Đề xuất dành 20% diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội trong khu đô thị 15ha trở lên
Đó là ý kiến đề xuất của TS. Phạm Gia Yên - nguyên Chánh Thanh tra Bộ Xây dựng tại Hội thảo góp ý dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) do Ủy ban Pháp luật của Quốc hội tổ chức tại Đà Nẵng vào sáng ngày 8/8.
Theo TS. Phạm Gia Yên, một số quy định tại dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi) còn lỏng lẻo. Diện tích đất xây dựng nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại là bao nhiêu? Việc quy định tỷ lệ 20% là một tiền lệ từ bao năm nay đã được các địa phương và chủ đầu tư chấp nhận. Vì vậy nên giữ tỷ lệ này, đồng thời luật hóa trong Luật Nhà ở (sửa đổi) thay vì quy định tại các nghị định như trước đây, tránh tình trạng các nghị định hướng dẫn liên tục thay đổi.
Với các dự án nhà ở thương mại quy mô như thế nào thì cần phải giữ lại tỷ lệ 20% diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội? Dự án nhà ở thương mại quy mô thế nào thì được bố trí quỹ đất nhà ở xã hội đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật ở vị trí khác ngoài phạm vi dự án nhà ở thương mại tại đô thị đó hoặc đóng tiền tương đương giá trị quỹ đất đã đầu tư xây dựng hệ thống hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội như quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Nhà ở (sửa đổi).
Tôi đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 2 Điều 80 Luật Nhà ở (sửa đổi) theo hướng quy định tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III, chủ đầu tư dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô từ 15ha trở lên phải dành 20% diện tích đất trong dự án đã đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng kỹ thuật để xây dựng nhà ở xã hội. Với các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô nhỏ hơn 15ha tại các đô thị loại đặc biệt, loại I, loại II, loại III và các đô thị khác thì được thực hiện theo quy định như khoản 2 Điều 80 Luật Nhà ở (sửa đổi). Đồng thời để giải quyết vấn đề này cần đảm bảo thực tiễn có hiệu quả nên quy định cho UBND cấp tỉnh căn cứ từng dự án nhà ở thương mại, khu đô thị cụ thể, tình hình quỹ đất dành cho phát triển nhà ở xã hội tại địa phương sẽ quyết định dự án nào phải dành đất xây dựng nhà ở xã hội, dự án nào được thực hiện lựa chọn quỹ đất khác để thay thế hoặc đóng tiền như quy định tại khoản 2 Điều 80 Luật Nhà ở (sửa đổi).
Lý giải khi đưa ra đề xuất này, TS. Phạm Gia Yên cho rằng: Với quy mô dự án từ 15ha trở lên, tỷ lệ đất ở chiếm 50%, chúng ta có khoảng từ 1,5ha diện tích đất ở để xây dựng nhà ở xã hội trở lên. Với diện tích này đủ để bố trí nhà trẻ, mẫu giáo và các tiện ích khác cho cư dân nhà ở xã hội nhằm tạo ra sự độc lập tương đối giữa cư dân nhà ở xã hội và nhà ở thương mại. Với quy định dự án nhà ở thương mại, khu đô thị có quy mô từ 15ha trở lên mới phải dành quỹ đất 20%, bước đầu cũng đã khắc phục được tình trạng xây dựng nhà ở xã hội manh mún, không đủ điều kiện để bố trí các tiện ích tối thiểu cho người dân trong khu nhà ở xã hội, thậm chí có thể làm ảnh hưởng tới kiến trúc cảnh quan của toàn dự án. Đồng thời sẽ giải quyết được những vướng mắc mà một số cá nhân, tổ chức cho rằng nếu bố trí nhà ở xã hội trong các dự án nhà ở thương mại, khu đô thị thì sẽ bất lợi do chênh lệch thu nhập, điều kiện sống giữa các đối tượng. Đặc biệt là người thu nhập thấp không đủ điều kiện để hưởng thụ các dịch vụ ở khu nhà ở thương mại.
Bên cạnh đó, với quy định trên sẽ tạo ra nhiều khu nhà ở xã hội trong nội thị, đảm bảo được bán kính từ nơi ở đến nơi làm việc của người dân trong khu nhà ở xã hội, từ nơi ở đến nơi học tập của con em các hộ dân này khi mà khu nhà ở xã hội không đủ diện tích đất để bố trí các hệ thống trường tiểu học, phổ thông.
Ngoài góp ý đề xuất trên, TS. Phạm Gia Yên cũng đề xuất phương án chỉnh lý cụ thể liên quan đến vấn đề về nhà ở xã hội trong dự thảo Luật Nhà ở (sửa đổi), các quy định về đối tượng được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội. TS. Phạm Gia Yên chia sẻ, hiện nay trong các đối tượng được mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội theo quy định phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập đối với các khoản thu nhập từ tiền công, tiền lương theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân. Quy định này đã tạo ra một rào cản khiến công nhân khó có thể mua được nhà ở xã hội. Bởi hiện nay mức thu nhập để phải đóng thuế thu nhập cá nhân thấp, dù thuộc diện nộp thuế thu nhập cá nhân nhưng sau khi chi trả các khoản chi phí nuôi con cái, chi phí thuê nhà, chi phí sinh hoạt gia đình thì phần thu nhập còn lại không đáng kể. Do đó họ sẽ không có tiền để mua nhà.
Qua điều tra thực tế thì số lượng mua nhà ở xã hội là công nhân trong thời gian qua chiếm một phần nhỏ không đáng kể. Vì vậy, tại sao không bổ sung quy định các doanh nghiệp, hợp tác xã trong khu công nghiệp sử dụng người lao động được phép mua nhà ở xã hội để cho công nhân của họ thuê hoặc mua lại. Đây là cách làm của các “ông chủ lớn” tại các nước phát triển. Việc này đã giúp người công nhân có cuộc sống ổn định, gắn bó lâu dài với doanh nghiệp nhằm ổn định sản xuất và đảm bảo chuỗi cung ứng hàng hóa, dịch vụ không bị đứt gãy.
Ngọc Long