Gỡ khó thị trường bất động sản, góp phần khơi thông nguồn lực cho nền kinh tế
Đây là một trong những vấn đề được các đại biểu Quốc hội (ĐBQH) đề cập tại ở phiên thảo luận ở Tổ nhằm đánh giá kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, ngày 24/10.
Bất động sản là một nguồn lực rất lớn nhưng đang gặp nhiều khó khăn
Thảo luận tại Tổ 1, Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội, đa số các đại biểu đồng tình với Báo cáo của Chính phủ và cơ quan thẩm tra về kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023.
Bên cạnh những kết quả đạt được, các ĐBQH cũng cho rằng nền kinh tế - xã hội của nước ta vẫn còn những hạn chế, cần được tháo gỡ, đưa ra những giải pháp hữu hiệu khắc phục.
Theo Bí thư Thành ủy Hà Nội, Trưởng Đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng, mặc dù tăng trưởng kinh tế Việt Nam có những điểm sáng nhưng từ nay đến cuối năm và năm tới vẫn sẽ còn nhiều khó khăn, thách thức. Đầu tư công, mức giải ngân cao hơn so với năm trước nhưng vẫn chưa đạt yêu cầu, xuất khẩu suy giảm. Không chỉ doanh nghiệp trong nước mà các doanh nghiệp đầu tư nước ngoài cũng gặp nhiều khó khăn.
Đề cập đến vấn đề tín dụng, Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng nhận định: Tín dụng đang rất khó khăn, ngân hàng thừa thanh khoản, doanh nghiệp thiếu tiền do không tiếp cận được nguồn vốn. Nếu tháo gỡ được vấn đề này sẽ kích thích sản xuất, trong khi lạm phát đang thấp so với kế hoạch. “Đây là vấn đề cần được xem xét, tìm hướng giải quyết...” – ĐBQH Đinh Tiến Dũng nhấn mạnh.
Đề cập đến thị trường bất động sản, ĐBQH Đinh Tiến Dũng nhận định: Bất động sản là một nguồn lực rất lớn nhưng đang gặp nhiều khó khăn. Cả nước không biết bao nhiêu dự án bất động sản bị xây dựng dở dang, chưa hoàn thành đúng tiến độ…
Riêng Thành phố Hà Nội có 712 dự án chậm triển khai lâu năm và mới đây đã xử lý hủy được hơn 100 dự án, thu lại để đấu thầu, đấu giá được vài nghìn ha. Đây là những dự án nằm “bất động” 10 - 20 năm, khiến người dân bức xúc...
Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng: Nếu tập trung giải quyết được hai vấn đề tín dụng và bất động sản sẽ mang lại hiệu quả cho nền kinh tế, tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp.
Hơn thế, nếu tháo gỡ được những khó khăn cho thị trường bất động sản thì những vấn đề khác sẽ được khơi thông như thị trường vật liệu xây dựng, tạo thêm nhiều công ăn việc làm cho người lao động, góp phần thúc đẩy tăng trưởng, ổn định kinh tế vĩ mô, qua đó khơi thông được vấn đề tín dụng ngân hàng, trái phiếu doanh nghiệp riêng lẻ…
“Không chỉ riêng Thành phố Hà Nội mà những địa phương khác cũng vậy, nếu những dự án bất động sản cứ nằm ở đấy thì sẽ làm lãng phí nguồn lực xã hội, nguồn lực Nhà nước trong khi người dân bức xúc vì đầu tư dở dang” – ĐBQH Dũng nói.
Đề xuất giải pháp, Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội Đinh Tiến Dũng cho rằng: Quốc hội nên sớm có chỉ đạo, chủ trương rà soát tổng thể, ban hành nghị quyết hoặc có chủ trương chung để giải quyết những khó khăn cho lĩnh vực bất động sản, bởi vướng mắc chủ yếu là liên quan đến Luật Đất đai, Luật Đầu tư.
Đối với những dự án chậm triển khai, cần tính đúng, tính đủ giá đất, phù hợp với quy định hiện hành và thị trường. Còn đối với chủ đầu tư nào không còn khả năng thực hiện phải giải quyết dứt điểm, không để các dự án xây dựng chậm triển khai kéo dài.
Cùng quan tâm về nội dung trên, đại biểu Phạm Thị Thanh Mai – Phó Trưởng đoàn ĐBQH Thành phố Hà Nội cho biết, theo báo cáo của Chính phủ, hiện nợ đọng thuế phí về đất đang gia tăng, nhất là nợ đọng trong các dự án bất động sản.
Đại biểu nhấn mạnh: Nguồn lực phát triển kinh tế của đất nước không chỉ được tính ở các dự án đã triển khai, vận hành, mà còn nằm ở các dự án chậm triển khai. Nguồn lực bị tồn đọng ở đây rất lớn và đang bị lãng phí, cần có giải pháp để khơi thông.
Một số đại biểu cũng nêu thực trạng thu ngân sách từ đất đai ở tất cả địa phương đều giảm sút do thị trường bất động sản đình trệ. Cơ chế, chính sách trong lĩnh vực bất động sản đang rất vướng. Việc tháo gỡ khó khăn cho thị trường bất động sản cũng giúp khơi thông nguồn lực phát triển nhiều ngành khác…
Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản
Trước đó, ngày 23/10, tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV, Thủ tưởng Chính phủ Phạm Minh Chính đã trình bày Báo cáo kết quả thực hiện kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2023, dự kiến kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024.
Đề cập các nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu những tháng cuối năm 2023, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính khẳng định: Chính phủ sẽ tiếp tục ưu tiên thúc đẩy tăng trưởng, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế; tập trung thực hiện các giải pháp thúc đẩy mạnh mẽ các động lực tăng trưởng (đầu tư, tiêu dùng, xuất khẩu); tận dụng tốt cơ hội thị trường trong nước, quốc tế dịp cuối năm, lễ, Tết; tất cả các Bộ, ngành, địa phương nỗ lực vượt qua khó khăn, thúc đẩy phục hồi và phát triển sản xuất kinh doanh.
Đẩy nhanh tiến độ phê duyệt quy hoạch và giải ngân vốn đầu tư công, Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, 03 Chương trình mục tiêu quốc gia. Tích cực phục hồi, phát triển thị trường trái phiếu doanh nghiệp, thị trường bất động sản.
Tập trung tháo gỡ khó khăn cho sản xuất kinh doanh; khơi thông, huy động và sử dụng hiệu quả các nguồn lực. Bảo đảm ổn định chính trị - xã hội; củng cố quốc phòng, an ninh; giữ vững trật tự an toàn xã hội; đẩy mạnh hội nhập quốc tế; tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền; nỗ lực phấn đấu đạt mức cao nhất các chỉ tiêu kế hoạch năm 2023, trong đó tăng trưởng GDP đạt trên 5%, lạm phát khoảng 3,5 - 4%.
Về kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội năm 2024, Thủ tướng Chính phủ cho biết: Chính phủ đặt mục tiêu tổng quát năm 2024 tiếp tục ưu tiên, thúc đẩy mạnh mẽ tăng trưởng gắn với củng cố, giữ vững ổn định kinh tế vĩ mô, kiểm soát lạm phát, bảo đảm các cân đối lớn của nền kinh tế. Đẩy mạnh, tạo chuyển biến tích cực hơn trong thực hiện các đột phá chiến lược, cơ cấu lại nền kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng, nâng cao năng suất, chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và năng lực nội sinh của nền kinh tế.
Quan tâm phát triển toàn diện, đồng bộ các lĩnh vực văn hóa, xã hội, giáo dục, y tế ngang tầm với phát triển kinh tế; chú trọng bảo đảm an sinh xã hội, giảm nghèo bền vững, cải thiện đời sống vật chất, tinh thần của Nhân dân. Quản lý chặt chẽ, sử dụng hiệu quả đất đai, tài nguyên, chủ động phòng, chống thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu. Quyết liệt phòng, chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí. Củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh, giữ vững độc lập, chủ quyền; nâng cao hiệu quả đối ngoại, hội nhập quốc tế; gìn giữ môi trường hòa bình, ổn định và tạo điều kiện thuận lợi cho phát triển đất nước.
Các chỉ tiêu chủ yếu năm 2024 gồm: Tăng trưởng GDP khoảng 6 - 6,5%; GDP bình quân đầu người đạt khoảng 4.700 - 4.730 USD; tỷ trọng công nghiệp chế biến, chế tạo trong GDP đạt khoảng 24,1 - 24,2%; Tốc độ tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) bình quân khoảng 4 - 4,5%; Tốc độ tăng năng suất lao động xã hội bình quân 4,8 - 5,3%; Tỷ lệ lao động qua đào tạo đạt khoảng 69%, trong đó có bằng, chứng chỉ đạt khoảng 28 - 28,5%; Tỷ lệ thất nghiệp ở khu vực thành thị dưới 4%; Tỷ lệ hộ nghèo theo chuẩn nghèo đa chiều giảm trên 1%; Dự toán thu ngân sách Nhà nước (NSNN) tăng khoảng 5%; Bội chi NSNN dưới 4% GDP.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính nhấn mạnh: Nhiệm vụ từ nay đến cuối năm 2023 và năm 2024 rất nặng nề, đòi hỏi các cấp, các ngành, các địa phương phát huy tinh thần đoàn kết, chung sức, đồng lòng, năng động, đổi mới, sáng tạo, không lùi bước trước khó khăn, thách thức, quyết tâm cao hơn, nỗ lực lớn hơn, hành động quyết liệt hơn, phấn đấu hoàn thành thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ kế hoạch đã đề ra.