Sẽ xử lý nghiêm hành vi mua bán nhà ở xã hội không đúng đối tượng
Việc mua bán nhà ở xã hội tràn lan, đặc biệt đối với những dự án chưa đủ điều kiện là vi phạm những quy định của pháp luật. Nhiều chuyên gia pháp lý cho rằng, để tránh rủi ro người dân cần tìm hiểu kỹ những dự án nhà ở xã hội, đặc biệt nếu không đủ điều kiện thì không nên mua.
Người trong cuộc lên tiếng
Trước tình trạng “cò” mua bán nhà ở xã hội lộng hành, một số chủ đầu tư dự án cũng đã lên tiếng cảnh báo người dân. Mới đây Công ty Cổ phần Him Lam Thủ đô cũng phát đi thông báo: Hiện nay xuất hiện một số trang tin có hình ảnh quảng bá, môi giới, tư vấn và nhận cọc suất dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh.
Nhân viên môi giới chèo kéo người mua bằng cách khẳng định thông qua sàn môi giới khách hàng mới có được suất mua và trợ giúp làm hồ sơ sẽ trúng 100% mà không qua các bước bốc thăm, xét duyệt… căn hộ theo quy định. Đổi lại khách hàng phải trả khoản phí khác nhau, dao động từ 30-150 triệu đồng.
“Liên danh chủ đầu tư khẳng định, dự án chưa mở bán, chưa nhận hồ sơ và không thu bất cứ khoản thu ngoài quy định. Chúng tôi khẳng định thông tin trên các trang mạng và các web quảng bá bán hàng cho dự án đều là giả mạo và có dấu hiệu lừa đảo”, thông báo của chủ đầu tư dự án nhà ở xã hội Thượng Thanh nêu.
Tương tự, Tổng công ty Đầu tư phát triển hạ tầng đô thị UDIC vừa có thông báo về việc tiếp tục khuyến cáo người dân, khách hàng liên quan đến việc nhận đặt cọc, giao dịch mua bán căn hộ tại dự án nhà ở xã hội Udic Eco Tower tại lô đất NO1, thuộc dự án khu đô thị mới Hạ Đình, xã Tân Triều, huyện Thanh Trì, Hà Nội.
Hiện liên danh chủ đầu tư đang trong quá trình thực hiện các thủ tục đầu tư xây dựng dự án theo quy định của pháp luật. Dự án chưa đầy đủ hồ sơ pháp lý để huy động vốn và bán ra ngoài cho người dân có nhu cầu mua, thuê, thuê mua nhà ở xã hội.
Tuy nhiên, qua các kênh phương tiện thông tin xã hội thì gần đây, việc nhận đặt cọc, giao dịch mua bán căn hộ tại dự án xuất hiện dưới nhiều hình thức trái pháp luật như dưới dạng hợp đồng tư vấn pháp lý nhằm mục đích lừa đảo chiếm dụng tài sản của khách hàng, người dân có nhu cầu mua nhà ở xã hội.
Tổng công UDIC cho biết, dự án nhà ở xã hội Eco Tower chưa đủ điều kiện để nhận đặt cọc căn hộ cũng như ký hợp đồng mua bán nhà ở xã hội. Vì vậy, mọi thông tin về việc nhận đặt cọc, ký hợp đồng mua bán căn hộ tại dự án trong thời gian gần đây là thông tin không chính xác.
“Mọi hành vi của bất kỳ tổ chức, cá nhân nào nhân danh liên danh chủ đầu tư dự án thực hiện việc đặt cọc, giữ chỗ, giao dịch mua bán căn hộ tại dự án NƠXH Eco Tower đều là giả mạo, vi phạm pháp luật”, thông báo của Udic nêu rõ.
Do đó, Tổng công ty UDIC khuyến cáo khách hàng quan tâm, có nhu cầu mua căn hộ tại dự án NƠXH Udic Eco Tower vui lòng theo dõi thông tin được công bố trên Cổng thông tin điện tử của Sở Xây dựng Hà nội và thông tin chính thức từ liên danh chủ đầu tư.
Những rủi ro khi mua nhà ở xã hội chưa đủ pháp lý
Bộ Xây dựng cũng có những khuyến cáo người dân tuân thủ pháp luật nhà ở hiện hành, trong đó quy định việc ký hợp đồng mua bán nhà ở xã hội nên được thực hiện trực tiếp với chủ đầu tư. Để có thông tin chính xác và xác thực, người dân được khuyến nghị liên hệ trực tiếp với chủ đầu tư hoặc truy cập vào cổng thông tin của Sở Xây dựng.
Trước đó, Bộ Xây dựng đã thông báo về những vi phạm, bất cập trong công tác quản lý, sử dụng nhà ở xã hội tại một số địa phương, bao gồm Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng, Khánh Hòa, Bình Định, Phú Yên... Cụ thể, những vi phạm bao gồm mua nhà không đúng đối tượng, lập dự toán không đúng, thay đổi thiết kế công trình, căn hộ, và việc sử dụng căn hộ không đúng mục đích.
Đồng thời Bộ Xây dựng sẽ thự hiện kiểm tra hoạt động kinh danh bất động sản, trong đó có việc rao bán chênh tại các dự án nhà ở xã hội. Ông Hoàng Hải - Cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) cho biết, Bộ đã có văn bản gửi Sở Xây dựng các tỉnh, tham mưu các quy định xử phạt hành vi vi phạm. Hiện điều kiện, thủ tục mua bán nhà ở xã hội đã quy định rất chặt chẽ.
“Trong kế hoạch của Bộ, giữa năm nay sẽ có đợt công tác làm việc với các địa phương trong đó liên quan đến kinh doanh bất động sản. Bộ sẽ thực hiện kiểm tra hoạt động kinh doanh bất động sản, trong đó có việc rao bán chênh tại các dự án nhà ở xã hội”, ông Hải nói.
Trao đổi thêm về vấn đề này, Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh cho biết, Bộ đã yêu cầu các địa phương rà soát, kiểm tra, xử lý để đảm bảo thực hiện đúng các quy định về mua bán nhà ở xã hội.
“Trong thời gian tới, Bộ sẽ tiếp tục yêu cầu các địa phương đẩy mạnh kiểm tra, xử lý nghiêm để thực hiện đúng chính sách. Không để chính sách về nhà ở xã hội bị lợi dụng. Bên cạnh đó sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp thúc đẩy xây dựng tạo nguồn cung mới cho thị trường”, Thứ trưởng Nguyễn Văn Sinh khẳng định.
Căn cứ tại Điều 49, Điều 51 luật Nhà ở năm 2014, các đối tượng và điều kiện để được hưởng chính sách hỗ trợ về nhà ở xã hội bao gồm:
Thứ nhất, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình, chưa được mua, thuê hoặc thuê mua nhà ở xã hội, chưa được hưởng chính sách hỗ trợ nhà ở, đất ở dưới mọi hình thức tại nơi sinh sống, học tập hoặc có nhà ở thuộc sở hữu của mình nhưng diện tích nhà ở bình quân đầu người trong hộ gia đình thấp hơn mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.
Thứ hai, phải có đăng ký thường trú tại tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nơi có nhà ở xã hội. Trường hợp không có đăng ký thường trú thì phải có đăng ký tạm trú từ một năm trở lên tại tỉnh, thành phố đó.
Thứ ba, đối với cán bộ, công chức thì phải thuộc diện không phải nộp thuế thu nhập thường xuyên theo quy định của pháp luật về thuế thu nhập cá nhân.
Thứ tư, trường hợp là hộ nghèo, cận nghèo thì phải thuộc diện nghèo, cận nghèo theo quy định của Thủ tướng Chính phủ.
Nếu không đủ điều kiện để mua nhà ở xã hội theo quy định trên, việc bạn mua lại từ chủ căn hộ là vi phạm quy định của luật Nhà ở. Giao dịch này không có giá trị pháp lý nên bên mua phải bàn giao lại nhà ở cho đơn vị quản lý nhà ở xã hội.
Còn khi đủ điều kiện mua nhà ở xã hội và chủ căn hộ đã thanh toán hết tiền mua, có nhu cầu bán lại căn hộ thì bạn cần chuẩn bị đầy đủ hồ sơ để cùng với chủ căn hộ làm việc với đơn vị quản lý nhà ở xã hội, thỏa thuận về việc chuyển nhượng lại cho phù hợp quy định pháp luật.
Theo Điều 37, Nghị định số 08 năm 2020 của Chính phủ (về tổ chức và hoạt động của thừa phát lại), quy định các trường hợp không được lập vi bằng gồm: "Xác nhận nội dung, việc ký tên trong hợp đồng, giao dịch mà pháp luật quy định thuộc phạm vi hoạt động công chứng, chứng thực…" và "ghi nhận sự kiện, hành vi để thực hiện các giao dịch trái pháp luật của người yêu cầu lập vi bằng".
Các chuyên gia pháp lý đưa ra khuyến cáo, việc hai bên lập vi bằng để làm chứng cho việc chuyển nhượng căn hộ trong trường hợp này là vi phạm quy định của pháp luât. Nếu là đối tượng không đủ điều kiện mua nhà ở xã hội, để tránh rủi ro pháp lý, các chuyên gia khuyên không nên mua lại bằng hình thức lập vi bằng.
Thanh Cao