Hàng giả, hàng nhái: Nỗi lo từ thị trường truyền thống đến "chợ ảo"
Tình trạng hàng giả, hàng nhái xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ đang diễn biến ngày càng phức tạp với nhiều thủ đoạn tinh vi, gây khó khăn cho công tác quản lý và ảnh hưởng nghiêm trọng đến quyền lợi người tiêu dùng.
Đặc biệt, sự phát triển nhanh chóng của thương mại điện tử đã vô tình trở thành môi trường thuận lợi để các hành vi vi phạm này lan rộng, đặt ra thách thức lớn cho công tác kiểm soát và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ trong bối cảnh số hóa.
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình trạng hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không còn giới hạn tại các đô thị lớn mà đã lan rộng tới cả khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa thông qua các nền tảng thương mại điện tử. Các đối tượng vi phạm ngày càng sử dụng thủ đoạn tinh vi như thiết kế bao bì tương tự hàng thật, dán tem xác thực và ứng dụng công nghệ hiện đại để đánh lạc hướng người tiêu dùng, gây khó khăn trong việc nhận biết và kiểm soát.

Theo ông Phạm Ngọc Sơn – Chi cục trưởng Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng, trong 6 tháng đầu năm 2025, lực lượng chức năng trên địa bàn đã tiến hành kiểm tra 918 vụ việc, xử lý 867 trường hợp vi phạm, thu nộp ngân sách trên 129 tỉ đồng và khởi tố 17 vụ án liên quan đến 19 đối tượng. Riêng trong tháng cao điểm (15/5 – 15/6), có 8 quyết định xử phạt hành chính được ban hành, với đa số vụ vi phạm bị xử phạt trên 100 triệu đồng. Những con số này phản ánh mức độ nghiêm trọng và quy mô đáng lưu ý của tình trạng hàng giả, hàng nhái hiện nay.
Thực tế cho thấy, phần lớn hàng giả, hàng vi phạm quyền sở hữu trí tuệ đang được phân phối qua các nền tảng thương mại điện tử và mạng xã hội. Ngoài việc bán hàng trực tiếp, nhiều đối tượng còn lập website giả mạo, sử dụng công nghệ trí tuệ nhân tạo (AI) để quảng bá sản phẩm vi phạm. Một số thủ đoạn phổ biến gồm bán hàng qua livestream, dùng tài khoản ẩn danh và lợi dụng hình thức giao hàng thu hộ để tránh truy xuất nguồn gốc.
Đáng chú ý, các đối tượng thường vận hành đồng thời nhiều tài khoản trên các sàn thương mại điện tử. Khi bị phát hiện, chúng nhanh chóng chuyển sang tài khoản khác và xóa toàn bộ lịch sử giao dịch nhằm né tránh việc xử lý. Tính chất giao dịch nhanh, ẩn danh khiến lực lượng chức năng gặp nhiều khó khăn trong quá trình kiểm tra, xác minh và xử lý vi phạm. Điều này không chỉ gây thiệt hại kinh tế mà còn ảnh hưởng đến niềm tin của người tiêu dùng đối với thị trường.
Trước thực trạng trên, các cơ quan quản lý và doanh nghiệp đang tăng cường ứng dụng công nghệ số trong hoạt động kiểm soát. Chi cục Quản lý thị trường TP. Đà Nẵng hiện đang xây dựng một ứng dụng tích hợp AI để hỗ trợ người tiêu dùng phân biệt hàng thật – hàng giả, góp phần nâng cao hiệu quả kiểm tra và phòng chống gian lận thương mại.
Ngoài ra, các công nghệ như blockchain, tem xác thực tích hợp mã QR, phần mềm truy xuất nguồn gốc cũng đang được khuyến khích áp dụng. Đây là những công cụ quan trọng giúp bảo vệ thương hiệu, tăng tính minh bạch và hỗ trợ người tiêu dùng trong việc lựa chọn sản phẩm đáng tin cậy.
Để quản lý hiệu quả hoạt động kinh doanh trên các nền tảng số, cần có sự phối hợp liên ngành giữa các cơ quan chức năng. Việc giám sát các nền tảng như Facebook, TikTok và yêu cầu các sàn thương mại điện tử nâng cao vai trò trong việc xác minh nguồn gốc hàng hóa là giải pháp cần thiết. Công nghệ AI và Machine Learning cũng đang được đề xuất ứng dụng để phân tích dữ liệu giao dịch, định vị GPS trong logistics và phát hiện các dấu hiệu bất thường như thao túng giá, trốn thuế hoặc che giấu doanh thu.
Tuy nhiên, bên cạnh nỗ lực của cơ quan chức năng, doanh nghiệp cũng cần chủ động trong việc đăng ký và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, đồng thời phối hợp chặt chẽ với cơ quan quản lý khi phát hiện hành vi vi phạm. Các sàn thương mại điện tử, với vai trò trung gian, cần nâng cao trách nhiệm trong việc kiểm duyệt thông tin và ngăn chặn hàng giả tiếp cận người tiêu dùng.
Về phía người tiêu dùng, việc nâng cao nhận thức và thói quen tiêu dùng thông minh là yếu tố then chốt. Người mua nên ưu tiên lựa chọn các gian hàng chính hãng, trung tâm thương mại uy tín, trang web chính thức hoặc đại lý được ủy quyền. Cần thận trọng với những quảng cáo, ưu đãi bất thường và tránh giao dịch trên các nền tảng không rõ ràng về nguồn gốc sản phẩm.
Trong bối cảnh thị trường chuyển dịch mạnh mẽ sang môi trường số, việc ứng dụng công nghệ vào công tác quản lý, kiểm tra và giám sát là hướng đi tất yếu. Đây không chỉ là giải pháp hạn chế gian lận thương mại, mà còn là nền tảng bền vững để bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, nâng cao năng lực cạnh tranh và uy tín của doanh nghiệp Việt trên thị trường trong nước và quốc tế.
Bùi Quốc Dũng