An ninh - An toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững
Ngày 16/7, Tạp chí Thương hiệu và Sản phẩm phối hợp với UBND TP. Sầm Sơn; Văn phòng Điều phối Vệ sinh An toàn thực phẩm Thanh Hóa tổ chức Hội thảo: “An ninh- An toàn thực phẩm hướng đến du lịch xanh bền vững: Chuyển hướng từ nhận thức đến hành động”.
Phát biểu khai mạc Hội thảo ông Nguyễn Hữu Hà – Phó chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hoá cho biết, những năm gần đây, phát triển kinh tế bền vững gắn với tăng trưởng xanh, du lịch xanh ngày càng được quan tâm, trở thành hướng phát triển quan trọng của nhiều quốc gia trên thế giới, trong đó có Việt Nam.
Các chuyên gia cho rằng, phát triển du lịch xanh giúp khẳng định Việt Nam không còn là điểm đến mới nổi, mà là một quốc gia phát triển du lịch có khả năng cạnh tranh.
Thực tế trong thời gian qua, du lịch nước ta đã đạt được những bước tiến dài cả về lượng khách và doanh thu ở thị trường quốc tế lẫn nội địa. Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong 6 tháng đầu năm 2024, khách du lịch quốc tế đến Việt Nam đạt hơn 8,83 triệu lượt, tăng 58,4% so với cùng kỳ năm 2023. Khách nội địa ước đạt 66,5 triệu lượt. Tổng thu ước đạt khoảng 436,5 nghìn tỷ đồng. Như vậy, lượng khách đến nửa năm đã đạt 50% mục tiêu đề ra cả năm là 17 - 18 triệu lượt.
Theo ông Hà, những con số trên cho thấy, ngành du lịch ngày càng đóng góp quan trọng vào cơ cấu nền kinh tế Việt Nam. Nhất là trong bối cảnh kinh tế sản xuất đang gặp nhiều khó khăn như hiện nay. Vì thế, phát triển du lịch là một hướng đi đúng đắn, góp phần phát triển kinh tế vùng, tăng thu nhập, nâng cao đời sống người dân.
Phó chi cục trưởng, Chi cục An toàn vệ sinh thực phẩm Thanh Hoá nhìn nhận, hiện nay, vấn đề vệ sinh an toàn thực phẩm tại các điểm du lịch không chỉ là nỗi lo của du khách mà còn là trăn trở của cả ngành du lịch, của chính quyền địa phương. Bởi lẽ, không phải cơ sở du lịch nào cũng đảm bảo tốt an toàn vệ sinh thực phẩm trong dịch vụ ăn uống, nhất là ở các điểm du lịch, lễ hội... Hành vi sử dụng hóa chất cấm trong nuôi trồng, chế biến nông sản, thủy sản, thực phẩm, chưa được ngăn chặn hiệu quả, nên nguồn nguyên liệu phục vụ dịch vụ ăn uống khó bảo đảm tốt về an toàn vệ sinh thực phẩm.
Ông Hà cho rằng, với những lợi ích đa dạng và toàn diện, du lịch xanh trở thành một hướng phát triển quan trọng cho ngành du lịch Việt Nam. Tuy nhiên, để phát triển du lịch bền vững, vấn đề an toàn thực phẩm cần phải được giải quyết triệt để.
Chia sẻ tại Hội thảo, ông Hà Văn Giáp, Chánh văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm cho biết tình trạng thực phẩm bẩn là nguyên nhân hàng đầu gây ung thư tại Việt Nam. Bệnh lý ung thư đã và đang là gánh nặng cho gia đình, cho xã hội trên thế giới cũng như tại Việt Nam.
Theo số liệu Globocan (Tổ chức Ung thư toàn cầu) 2022 vừa được công bố đầu tháng 3 năm nay, trên toàn thế giới có khoảng 19,9 triệu ca mới và 9,7 triệu ca tử vong, tại Việt Nam có khoảng 180.400 ca mới và hơn 120.000 ca tử vong do ung thư.
Theo các chuyên gia, số ca mắc ung thư tăng nhanh trong những năm gần đây do 3 nguyên nhân chính: thực phẩm bẩn, môi trường ô nhiễm, tuổi thọ tăng. Trong đó tác nhân thực phẩm bẩn đứng hàng đầu, chiếm khoảng 35%, thuốc lá 30%, di truyền chỉ 5-10%, còn lại là các nguyên nhân khác.
Chánh văn phòng điều phối về vệ sinh an toàn thực phẩm cho rằng, cần có chế tài xử lý phù hợp đối với các doanh nghiệp vi phạm quy định, có thể gây hoặc đã gây ngộ độc thực phẩm đối với khách du lịch, ảnh hưởng đến uy tín và hình ảnh của Ngành du lịch Việt Nam.
Đồng thời, tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục và tập huấn các kiến thức về an toàn thực phẩm cho các đối tượng có liên quan nhân viên, đặc biệt là những người chế biến món ăn và phục vụ món ăn cho du khách.
Cùng với đó, tăng cường kiểm soát nguồn nguyên liệu thực phẩm và nguồn nước sử dụng tại các cơ sở. Nguyên liệu thực phẩm có nguồn gốc, xuất xứ ổn định, truy xuất được khi cần.
Kiểm soát chặt chẽ khu vực chế biến, nhà bếp phải được thế kế và xây dựng theo nguyên tắc một chiều, có cửa cho nguyên liệu thực phẩm vào và có cửa cho sản phẩm đã qua chế biến đi ra. Nền, trần, tường nhà phải đực xây dựng theo đúng qui định
Kiểm soát chặt chẽ máy móc, thiết bị và dụng cụ chế biến món ăn. Các máy móc, thiết bị và dụng cụ chế biến món ăn phải được làm từ các vật liệu chuyên dụng, không phôi nhiễm vào món ăn trong quá trình chế biến.
Kiểm soát các phương tiện vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm trong quá trình phục vụ. Các khách sạn, nhà hàng và các cơ sở chế biến món ăn cần có các phương tiện vận chuyển chuyên dụng, chỉ dùng để vận chuyển nguyên liệu và sản phẩm thực phẩm.
Cuối cùng, kiểm soát vấn đề bảo hộ lao động và vệ sinh cá nhân người chế biến món ăn và kiểm soát quá trình phục vụ du khách.
Để làm tốt vấn đề này, theo ông Hà Văn Giáp, cần có sự vào cuộc quyết liệt, mạnh mẽ của cấp ủy, chính quyền, đoàn thể các cấp, các doanh nghiệp, nhà hàng, khách sạn và còng đồng nhân dân để từng bước thay đổi từ nhận thức, tư duy đến hành động trong công tác bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm và góp phần xây dựng nền văn hoá ẩm thực Việt Nam.
H.A