FDI thúc đẩy sản xuất công nghiệp Nghệ An bứt tốc đầu năm 2025
Trong quý I/2025, sản xuất công nghiệp Nghệ An phục hồi mạnh mẽ, ghi nhận mức tăng trưởng hai con số. Kết quả tích cực này đến từ sự hỗ trợ kịp thời của chính quyền địa phương cùng làn sóng đầu tư từ các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài, đặc biệt trong lĩnh vực chế biến, chế tạo và khai khoáng.
Theo đó, chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) của Nghệ An trong tháng 3/2025 tăng 13,45% so với cùng kỳ năm trước. Trong đó, ngành khai khoáng đạt mức tăng ấn tượng 165,58%, chủ yếu nhờ các doanh nghiệp chủ động gia tăng sản lượng khai thác đá xây dựng và các sản phẩm liên quan. Sản lượng đá xây dựng trong tháng ước đạt 681,4 nghìn m³, gấp 3,1 lần so với cùng kỳ năm 2024.
Bên cạnh đó, các dự án lớn về hạ tầng khu công nghiệp trên địa bàn tỉnh đã được khởi công, tiếp tục tạo điều kiện thuận lợi để thu hút dòng vốn đầu tư. Dự kiến trong năm nay, một loạt dự án FDI quy mô lớn sẽ hoàn tất và chính thức đi vào hoạt động. Trong số đó có các nhà máy sản xuất linh kiện điện tử của Luxshare Tech và Luxvisions Innovation; nhà máy phụ tùng ô tô của Công ty TNHH Công nghệ Everwin Precision (giai đoạn 1); nhà máy sản xuất linh kiện điện tử và thiết bị chính xác của Goetek; dự án sản xuất linh kiện điện tử và phụ tùng ô tô của Juteng; nhà máy gia công và sản xuất giày dép xuất khẩu của Huali; nhà máy sản xuất hợp kim nhôm của Công ty TNHH Innovation Precision Việt Nam; nhà máy khoa học kỹ thuật kim loại Tân Việt chuyên sản xuất thép tấm và thép không gỉ với công suất 260.000 tấn/năm. Ngoài ra, các dự án thủy điện như Suối Choang (4MW), Bản Mồng (45MW) và Châu Thôn (29,8MW) cũng đang được triển khai đồng bộ.

Trong tháng 3/2025, nhiều doanh nghiệp tại Nghệ An tăng mạnh sản lượng sản xuất nhờ đơn hàng xuất khẩu phục hồi. Một số sản phẩm đạt mức tăng trưởng đáng kể so với cùng kỳ năm trước như nước mắm ước đạt 27,6 triệu lít, tăng gấp 2,2 lần; phân bón hóa học NPK đạt 2,6 nghìn tấn, tăng 90,91%; bia đóng lon đạt 8,8 triệu lít, tăng 49,51%; ống nhựa Tiền Phong đạt 1,4 nghìn tấn, tăng 20,51%; đốc sạc đạt 1,6 triệu cái, tăng 17,72%; ống thép Hoa Sen đạt 4,0 nghìn tấn, tăng 16,38%; đường đạt 34,6 nghìn tấn, tăng 8,53%; và tai nghe không nối với micro đạt 4,0 triệu cái, tăng 8,03%.
Ngành công nghiệp chế biến, chế tạo cũng ghi nhận mức tăng trưởng 11,54%, trong đó nổi bật là các sản phẩm như bia đóng lon, nước mắm và phân bón hóa học NPK. Riêng sản lượng bia đóng lon trong quý I đạt 25,5 triệu lít, tăng 15,48% so với cùng kỳ năm trước; phân bón NPK đạt 2,6 nghìn tấn, tăng 90,91%. Đặc biệt, các sản phẩm điện tử và phụ tùng ô tô có xu hướng tăng trưởng tích cực nhờ sự khởi động của các dự án FDI mới như Luxshare Tech và Goetek.
Ngành sản xuất nước sạch và dịch vụ xử lý rác thải cũng ghi nhận những tín hiệu tích cực. Sản lượng nước máy đạt 3 triệu m³, tăng 10,15% so với cùng kỳ; doanh thu từ dịch vụ thu gom rác thải đạt 14,7 tỷ đồng, tăng 18,92%.
Tuy nhiên, bên cạnh những điểm sáng, một số lĩnh vực vẫn đang gặp khó khăn. Ngành dệt may ghi nhận mức sụt giảm mạnh, với chỉ số sản xuất ngành dệt giảm 26,35%. Ngành sản xuất giấy và các sản phẩm từ giấy giảm 17,73%; ngành sản xuất hóa chất và sản phẩm hóa chất giảm 5,61%; ngành sản xuất phương tiện vận tải khác giảm 4,35%. Những khó khăn này chủ yếu bắt nguồn từ việc đơn hàng giảm và chi phí nguyên vật liệu tăng cao.
Tính chung trong ba tháng đầu năm 2025, chỉ số sản xuất công nghiệp của Nghệ An tăng 10,74% so với cùng kỳ năm trước. Các ngành công nghiệp chế biến, chế tạo; khai khoáng và sản xuất điện đóng vai trò chủ đạo trong mức tăng trưởng chung. Dù vậy, vẫn còn nhiều thách thức đặt ra cho các lĩnh vực như sản xuất sợi, bao bì giấy và bia đóng chai, do sức tiêu thụ thị trường suy giảm và áp lực chi phí ngày càng lớn.
Diễm Phước