Hà Nội siết chặt kiểm soát an toàn thực phẩm tại cộng đồng
Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP), Hà Nội đã và đang tăng cường thanh tra, kiểm tra tại các cơ sở kinh doanh, bếp ăn tập thể, dịch vụ ăn uống và thức ăn đường phố. Đồng thời, Thành phố đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao nhận thức cho người sản xuất, kinh doanh và người tiêu dùng.
Theo ông Đặng Thanh Phong, Chi cục trưởng Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Hà Nội, toàn Thành phố hiện có hơn 80.000 cơ sở sản xuất, chế biến, kinh doanh thực phẩm, trong đó ngành Y tế trực tiếp quản lý hơn 46.000 cơ sở.

Để đảm bảo ATTP trong mùa lễ hội đầu năm 2025, Hà Nội đã thành lập hai đoàn kiểm tra giám sát tại 30 quận, huyện, thị xã. Các đoàn không chỉ kiểm tra mà còn hướng dẫn, tuyên truyền quy định ATTP, đồng thời yêu cầu các cơ sở khắc phục sai phạm nếu có.
Bên cạnh đó, Thành phố đã triển khai điều tra thực trạng và ghi nhận hình ảnh của các cơ sở kinh doanh thức ăn đường phố quanh khu vực cổng trường học tại các quận, huyện, thị xã.
Các chuyên đề ATTP năm 2024 cũng được triển khai đồng bộ, bao gồm: Rà soát và thống kê các cơ sở sản xuất, kinh doanh thực phẩm; đánh giá kiến thức và thực hành ATTP của người lãnh đạo quản lý, người sản xuất, chế biến, kinh doanh, người tiêu dùng thực phẩm và điều kiện an toàn thực phẩm tại các cơ sở thực phẩm; kiểm soát ATTP tại các bữa cỗ tập trung đông người; giám sát nguy cơ ô nhiễm thực phẩm thông qua việc lấy mẫu kiểm nghiệm; bảo đảm ATTP đối với kinh doanh dịch vụ ăn uống, thức ăn đường phố; duy trì tuyến phố dịch vụ uống, thức ăn đường phố đảm bảo an toàn thực phẩm có kiểm soát…
Trong năm 2025, Thành phố tiếp tục ban hành và thực hiện các kế hoạch chuyên đề về ATTP, đặc biệt chú trọng kiểm soát thực phẩm quanh cổng trường học, duy trì tuyến phố dịch vụ ăn uống đảm bảo ATTP có kiểm soát, nâng cao chất lượng bếp ăn tập thể tại các trường tiểu học và kiểm soát thực phẩm tại các bữa cỗ tập trung đông người.
Trong dịp Tết Dương lịch, Tết Nguyên đán Ất Tỵ và các lễ hội Xuân 2025, Hà Nội đã tổ chức các đoàn kiểm tra liên ngành nhằm đảm bảo ATTP trên địa bàn. Qua kiểm tra 63 cơ sở, cơ quan chức năng phát hiện và xử lý vi phạm 10 cơ sở, với tổng số tiền phạt lên tới 182 triệu đồng. Thành phố cũng sẽ tiếp tục tăng cường kiểm tra đột xuất và xử lý nghiêm các hành vi vi phạm.
Ngoài ra, Hà Nội duy trì 5 đội cơ động chuyên điều tra, xử lý ngộ độc thực phẩm, sẵn sàng ứng phó với các tình huống phát sinh, đặc biệt tại các hội nghị, sự kiện quan trọng.
Công tác tuyên truyền ATTP cũng được chú trọng nhằm nâng cao nhận thức của người dân, giúp họ tự bảo vệ bản thân trước các sản phẩm kém chất lượng. Thành phố đẩy mạnh truyền thông qua báo chí, truyền hình và mạng xã hội, tạo điều kiện để người dân dễ dàng tiếp cận thông tin và nâng cao ý thức về ATTP.