Hà Nội: Phấn đấu hoàn thành chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2024
Theo thông tin của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 8 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó có 6 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024 với quy mô khoảng 6.330 căn hộ (khoảng 0,379 triệu m2 sàn nhà ở), đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố
Theo thông tin của Sở Xây dựng Hà Nội, trên địa bàn Thành phố hiện có 8 dự án nhà ở xã hội đang triển khai, trong đó có 6 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024 với quy mô khoảng 6.330 căn hộ (khoảng 0,379 triệu m2 sàn nhà ở), đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố năm 2024.
Khẩn trương hoàn thành thủ tục các dự án NƠXH mới
Theo danh mục các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội kèm theo Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố Hà Nội giai đoạn 2021 - 2025 đã được phê duyệt, theo báo cáo của các chủ đầu tư thì hiện trên địa bàn Thành phố có 8 dự án đang triển khai trong đó có 6 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024 với quy mô khoảng 6.330 căn hộ (khoảng 0,379 triệu m2 sàn nhà ở), như: Dự án khu nhà ở đô thị Kim Hoa, huyện Mê Linh (phần nhà ở xã hội tại các ô đất CT1,CT2, CT3, CT4); Dự án Khu đô thị mới Thanh Lâm - Đại Thịnh 2, huyện Mê Linh (công trình nhà ở xã hội tại các ô đất CT-01+CT-02, CT05, CT-06, CT-07, CT-08); Dự án Nhà ở xã hội tại ô đất HH-02A thuộc dự án Nhóm nhà ở Đông Nam đường Tố Hữu, phường Trung Văn, quận Nam Từ Liêm; Dự án Tổ hợp nhà ở thương mại dịch vụ chung cư AZ Thăng Long, huyện Hoài Đức…
Về các dự án phát triển mới, Thành phố đang tổ chức triển khai thủ tục đầu tư 04 dự án, cụ thể: (1) Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 1 tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (quy mô khoảng 196.000m2 sàn, 3.000 căn hộ); (2) Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Tiên Dương 2 tại xã Tiên Dương, huyện Đông Anh (quy mô khoảng 210.000m2 sàn, 3.200 căn hộ); (3) Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Cổ Bi tại xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm (quy mô khoảng 152.000m2 sàn, 2.400 căn hộ); (4) Dự án đầu tư xây dựng Khu nhà ở xã hội Đại Mạch tại xã Đại Mạch, huyện Đông Anh và xã Tiền Phong, huyện Mê Linh (quy mô khoảng 215.000m2 sàn, 3.600 căn hộ). Thành phố Hà Nội cũng đang khẩn trương hoàn thành các thủ tục đầu tư để đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư và phấn đấu khởi công từ 1 đến 2 dự án trong năm 2024.
Nhận định về mục tiêu kế hoạch phát triển nhà ở xã hội mà UBND Thành phố Hà Nội đã đề ra trong năm nay, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội Mạc Đình Minh cho biết: Theo Kế hoạch phát triển nhà ở Thành phố năm 2024 đã được phê duyệt, chỉ tiêu phát triển nhà ở xã hội năm 2024 khoảng 0,078 triệu m2 sàn nhà ở xã hội. Triển khai Nghị quyết số 01/NQ-CP ngày 05/01/2024 của Chính phủ, Bộ Xây dựng đã có Văn bản số 788/BXD-QLN ngày 27/02/2024 về giao chỉ tiêu nhà ở xã hội hoàn thành trong năm 2024 đối với từng địa phương; trong đó Hà Nội được giao chỉ tiêu hoàn thành trong năm 2024 là 6.750 căn.
Như vậy đến nay, 06 dự án dự kiến hoàn thành trong năm 2024 với quy mô khoảng 6.330 căn hộ (khoảng 0,379 triệu m2 sàn nhà ở), đảm bảo hoàn thành chỉ tiêu theo Kế hoạch phát triển nhà ở của Thành phố năm 2024 và dự kiến đạt khoảng 93,8% chỉ tiêu được giao tại Văn bản số 788/BXD-QLN ngày 27/02/2024 của Bộ Xây dựng.
Cũng theo Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, trong quá trình triển khai thực hiện phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn cũng đang còn tồn tại một số khó khăn, vướng mắc. Thứ nhất là quy hoạch bố trí quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội được thực hiện theo quy định, tuy nhiên chưa đáp ứng được nhu cầu nhà ở xã hội rất lớn của Thành phố, trong khi đó Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội, Chương trình phát triển đô thị Thành phố Hà Nội đang trong quá trình lập, trình phê duyệt.
Thứ hai, các dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội, nhà ở công nhân trong Kế hoạch phát triển nhà ở triển khai chậm do công tác giải phóng mặt bằng gặp nhiều khó khăn, tỷ lệ công nhân thuê các công trình nhà ở công nhân hiện có chưa được lấp đầy dẫn đến các chủ đầu tư không tiếp tục triển khai; Thủ tục, thời gian lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án nhà ở xã hội triển khai mới theo quy định hiện nay còn kéo dài (thực hiện theo pháp luật về đấu thầu).
Nhiều điểm mới liên quan đến phát triển nhà ở xã hội
Vừa qua, Luật Nhà ở 2023, Luật Kinh doanh bất động sản 2023 đã có hiệu lực thi hành từ ngày 01/8/2024. Theo các chuyên gia nhận định, những Luật mới này đã được nghiên cứu, sửa đổi và có hiệu lực đã luật hóa một số nội dung quan trọng, tạo ra cơ chế rõ ràng, đảm bảo sự phát triển lành mạnh cho thị trường bất động sản.
Theo ông Mạc Đình Minh, Phó Giám đốc Sở Xây dựng Hà Nội, những Luật mới này cũng có những tác động đến công tác phát triển nhà ở xã hội trên địa bàn Thành phố.
Về thuận lợi, Luật Nhà ở 2023 và các Nghị định hướng dẫn thi hành có rất nhiều điểm mới liên quan đến phát triển và quản lý nhà ở xã hội so với Luật Nhà ở 2014, thuận lợi trong áp dụng, tháo gỡ được nhiều nội dung vướng mắc trong công tác phát triển và quản lý nhà ở tại các địa phương, cụ thể:
Về các loại hình nhà ở phát triển theo dự án, Luật Nhà ở 2023 quy định bổ sung loại hình “nhà lưu trú công nhân trong khu công nghiệp”, đã tháo gỡ khó khăn cho các chủ đầu tư khu công nghiệp trong việc xây dựng nhà lưu trú cho công nhân (trước đây chưa có quy định thống nhất giữa Luật Nhà ở 2014, các Nghị định hướng dẫn và Nghị định số 35/2022/NĐ-CP quy định về quản lý khu công nghiệp và khu kinh tế).
Đối với quỹ đất để phát triển nhà ở, nhà ở xã hội, Luật Nhà ở 2023 đã tiếp tục quy định việc bố trí quỹ đất để phát triển nhà ở, nhà ở xã hội trong quy hoạch là phù hợp thực tế, việc trao thẩm quyền của UBND cấp tỉnh bố trí đủ quỹ đất xây dựng nhà ở xã hội đáp ứng nhu cầu trong Chương trình, Kế hoạch phát triển nhà ở, quyết định việc bố trí quỹ đất thay thế dành để xây dựng nhà ở xã hội tại các dự án đầu tư xây dựng nhà ở thương mại giúp UBND cấp tỉnh chủ động, giảm bớt thủ tục (không phải lấy ý kiến của Thủ tướng Chính phủ đối với các dự án không bố trí), góp phần thúc đẩy phát triển nhà ở xã hội của các địa phương.
Về đối tượng thụ hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội, trước đây, Luật Nhà ở 2014 chỉ quy định 10 nhóm đối tượng chủ yếu là cá nhân, hộ gia đình, nay Luật Nhà ở 2023 đã bổ sung thêm 2 nhóm đối tượng, tách đối tượng hộ nghèo, cận nghèo khu vực nông thôn và các hộ thuộc khu vực nông thôn thường xuyên ảnh hưởng bởi thiên tai, quy định này rõ ràng và tránh bị nhầm lẫn đối tượng; bổ sung đối tượng “Doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã trong khu công nghiệp” - đây là một điểm mới tích cực, giúp tháo gỡ khó khăn về vốn đầu tư cho cả chủ đầu tư và doanh nghiệp sử dụng lao động trong khu công nghiệp. Đồng thời, quy định chi tiết, cụ thể điều kiện được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội trong Luật Nhà ở 2023 để có thể triển khai thực hiện được ngay khi có hiệu lực thi hành.
Về nhà lưu trú công nhân, Luật Nhà ở 2023 đã dành riêng 1 mục về nhà lưu trú công nhân, đây là loại hình nhà ở chưa được quy định trong Luật Nhà ở 2014 và gặp nhiều khó khăn, vướng mắc khi triển khai các văn bản quy phạm pháp luật trước đây (Nghị định 100/2015/NĐ-CP, 49/2021/NĐ-CP, 35/2022/NĐ-CP); Đã bổ sung quy định về quỹ đất, hình thức phát triển, loại hình, chính sách ưu đãi, điều kiện thuê, giá thuê, tiêu chuẩn diện tích, chủ đầu tư, quản lý vận hành nhà ở lưu trú công nhân trong khu công nghiệp.
Về nhà ở cho lực lượng vũ trang, đây cũng là nội dung mới trong Luật Nhà ở 2023, đã quy định cụ thể về quỹ đất gắn với chương trình, kế hoạch phát triển nhà ở; hình thức phát triển, loại hình, chính sách ưu đãi, điều kiện bán thuê, giá bán thuê, chủ đầu tư, quản lý vận hành nhà ở.
Mặc dù có nhiều điểm thuận lợi, cũng có một số khó khăn. Cụ thể, về trình tự thủ tục đầu tư xây dựng, theo quy định của Luật Nhà ở 2023, việc lựa chọn chủ đầu tư dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội thực hiện theo quy định của pháp luật về đấu thầu, thời gian kéo dài.
Về quy hoạch, tại Điểm b Khoản 2 Điều 14 Nghị định 95/2024/NĐ-CP của Chính phủ quy định đối với trường hợp đấu thầu lựa chọn nhà đầu tư thực hiện dự án có sử dụng đất thì phải có quy hoạch chi tiết hoặc quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2000 đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt trước khi thực hiện đấu thầu là không khả thi thực hiện trên địa bàn Thành phố Hà Nội;
Ông Mạc Đình Minh giải thích, do hiện nay, các quy hoạch phân khu đô thị trên địa bàn Thành phố hầu hết đã được phê duyệt theo tỷ lệ 1/5000 và hồ sơ đề xuất dự án đầu tư nói chung và hồ sơ đề xuất dự án đầu tư xây dựng nhà ở xã hội nói riêng đang được lập trên cơ sở quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/5000 (theo quy định trước đây tại Điều 11 Nghị định số 25/2020/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại khoản 4 Điều 108 Nghị định số 31/2021/NĐ-CP ngày 26/3/2021 của Chính phủ); Do đó, đối với các trường hợp chưa phê duyệt chủ trương đầu tư, chưa công bố kêu gọi đầu tư, Thành phố sẽ phải thực hiện rà soát, hoàn chỉnh về hệ thống quy hoạch đô thị (sau khi được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Quy hoạch chung xây dựng Thủ đô Hà Nội).
Về sử dụng nguồn tiền thu được từ tiền đóng tiền sử dụng đất thay thế cho 20% quỹ đất trong các dự án nhà ở thương mại để phát triển nhà ở xã hội có quy mô sử dụng dưới 10ha, pháp luật hiện hành chưa quy định trong khi đó nguồn lực tài chính của Thành phố để đầu tư xây dựng nhà ở xã hội từ nguồn vốn ngân sách còn hạn chế; Trong Nghị định 100/2024/NĐ-CP (Khoản 3 Điều 19) chỉ quy định thực hiện theo pháp luật về ngân sách Nhà nước.
Về cơ chế, ưu đãi, Luật Nhà ở 2023 (Điểm d Khoản 2 Điều 85) quy định được UBND cấp tỉnh hỗ trợ thực hiện đấu nối hệ thống hạ tầng kỹ thuật của dự án với hệ thống hạ tầng kỹ thuật của khu vực, bảo đảm đồng bộ hạ tầng xã hội trong và ngoài phạm vi dự án. Thực tế hiện nay, chưa quy định cụ thể tiêu chí, danh mục các hạng mục, công trình hạ tầng kỹ thuật trong dự án đầu tư xây dựng khu nhà ở xã hội được ngân sách Nhà nước hỗ trợ.