trong đó, có 153 đợt phát hành riêng lẻ với tổng giá trị phát hành đạt 147.276 tỷ đồng, chiếm 92% tổng giá trị phát hành, và 4 đợt phát hành ra công chúng với giá trị phát hành đạt 12.864 tỷ đồng, chiếm 8% tổng giá trị phát hành.

Theo chuyên gia phân tích của VNDirect, sự phục hồi của hoạt động phát hành TPDN riêng lẻ tiếp tục được thúc đẩy bởi sự gia tăng phát hành của nhóm Ngân hàng. Tính riêng trong quý III/2024, nhóm Ngân hàng đã phát hành 119.307 tỷ đồng TPDNRL, chiếm 81% tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành. Nếu loại trừ nhóm Ngân hàng, tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành trong quý III/2024 đạt 27.970 tỷ đồng, giảm 14% so với quý II/2024 và giảm 44,4% so với cùng kỳ.

Theo sau Ngân hàng tiếp tục là nhóm Bất động sản với tổng giá trị TPDN riêng lẻ phát hành đạt 20.895 tỷ đồng, chiếm 14,2% tổng giá trị phát hành, tăng 41,8% so với quý II/2024 nhưng vẫn thấp hơn 40,2% so với cùng kỳ năm ngoái.

Về lãi suất, các đợt phát hành TPDN riêng lẻ trong quý III/2024 có lãi suất phát hành trung bình là 6,94%, giảm so với lãi suất phát hành trung bình 7,36% trong quý trước đó.

Tổng giá trị phát hành TPDN trong quý III/2024.

Tỷ trọng số đợt phát hành của nhóm Ngân hàng tiếp tục tăng trong quý III/2024 là nguyên nhân khiến lãi suất phát hành trung bình trong quý giảm so với nửa đầu năm 2024. Các đợt phát hành của nhóm ngân hàng trong quý III/2024 có kỳ hạn phổ biến từ 3 - 7 năm, với lãi suất từ 5% - 7,6%, thấp hơn khá nhiều so với mặt bằng lãi suất phát hành của các nhóm ngành khác.

Tổng giá trị TPDN riêng lẻ được mua lại trước hạn trong quý III/2024 đạt hơn 69.878 tỷ đồng, tăng 31,5% so với quý II/2024, và tăng 18,7% svck (số liệu được tổng hợp theo thông tin HNX công bố đến ngày 15/10/2024).

Lũy kế 9 tháng năm 2024, tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn đạt hơn 146.525 tỷ đồng, giảm 18,5% so với cùng kỳ. Trong đó, Ngân hàng vẫn là nhóm thực hiện mua lại TPDN trước hạn nhiều nhất trong quý III/2024 khi tổng giá trị TPDN được nhóm Ngân hàng mua lại chiếm tới 84,4% tổng giá trị TPDN được mua lại trước hạn.

Tuy nhiên, ở góc độ kém tích cực hơn, danh sách các công ty chậm thanh toán nợ TPDN vẫn gia tăng trong quý III. Tính đến ngày 15/10/2024, có khoảng hơn 80 DN nằm trong danh sách chậm nghĩa vụ thanh toán lãi hoặc nợ gốc TPDN theo thông báo của HNX. Số tiền nợ gốc đến hạn trong quý III/2024 của các tổ chức phát hành chậm thanh toán là khoảng hơn 8.600 tỷ đồng, chiếm 22,5% tổng giá trị đáo hạn trong quý III/2024, và chiếm 30,6% tổng giá trị đáo hạn trong Q3/24 khi loại trừ nhóm Ngân hàng.

Ngân hàng nào huy động vốn trái phiếu nhiều nhất?

Lũy kế 9 tháng năm 2024, Ngân hàng là nhóm ngành có giá trị phát hành trái phiếu nhiều nhất với khoảng 245.400 tỷ đồng, tăng 188% so với cùng kỳ 2023 và chiếm tỷ trọng 74% toàn thị trường, lãi suất bình quân gia quyền là 5,6%/năm, kỳ hạn bình quân 5,3 năm.

Theo thống kê trên Sở giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX), Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techombank), Ngân hàng TMCP Á Châu (ACB), Ngân hàng TMCP Phát triển thành phố Hồ Chí Minh (HDBank), Ngân hàng TMCP Phương Đông (OCB),… đang là những ngân hàng dẫn đầu về lượng phát hành trái phiếu trong 9 tháng năm 2024.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2024, Techcombank đã có tới 14 đợt phát hành TPDN với tổng giá trị phát hành lên tới 31.700 tỷ đồng. Đáng nói, Techcombank chỉ bắt đầu phát hành trái phiếu từ tháng 4/2024. Các lô trái phiếu của Techcombank hầu hết đều có kỳ hạn 2 – 3 năm với lãi suất dao động từ 3,7 – 5,4%/năm.

Chỉ trong chưa đầy 4 tháng (từ tháng 6/2024 – 9/2024), ACB đã có 12 đợt phát hành cùng tổng giá trị 27.840 tỷ đồng. Các lô trái phiếu của ACB có kỳ hạn dao động từ 2 – 3 năm với lãi suất từ 4,5 – 6,1%/năm.

Ngành ngân hàng là nhà phát hành trái phiếu lớn nhất trong tháng 9/2024.

Ngoài ra, thị trường TPDN còn ghi nhận số lượng phát hành lớn từ ngân hàng OCB. Trong 9 tháng năm 2024, ngân hàng này đã có tới 17 đợt phát hành với tổng giá trị 21.800 tỷ đồng. Các lô trái phiếu đều có kỳ hạn 2-3 năm, lãi suất ở mức 4,9%-5,6%/năm.

Cũng nằm trong nhóm “chủ đạo”, HDBank phát hành 18 đợt với tổng giá trị lên tới 19.400 tỷ đồng. Tuy nhiên, so với nhiều lô trái phiếu của các ngân hàng khác, các lô trái phiếu của HDBank có lãi suất cao hơn. Cá biệt, lô HDBL2432004 phát hành hồi tháng 7/2024 có lãi suất lên tới 7,8%/năm.

Theo các chuyên gia VNDirect, việc các ngân hàng tiếp tục gia tăng phát hành trái phiếu trong quý III/2024 là nhằm mục đích tăng tỷ lệ vốn huy động trung và dài hạn nhằm đảm bảo tỷ lệ tối đa vốn huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn theo quy định của NHNN.

Đồng quan điểm, các chuyên gia của FiinRatings cũng nhận định ngành ngân hàng sẽ tiếp tục tận dụng môi trường lãi suất thấp để phát hành thêm TPDN trong những tháng cuối năm 2024. Ngoài một số ngân hàng đã đăng ký trái phiếu và chốt phương án như trên, nhiều ngân hàng khác cũng dự kiến phát hành trong các tháng còn lại của năm 2024 như Vietinbank (8.000 tỷ đồng), LPBank (6.000 tỷ đồng), SHB (5,000 tỷ đồng), MBBank (3.000 tỷ đồng),…

Khánh Tú

Bạn đang đọc bài viết Huy động chục nghìn tỷ từ trái phiếu, ngân hàng nào đang dẫn đầu?. Thông tin phản ánh, liên hệ đường dây nóng : 0922 281 189 Hoặc email: [email protected]

Cùng chuyên mục

Thuế thu nhập mua bán nhà đất có gì chưa ổn?
Đề xuất áp thuế thu nhập cá nhân (TNCN) 20% trên phần lợi nhuận thực từ chuyển nhượng bất động sản tiếp tục gây tranh cãi trong dư luận, dù mục tiêu đặt ra là công bằng và minh bạch trong quản lý thuế.

Tin mới

Kinh tế tư nhân trong làn sóng FDI: Cơ hội và thách thức song hành
Làn sóng đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) vào Việt Nam trong những năm gần đây đã và đang tạo ra những tác động đa chiều, sâu rộng đến nền kinh tế, trong đó khu vực kinh tế tư nhân trong nước đứng trước những cơ hội phát triển chưa từng có, song cũng đối mặt với không ít thách thức cam go.
Tổng tiến công buôn lậu, hàng giả; xử lý nghiêm tham nhũng, tiêu cực không vùng cấm, không ngoại lệ
Thủ tướng Chính phủ yêu cầu mở đợt tấn công cao điểm đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi tội phạm buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, vi phạm bản quyền, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ trên toàn quốc, thời gian từ ngày 15/5 2025 đến ngày 15/6/2025, sau đó sẽ tiến hành sơ kết đánh giá.
Báo chí & kinh tế tư nhân: Góc nhìn từ Nghị quyết 68
Theo Nghị quyết số 68-NQ/TW, vai trò của Báo chí không chỉ dừng lại ở việc cung cấp thông tin mà còn là động lực quan trọng định hướng dư luận, tạo niềm tin và khuyến khích tinh thần khởi nghiệp, góp phần đưa nền kinh tế tư nhân phát triển mạnh mẽ.