Dự báo xuất khẩu rau quả vượt 7 tỷ USD trong năm 2024
Trong 7 tháng đầu năm, xuất khẩu rau quả đã đạt doanh thu 3,8 tỷ USD. Với những điều kiện thuận lợi về thị trường, dự báo kim ngạch xuất khẩu rau quả của Việt Nam năm 2024 sẽ có mức tăng trưởng đột biến, với tổng giá trị vượt 7 tỷ USD.
Theo Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến hết tháng 7/2024, xuất khẩu rau quả của nước ta thu về 3,8 tỷ USD, tăng mạnh 24,3% so với cùng kỳ năm ngoái.
Về thị trường xuất khẩu trong nửa đầu năm nay, Trung Quốc dẫn đầu với kim ngạch 2,16 tỷ USD, tăng 22,5% so với cùng kỳ năm ngoái và chiếm gần 65% kim ngạch xuất khẩu toàn ngành hàng này của nước ta.
Đáng chú ý, Hàn Quốc đã vượt qua Mỹ để trở thành khách hàng lớn thứ 2 của rau quả Việt xuất khẩu. Trong nửa đầu năm nay, xuất khẩu rau quả sang thị trường này đạt 164 triệu USD, tăng 55,6% so với cùng kỳ năm 2023. Theo đó, trong top 10 thị trường chủ lực, kim ngạch xuất khẩu sang Hàn Quốc ghi nhận tốc độ tăng trưởng mạnh, chỉ đứng sau Thái Lan.
“Việt Nam và Trung Quốc dự kiến sẽ ký Nghị định thư mới về xuất khẩu sầu riêng đông lạnh, chanh leo và ớt trong năm 2024. Hiện, 2 nước đã thống nhất ký kết Nghị định thư dừa tươi, mở ra triển vọng xuất khẩu cho trái dừa của Việt Nam. Đây là những cơ hội để xuất khẩu rau quả tiếp tục bứt phá ở nửa cuối năm nay” - Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Phùng Đức Tiến chia sẻ.
Trước những cơ hội từ thị trường rau quả xuất khẩu, Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Phùng Đức Tiến khuyến nghị các doanh nghiệp cần tập trung vào chất lượng. Đây là điểm mấu chốt để duy trì tăng trưởng, mở rộng thị trường.
Theo ông Nguyễn Thanh Bình, Chủ tịch Hiệp hội Rau quả Việt Nam, nhu cầu nhập khẩu dừa của Trung Quốc rất lớn và có xu hướng tăng trưởng ổn định, năm sau cao hơn năm trước. Trong khi đó, sản lượng dừa của Trung Quốc mới chỉ đáp ứng được khoảng 10% nhu cầu tiêu thụ nội địa, phần còn lại là nhập khẩu. Do đó, hoạt động xuất khẩu hàng rau quả của Việt Nam tới thị trường Trung Quốc dự kiến tiếp tục tăng trưởng khả quan”.
Ngành nông nghiệp đặt mục tiêu xuất khẩu rau quả năm 2024 đạt 7 - 7,5 tỷ USD, kỳ vọng này được đánh giá sẽ cán đích. Tuy nhiên, về cả trước mắt và lâu dài, các địa phương có nhóm rau quả chủ lực xuất khẩu cần quy hoạch và duy trì vùng sản xuất, ứng dụng công nghệ cao trong các khâu từ gieo trồng đến sơ chế, chế biến.
Trong đó, tập trung liên kết phát triển các chuỗi sản xuất. Bởi, chỉ khi nguồn cung ổn định, chất lượng bảo đảm thì bài toán xuất khẩu, thị trường mới được bảo đảm.
Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sẽ cùng các địa phương xây dựng chiến lược sản xuất, xuất khẩu đối với ngành hàng rau quả. Bộ cũng sẽ phối hợp Bộ Công Thương và các thương vụ Việt Nam tại nước ngoài thường xuyên cập nhật quy định, tiêu chuẩn mới từ phía thị trường nhập khẩu.
“Sự nhạy bén, tuân thủ nghiêm quy định quốc tế là giải pháp căn cơ cho mọi ngành hàng phát triển bền vững, trong đó có rau quả. Bộ NN&PTNT cùng các bộ, ngành liên quan sẽ siết chặt quản lý về chất lượng, vùng trồng. Nguồn cung lớn, ổn định thì bài toán chất lượng cần giải quyết hiệu quả để xuất khẩu rau quả tăng trưởng cao hơn” - Thứ trưởng Phùng Đức Tiến nhấn mạnh.